Được thiết kế và xây dựng với tư duy AI ngay từ đầu, Cisco Hypershield cho phép các tổ chức đạt được kết quả về mặt bảo mật vượt xa những gì có thể đạt được nếu chỉ dựa vào con người.
Cisco đã giới thiệu một phương thức tiếp cận hoàn toàn mới để bảo mật các trung tâm dữ liệu và đám mây nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng mà cuộc cách mạng AI đặt ra đối với cơ sở hạ tầng CNTT.
Cisco Hypershield bảo vệ các ứng dụng, thiết bị và dữ liệu trên các trung tâm dữ liệu chung lẫn trung tâm dữ liệu riêng, đám mây cũng như các vị trí vật lý - bất cứ nơi nào khách hàng cần.
“Cisco Hypershield là một trong những cải tiến về bảo mật nổi bật nhất trong lịch sử của chúng tôi. Với lợi thế và thế mạnh của chúng tôi về bảo mật, cơ sở hạ tầng và nền tảng giám sát, Cisco sở hữu vị thế độc tôn để giúp khách hàng khai thác sức mạnh của AI’’, ông Chuck Robbins - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Cisco chia sẻ.
Hypershield là một kiến trúc về bảo mật mang tính cách mạng, được xây dựng bằng công nghệ ban đầu được phát triển cho đám mây công cộng quy mô lớn và hiện có sẵn cho các nhóm CNTT của doanh nghiệp thuộc mọi quy mô.
Giống như là một tấm vải hơn là một hàng rào, Hypershield cho phép triển khai các biện pháp bảo mật ở mọi nơi cần thiết, ở mọi dịch vụ ứng dụng trong trung tâm dữ liệu, mọi cụm Kubernetes trong đám mây chung hay mọi vùng chứa và máy ảo (VM).
Jeetu Pate - Phó Chủ tịch điều hành kiêm Tổng Giám đốc Khối Bảo mật & Cộng tác tại Cisco cho biết: “Sức mạnh của Cisco Hypershield ở chỗ có thể triển khai bảo mật ở bất kỳ nơi nào bạn cần - trong phần mềm, trong máy chủ hoặc thậm chí trong tương lai ở bộ chuyển mạch mạng. Khi bạn sở hữu một hệ thống phân tán có thể bao gồm hàng trăm nghìn điểm thực thi bảo mật, việc đơn giản hoá quản trị là nhiệm vụ tối quan trọng. Và chúng ta cần trở nên tự chủ gấp nhiều lần hơn, với chi phí thấp hơn nhiều lần”.
Theo Cisco, việc triển khai bảo mật bằng Hypershield diễn ra ở ba lớp khác nhau: trong phần mềm, trong máy ảo, trong mạng cũng như máy chủ và thiết bị điện toán, tận dụng các bộ tăng tốc phần cứng mạnh mẽ tương tự đang được sử dụng rộng rãi trong điện toán hiệu năng cao và đám mây công cộng quy mô lớn.
Hypershield được xây dựng dựa trên ba trụ cột chính: AI-Native, Cloud-Native, và Hyper-Distributed.
Cisco cùng với NVIDIA, cam kết phát triển và tối ưu hoá các giải pháp bảo mật dựa trên AI để bảo vệ và mở rộng quy mô các trung tâm dữ liệu trong tương lai. Sự hợp tác này bao gồm việc tận dụng khung an ninh mạng AI NVIDIA Morpheus, nhằm đẩy nhanh việc phát hiện bất thường trên không gian mạng, kết hợp cùng các vi dịch vụ NVIDIA NIM để hỗ trợ trợ lý bảo mật AI được tuỳ chỉnh cho doanh nghiệp.
Ông Kevin Deierling - Phó Chủ tịch cấp cao về Mạng tại NVIDIA cho biết: “Các doanh nghiệp ở tất cả mọi ngành đang tìm kiếm giải pháp bảo mật có thể bảo vệ họ trước các mối đe doạ mạng ngày càng phát triển. Cisco và NVIDIA đang chung tay tận dụng sức mạnh của AI để cung cấp cơ sở hạ tầng trung tâm dữ liệu mạnh mẽ và an toàn, cho phép các doanh nghiệp chuyển đổi hoạt động kinh doanh của mình và mang lại lợi ích cho khách hàng ở khắp mọi nơi”.
Được tích hợp vào Đám mây bảo mật (Security Cloud), nền tảng bảo mật hợp nhất đa miền được điều khiển bởi AI của Cisco - Cisco Hypershield dự kiến sẽ chính thức ra mắt vào tháng 8/2024.
Ngọc Minh
Doanh nghiệp tối ưu chi phí vận hành nhờ giải pháp Multi Cloud Nhật Bản
Google chi 1 tỷ USD xây trung tâm dữ liệu tại nước láng giềng Việt Nam