Thế giới

465 tỷ USD, gần 30 triệu m2 đất phục vụ cơn sốt trung tâm dữ liệu: Liệu có dư thừa?

Thiên Kim 08/02/2025 - 17:24

Các tập đoàn công nghệ đang tiếp tục chi mạnh vào trung tâm dữ liệu để đáp ứng nhu cầu bùng nổ từ AI và điện toán đám mây, bất chấp lo ngại về chi phí, nguồn cung hạn chế và rào cản pháp lý.

Cơn sốt đầu tư chưa có dấu hiệu chững lại

Trong cuộc họp công bố kết quả kinh doanh ngày 29/1, CEO Meta thông báo rằng gã khổng lồ mạng xã hội có kế hoạch xây dựng một trung tâm dữ liệu dành cho AI “lớn đến mức nếu đặt tại Manhattan, nó sẽ chiếm một phần đáng kể diện tích thành phố”.

Tuyên bố này xuất hiện vào thời điểm đáng chú ý. Chỉ 2 ngày trước đó, cổ phiếu của nhiều công ty như hãng sản xuất chip Nvidia hay nhà sản xuất máy chủ cho trung tâm dữ liệu Dell đã lao dốc sau khi startup Trung Quốc DeepSeek công bố mô hình AI mới.

Chi phí huấn luyện mô hình này chỉ bằng một phần nhỏ so với các mô hình AI phương Tây có sức mạnh tương đương, làm dấy lên câu hỏi về việc liệu có cần đến nguồn lực tính toán cũng như các khoản đầu tư khổng lồ để phát triển AI hay không.

465 tỷ USD, gần 30 triệu m2 đất phục vụ cơn sốt trung tâm dữ liệu: Liệu có dư thừa? - ảnh 1
Ảnh minh họa. Nguồn: The Economist

Dù giá cổ phiếu sau đó hồi phục, sự kiện này đã thu hút sự chú ý đến dòng tiền khổng lồ đang đổ vào trung tâm dữ liệu. Năm ngoái, Meta cùng 3 nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây của Mỹ - Alphabet, Amazon và Microsoft - đã chi tổng cộng 180 tỷ USD cho hạ tầng trung tâm dữ liệu.

Nếu tính cả khoản đầu tư từ các công ty công nghệ nhỏ hơn, nhà cung cấp viễn thông, doanh nghiệp lớn và nhà khai thác trung tâm dữ liệu như Digital Realty hoặc Equinix, con số này lên đến khoảng 465 tỷ USD.

Khoảng 30% trong số đó dành cho đất đai, tòa nhà và thiết bị phụ trợ như hệ thống điện. Phần còn lại là dành cho chip, máy chủ, thiết bị mạng và các hạ tầng liên quan.

Cơn sốt đầu tư này đã thu hút cả những quỹ đầu tư tư nhân dồi dào tiền mặt như Blackstone, với tổng giá trị các thương vụ mua lại trung tâm dữ liệu đạt kỷ lục 70 tỷ USD vào năm ngoái.

Theo một ước tính, hiện có khoảng 11.000 trung tâm dữ liệu trên toàn cầu, từ bang Virginia (Mỹ) đến Johor Bahru (Malaysia). Chúng tiêu thụ khoảng 55GW điện - tương đương tổng công suất phát điện của Hà Lan - và chiếm khoảng 27,8 triệu m2 đất (tức hơn 4.500 sân bóng đá).

465 tỷ USD, gần 30 triệu m2 đất phục vụ cơn sốt trung tâm dữ liệu: Liệu có dư thừa? - ảnh 2
Công suất trung tâm dữ liệu toàn cầu theo vị trí cơ sở trên toàn cầu tính đến tháng 2/2025. Nguồn: The Economist

Xét theo mức tiêu thụ điện, châu Mỹ chiếm hơn 50% tổng số trung tâm dữ liệu, châu Á gần 30%, còn châu Âu, Trung Đông và châu Phi chiếm 20% còn lại.

Trong cuộc họp công bố kết quả kinh doanh ngày 4/2, CEO Sundar Pichai của Alphabet cho biết công ty dự kiến chi 75 tỷ USD cho đầu tư cơ sở hạ tầng năm nay, chủ yếu vào trung tâm dữ liệu. Con số này tăng từ mức 53 tỷ USD của năm ngoái và vượt kỳ vọng của giới phân tích.

Trong khi đó, công ty nghiên cứu Omdia ước tính ít nhất 63GW công suất trung tâm dữ liệu nữa sẽ được bổ sung trong vài năm tới.

Hạn chế về nguồn cung và những rào cản mở rộng

Hiện tại, giới phân tích nhận định những lo ngại về tình trạng dư thừa trung tâm dữ liệu có thể là chưa cần thiết, vì 2 lý do.

Thứ nhất, nguồn cung hiện vẫn quá hạn chế. Theo công ty tư vấn bất động sản CBRE, chỉ 2,8% diện tích trung tâm dữ liệu ở Bắc Mỹ còn trống và thường được “đặt trước” ngay từ khi dự án còn trên giấy, với hợp đồng thuê kéo dài 10-15 năm.

Trong 3 tháng cuối năm 2024, cả Alphabet và Microsoft đều đổ lỗi cho tình trạng thiếu hụt công suất khiến tăng trưởng mảng điện toán đám mây thấp hơn kỳ vọng.

Để đáp ứng nhu cầu, các gã khổng lồ đám mây đã thuê lại cơ sở hạ tầng từ các nhà vận hành trung tâm dữ liệu, nhưng ngay cả họ cũng gặp khó khăn trong việc mở rộng nhanh chóng.

Jon Lin, Giám đốc tại Equinix, cho biết thời gian xây dựng một trung tâm dữ liệu hiện đã tăng lên 3 năm, so với chỉ 12-18 tháng trước đây.

465 tỷ USD, gần 30 triệu m2 đất phục vụ cơn sốt trung tâm dữ liệu: Liệu có dư thừa? - ảnh 3
Ảnh minh họa. Nguồn: The Economist

Vấn đề một phần còn nằm ở chuỗi cung ứng. CBRE lưu ý rằng ngày càng nhiều dự án bị kéo dài thời gian xây dựng do thiếu điện. Thời gian chờ để có máy biến áp - một linh kiện điện quan trọng cho trung tâm dữ liệu - có thể lên đến vài năm.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang làm chậm tiến độ phát triển. Malaysia, nơi đang nổi lên như một trung tâm dữ liệu khu vực, đã từ chối cấp phép cho các cơ sở mới để bảo vệ nguồn nước và điện.

Lý do thứ 2 khiến nỗi lo dư cung có thể là quá sớm nằm ở nhu cầu, vốn vẫn rất lớn trong những năm tới. Cuối năm 2024, AI mới chỉ chiếm khoảng 10% công suất trung tâm dữ liệu, theo Goldman Sachs.

Trước khi DeepSeek gây xáo trộn, ngân hàng này dự báo nhu cầu của AI sẽ tăng gấp 3 lần vào cuối năm 2026, dù khi đó cũng chỉ chiếm khoảng 25% tổng công suất.

Nhu cầu lớn vẫn duy trì trong tương lai

Nhiều yếu tố khác cũng đang thúc đẩy nhu cầu trung tâm dữ liệu. Nhiều công ty vẫn đang trong quá trình số hóa và chuyển dịch lên đám mây. Việc sử dụng internet tiếp tục tăng, khi người tiêu dùng ở những nước nghèo có thêm kết nối và người dùng ở các nước giàu ngày càng tiêu thụ nhiều nội dung video hơn.

Ngay cả khi nhu cầu từ AI chững lại do mô hình ngày càng yêu cầu ít tài nguyên tính toán hơn, các trung tâm dữ liệu vẫn có thể được điều chỉnh cho mục đích khác.

Thêm vào đó, nhiều chuyên gia công nghệ lạc quan rằng AI rẻ hơn sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với công nghệ này. Một số ý kiến cũng chỉ ra rằng các mô hình “lập luận” mới cần nhiều tài nguyên tính toán hơn để tạo ra câu trả lời chính xác hơn.

Liệu những yếu tố này có đủ để bù đắp cho sự sụt giảm nhu cầu tính toán trong giai đoạn huấn luyện mô hình hay không vẫn còn là dấu hỏi. Nhưng ở thời điểm hiện tại, cơn sốt trung tâm dữ liệu vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Theo Economist

>> 4 ông lớn công nghệ Mỹ quyết chi 300 tỷ USD chạy đua với DeepSeek

Bất chấp cơn sốt giá rẻ DeepSeek, Amazon vẫn ‘tất tay’ 100 tỷ USD vào lĩnh vực AI

SoftBank, OpenAI bắt tay giúp Nhật Bản tăng tốc trên đường đua AI trước sức nóng của DeepSeek

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/465-ty-usd-gan-30-trieu-m2-dat-phuc-vu-con-sot-trung-tam-du-lieu-lieu-co-du-thua-136344.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    465 tỷ USD, gần 30 triệu m2 đất phục vụ cơn sốt trung tâm dữ liệu: Liệu có dư thừa?
    POWERED BY ONECMS & INTECH