Câu chuyện về chiếc nệm bị giao muộn 7 năm

01-09-2022 14:05|Hồ Nga

Đôi khi không có phương pháp marketing nào tốt hơn marketing truyền miệng, và cũng không có đối thủ cạnh tranh nào đáng sợ hơn lời đồn.

Từ câu chuyện chiếc nệm bị giao muộn 7 năm

Một câu chuyện xảy ra cách đây đã mấy chục năm, tại nước Mỹ xa xôi. Một câu chuyện có thể rất đời thường, có thể chứa rất nhiều ý nghĩa nếu người đọc đặt nó ở vị trí khác nhau khi cảm nhận. Trước hết, hãy đọc câu chuyện được tôi cóp nhặt sáng nay: Câu chuyện về chiếc nệm bị gửi muộn 7 năm.

Chuyện bắt đầu từ việc có một người Mỹ tên là Tom. Khi chuyển nhà anh muốn thay một chiếc nệm mới nên đã đến cửa hàng nội thất “Blue Forest” để mua nệm. Anh chọn một tấm nệm rất tốt của xưởng sản xuất đồ gia dụng rất nổi tiếng lúc bấy giờ của Mỹ – Mega Factory, sản phẩm này rất được yêu thích trên thị trường thời điểm đó.

Sau khi thanh toán đơn hàng 200 đô la, anh Tom vui vẻ rời khỏi cửa hàng. Không ngờ anh đã gặp tai nạn trên đường về nhà khi một chiếc xe chở gas đột nhiên phát nổ bên đường khiến xe của anh bị hất văng đi. Sau đó, khi được đưa đến bệnh viện, Tom đã hôn mê và trở thành người thực vật.

Vào ngày cửa hàng nội thất hẹn với anh sẽ vận chuyển nệm đến nhà thì người ra mở cửa không phải là Tom, hơn nữa người đó còn nói là không quen ai tên là Tom cũng như chưa từng mua nệm, người đó còn kiên quyết cho rằng nhân viên giao hàng nhầm lẫn. Thế nhưng người giao hàng lại khẳng định không nhầm địa chỉ đặt hàng.

Không còn cách nào khác, người giao hàng đành mang nệm về lại cửa hàng, ông chủ cửa hàng nghĩ thầm, vị khách tên là Tom này hẳn sẽ quay trở lại, dù sao thì cũng đã trả 200 đô la rồi.

Vào lúc này thì anh Tom đã trở thành người thực vật , gia đình của anh cũng không biết việc anh có đặt một chiếc nệm.

Cửa hàng đồ nội thất “Blue Forest” nổi tiếng đặt sự tín nhiệm, tôn trọng khách hàng lên hàng đầu. Họ không hề vì không tìm thấy chủ nhân của chiếc nệm mà cảm thấy mình được lời, ngược lại họ đã rất khó nghĩ. Họ đã dán thông báo ở cửa và đăng tin tìm người trên báo địa phương với mong muốn tìm được Tom để anh này đến nhận nệm, nhưng đều không có kết quả.

Dù vậy, cửa hàng và công ty nệm vẫn luôn kiên trì, phải xử lý thỏa đáng, tuyệt đối không làm qua loa lấy lệ cho đến khi Tom đến nhận nệm. Bởi vì đây là vấn đề danh dự và thành thật, làm kinh doanh phải trọng tín nhiệm.

Cứ như vậy hết năm này qua năm khác, Tom vẫn chưa xuất hiện.

Trong thời gian này, cửa hàng và xưởng sản xuất đã từng thảo luận, dù có thế nào thì cả hai bên đều phải tuân thủ lời hứa, tuy chỉ là một đơn hàng nhỏ, họ vẫn quyết định giữ lại tấm nệm. Có lẽ đã không còn ai đến nhận nữa rồi, nhưng về đạo nghĩa thì họ vẫn lựa chọn cách kinh doanh trung thực.

Cho dù không có ai đến nhận tấm nệm rất chiếm chỗ này khiến họ phải dời đi dời lại, nhưng cũng không có ai có ý kiến gì cả, ngược lại họ còn xem đó là việc đương nhiên. Khi một người kiên trì giữ lời hứa mà không than vãn thì thường sẽ bị người ngoài xem là ngốc, mà cửa hàng và xưởng sản xuất này chính là “kẻ ngốc” đó.

Đặc biệt hơn là sau này cửa hàng đã đổi chủ hai lần. Sau khi biết được việc này, cả hai người chủ mới đều lựa chọn giữ lời hứa này vô điều kiện. Vì vậy, cứ cách một khoảng thời gian, họ sẽ dùng bút để viết lại dòng chữ “Người đặt hàng: Tom” đã bị mờ trên tấm nệm. Dường như họ dùng cách này để nhắc nhở chính mình về tầm quan trọng và trách nhiệm của việc kinh doanh giữ chữ tín.

Không ai ngờ được 7 năm sau, kỳ tích đã xuất hiện và mọi chuyện đã được sáng tỏ!

Cuối cùng người thực vật Tom nằm ở bệnh viện đã tỉnh lại. Việc anh tỉnh lại được xem là kỳ tích trong giới y học, truyền thông và báo chí đều đưa tin về việc anh Tom hồi sinh.

Sau khi tỉnh lại không lâu, anh Tom bị mất rất nhiều phần ký ức, nhưng anh vẫn nhớ những việc xảy ra trong khoảng thời gian xảy ra tai nạn, bao gồm cả việc mình đã mua một chiếc nệm.

Sau khi cửa hàng bán đồ nội thất đọc được tin tức trên báo, họ lập tức đến bệnh viện tìm Tom. Thì ra là 7 năm trước, địa chỉ mà anh viết khi đặt hàng bị sai, anh bất cẩn viết nhầm số, khu 1 thành khu 7, mà hai khu này cách nhau 5 km nên rất khó để tấm nệm tìm được chủ của nó.

Thế là cuối cùng cửa hàng đã gửi tấm nệm được “cất kỹ” suốt 7 năm qua đến nhà của Tom như thể tặng món quà mừng anh sống lại.

Khi đó sự việc này rất nổi tiếng ở Mỹ, việc cửa hàng nội thất và xưởng sản xuất nệm luôn giữ chữ tín đã khiến mọi người vô cùng cảm động. Vào ngày Tom trở về nhà, có rất nhiều người chạy ra đường để tận mắt nhìn thấy “tấm nệm thần kỳ”. Họ nói rằng có lẽ là sự chân thành của cửa hàng đã khiến ông trời cảm động nên mới cho Tom cơ hội được sống lại, bởi vì ông trời muốn dành phần thưởng cho sự “ngốc nghếch” của cửa hàng.

Câu chuyện chiếc nệm giao muộn 7 năm khép lại, đọng lại trong tâm trí người đọc là bài học về giữ chữ Tín trong kinh doanh. Chữ Tín trong kinh doanh là giá trị được đặt lên hàng đầu và có khả năng quyết định đến sự thành bại của một doanh nghiệp. Khi đã giữ được chữ Tín với khách hàng, sẽ được họ tiếp tục tin tưởng, hợp tác làm ăn lâu dài. Ngược lại “một lần bất tín sẽ là vạn lần bất tin”.

screen-shot-2022-08-29-at-09.22.34.png

Đến những câu chuyện gây mất lòng tin của các doanh nghiệp

Trên thực tế Các mối quan hệ khách hàng được xác lập dựa trên sự tin tưởng thì vô cùng bền chặt. Mà sự uy tín này được hình thành chủ yếu thông qua việc chúng ta giữ đúng giữ đúng cam kết đối với khách hàng, khi đó họ sẽ đặt lòng tin vào chúng ta.

Uy tín cũng sẽ giúp doanh nghiệp phát triển được nhiều mối quan hệ hợp tác, bởi khi khách hàng tin tưởng thì họ sẽ giới thiệu chúng ta với những người khác nữa, từ đó mạng lưới khách hàng sẽ được mở rộng. Trong mọi bài học kinh doanh đến từ các doanh nhân thành đạt nổi tiếng, họ đều khẳng định rằng thực sự không có phương pháp marketing nào tốt hơn marketing truyền miệng, và cũng không có đối thủ cạnh tranh nào đáng sợ hơn lời đồn.

Nhắc đến chữ tín, nhắc đến uy tín, những biến động gần đây của các doanh nghiệp trong nước một lần nữa dóng lên hồi chuông cảnh báo cho các doanh nghiệp làm mất lòng tin của các nhà đầu tư. Rất nhiều câu chuyện nổi cộm có thể lấy làm ví dụ.

Một trong số những câu chuyện nổi bật gần đây là câu chuyện của doanh nghiệp ngành khu công nghiệp – Tân Tạo (mã chứng khoán ITA). Câu chuyện của doanh nghiệp này là việc “biến hoá” khoản tiền gần 2.000 tỷ đồng trên báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2022.

Bắt đầu từ việc công ty công bố BCTC quý 2/2022 tự lập, trong đó ghi nhận khoản tiền 1.936 tỷ đồng tạm ứng cho bà Đặng Thị Hoàng Yến (Maya Dangelas) – Chủ tịch HĐQT công ty – với nội dung để tham gia dự án tại Hoa Kỳ (số cuối quý 1 chỉ 63 tỷ đồng). Số tiền bà Hoàng Yến tạm ứng đi đầu tư ở nước ngoài chiếm 15% tổng tài sản công ty.

Tuy vậy, khi các nhà đầu tư chú ý đến con số tiền khổng lồ đem cho bà Yến phát sinh trong quý 2 này, thì không lâu sau đó Tân Tạo ITA lại công bố lại BCTC mới, với lý do bản BCTC trước đó mới chỉ công bố trên website công ty, chưa công bố trên HoSE. Trong bối cảnh các nhà đầu tư đang đánh dấu hỏi việc Tân Tạo cho bà Hoàng Yến vay số tiền khủng đi đầu tư nước ngoài, và cách nào để khoản tiền này có thể “chảy” ra bên ngoài, thì ITA lên tiếng đính chính và giải thích thêm là bản công bố BCTC trước đó đã hạch toán sai.

Số liệu trên BCTC mới, công bố mấy ngày sau đó, ngày 5/8/2022, đính chính khoản tạm ứng cho bà Hoàng Yến chỉ còn 633 tỷ đồng với nội dung hoàn toàn khác hẳn: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông đã thông qua (ngày 29/4/2022) về việc hợp đồng chuyển nhượng cổ phần cho bà Maya Dangelas.

Công bố BCTC mới, nhưng Tân Tạo vẫn chọn cách im lặng chưa lên tiếng giải trình chính thức. Khi những thông tin từ dư luận liên tiếp đưa ra, kể cả văn bản nhắc nhở của HoSE, nửa tháng sau Tân Tạo mới chính thức giải trình, là do công ty đã trình bày sai chỉ tiêu do hạch toán sai tài khoản giữa phải thu khác và đầu tư khác.

Điều gì đến cũng sẽ đến. Dù giải thích, giải trình của Tân Tạo có thế nào, thì nhà đầu tư khó mà “nuốt” được những thay đổi chóng mặt với số tiền lớn đó. Trên thị trường cổ phiếu ITA vẫn có thanh khoản tốt, nhưng giá cổ phiếu vẫn không thể tăng trong vòng 1 tháng qua dù có tin tốt hỗ trợ khi lợi nhuận quý 2 và cả 6 tháng đầu năm 2022 tăng mạnh so với cùng kỳ. Hiện ITA đang giao dịch dưới 8.000 đồng/cổ phiếu, giảm rất sâu so với thởi điểm đầu năm 2022 (18.000 đồng/cổ phiếu). HoSe cũng công bố quyết định đưa gần 940 triệu cổ phiếu ITA vào diện cảnh báo từ 6/9/2022 do đã vi phạm quy định về công bố thông tin 4 lần trở lên trong vòng 1 năm. Và thông tin mới nhất, cổ phiếu ITA bị cắt margin, nỗi đau đổ lên những nhà đầu tư - người đồng hành cùng doanh nghiệp.

Câu nói cửa miệng “không có phương pháp marketing nào tốt hơn marketing truyền miệng, và cũng không có đối thủ cạnh tranh nào đáng sợ hơn lời đồn” cũng là có thật.

Cũng liên quan đến việc đánh mất lòng tin của nhà đầu tư, trước khi sự việc của Tân Tạo ITA diễn ra, nhà đầu tư đã một phen “dậy sóng” với việc công bố thông tin báo cáo tài chính của Licogi 14 (mã chứng khoán L14). Ở BCTC quý 2/2022 do công ty tự lập ghi nhận 6 tháng đầu năm 2022 công ty lỗ sau thuế 234 tỷ đồng – mà nguyên nhân chủ yếu từ việc Licogi 14 phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh 380 tỷ đồng. Nhà đầu tư hoàn toàn có thể hiểu con số này, khi trước đó Licogi 14 gắn liền với vị lãnh đạo được mệnh danh là “thầy A7” và những hô hào đầu tư vào nhóm cổ phiếu DIG, CEO… Licogi 14 cũng mang tiền đi đầu tư chứng khoán thông qua công ty con – CTCP Đầu tư tài chính Licogi 14.

Tuy vậy, Licogi 14 lại làm việc mà nhà đầu tư không ngờ tới, là công bố BCTC soát xét bán niên 2022 và “loại bỏ” Công ty đầu tư tài chính Licogi 14 ra khỏi danh sách công ty con với giải trình là do trong kỳ công ty con này đã phát hành cổ phiếu ESOP, nên tỷ lệ sở hữu của Licogi 14 tại công ty con này giảm xuống, biến Đầu tư tài chính Licogi 14 từ công ty con thaqnfh công ty liên kết. Đồng thời với đó “loại bỏ” khoản lỗ đầu tư chứng khoán mà công ty con này gánh. BCTC soát xét ghi nhận Licogi 14 chỉ còn lỗ sau thuế gần 24 tỷ đồng – “hô biến” được 210 tỷ đồng tiền lỗ sau thuế.

Hệ quả, cổ phiếu L14 bị HNX cắt margin ngay sau đó. Nhà đầu tư vẫn còn thận trọng với cổ phiếu mang đồ thị hình cây thông này.

Những động thái của Licogi 14, của Tân Tạo ITA… dù đúng, dù sai hay đang cố tình “lách” qua những kẽ hở, thì những doanh nghiệp này cũng đã phần nào đánh mất niềm tin của nhà đầu tư. Khi chữ “Tín” trong kinhd doanh bị nghi ngờ, cũng là lúc các doanh nghiệp bị rơi vào “tầm” soi của nhà đầu tư.

Đôi khi bằng cách thua một trận đấu, bạn đã thắng cả một cuộc chiến

Một câu chuyện về giữ chữ tín trong kinh doanh của Fujita – một doanh nghiệp sản xuất dao, nĩa cung cấp cho các công ty thực phẩm là một ví dụ thường được đưa ra làm bài học trong các buổi diễn thuyết. Chuyện bắt đầu tư việc Fujita ký hợp đồng giao 3 triệu chiếc dao, nĩa cho một công ty thực phẩm ở Chicago (Mỹ) vào ngày 1/9.

Tuy nhiên do sự cố thiết bị khiến lô hàng chỉ hoàn tất được vào ngày 30/8, và nếu áp dụng giao hàng thông thường, phải mất gần 1 tháng lô hàng mới đến tay bên nhận, đồng nghĩa không thể giao hàng đúng hạn.

Sau khi cân nhắc Fujita đã quyết định thuê trọn gói một chuyến bay chở toàn bộ lô hàng đến Chicago giao cho đối tác đúng hạn dù số tiền bỏ ra cao gấp nhiều lần vận chuyển bằng đường biển thông thường. Việc này cũng khiến Fujita lỗ khoản lớn cho đơn hàng này.

Tuy vậy, chính hành động này của Fujita đã làm đối tác bên Chicago khâm phục, những năm sau đó họ tiếp tục đặt hàng Fujita số lượng lớn hơn. Có câu nói của ông Donald Trump rất hợp với câu chuyện này “Đôi khi, bằng cách thua một trận đấu bạn sẽ tìm ra cách để thắng cả cuộc chiến”. 

Hiệu ứng hào quang (Halo Effect) – và chiến lược soái hạm trong kinh doanh

Người phụ nữ đến chuyển 95 triệu, nhân viên ngân hàng phát hiện điểm bất thường, ngăn chặn được 1 vụ lừa đảo

Đằng sau câu chuyện đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng vào 1 TSCĐ vô hình trong suốt 5 năm của một ngân hàng: Đã nói là làm, đã làm là phải được

Cổ phiếu QCG 'phát sáng' sau nửa năm, giải mã câu chuyện tăng giá?

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/cau-chuyen-ve-chiec-nem-bi-giao-muon-7-nam-146786.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Câu chuyện về chiếc nệm bị giao muộn 7 năm
POWERED BY ONECMS & INTECH