Cổ đông Eximbank (EIB) tăng nhanh như 'tên lửa'
Trong vòng một năm, cổ đông Eximbank (EIB) đã tăng gấp 2,25 lần. Tuy nhiên, đây vẫn là một ngân hàng không cổ đông lớn.
Eximbank ghi nhận tăng trưởng cổ đông Top đầu nhóm ngân hàng
Số liệu ghi nhận tại thời điểm giữa tháng 3/2024 (thời điểm chốt danh sách tổ chức ĐHCĐ thường niên), Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank (Mã EIB - HoSE) có hơn 34.900 cổ đông, nắm giữ hơn 1,74 tỷ cổ phiếu.
Đáng nói, trước đó một năm, số cổ đông của nhà băng này chỉ là hơn 15.500 cổ đông, nắm giữ gần 1,23 tỷ cổ phiếu.
Như vậy, trong vòng 12 tháng, cổ đông Eximbank đã tăng gấp 2,25 lần. Trong cùng thời điểm, cổ phiếu EIB tăng 5,9% lên gần mức 18.000 đồng (giá tại thời điểm giữa tháng 3/2024).
Nếu tính từ tháng 3 năm ngoái đến hiện tại, cổ phiếu nhà băng này đã tăng 11%, hiện giao dịch tại mức 18.900 đồng/cp (kết phiên 9/7).
Thực tế, dù vẫn mang lại lợi nhuận cho những cổ đông trung hạn song mức tăng 11% của EIB chỉ bằng một nửa so với đà tăng của VN-Index trong cùng thời điểm. Con số này cũng thấp hơn nhiều so với trạng thái tích cực của nhiều mã cùng nhóm ngân hàng như LPB (176%), TCB (80%), HDB (65%), ACB (42%), STB (21%), VCB (14%)...
Chuyển động giá cổ phiếu EIB so với VN-Index (đã 10 tháng cổ phiếu EIB chưa thể trở lại mốc 20.000 đồng/cp) |
Nhìn nhận khách quan, Eximbank là gương mặt ghi nhận mức gia tăng lượng cổ đông Top đầu nhóm ngân hàng chỉ sau một mùa ĐHCĐ. Tuy nhiên, sự biến chuyển về "lượng" này không đem đến nhiều cải thiện tích cực về "chất". Eximbank vẫn là một nhà băng không cổ đông lớn.
Với việc vận hành một định chế tài chính quy mô vốn điều lệ gần 20.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu gần 23.000 tỷ và khối tài sản hơn 203.000 tỷ đồng, không cổ đông lớn cũng đồng nghĩa với trách nhiệm của các thực thể cấu thành lên Eximbank là không thực sự rõ ràng.
Biến động thường tầng cũng vào hàng Top
Về câu chuyện lãnh đạo, trong năm 2023, Eximbank đã nhiều lần triệu tập ĐHCĐ bất thường để bầu bổ sung và kiện toàn bộ máy nhân sự.
Ngày 28/6, HĐQT ngân hàng đã thông qua quyết định miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với bà Lương Thị Cẩm Tú đồng thời bầu bà Đỗ Hà Phương - thành viên HĐQT thay thế trong nhiệm kỳ VII (2020-2025). Đáng chú ý, cả hai nữ tướng vẫn còn tương đối trẻ tuổi (bà Tú sinh năm 1980, bà Phương sinh năm 1984).
Tuy nhiên, tại ĐHCĐ thường niên hồi tháng 4/2024, HĐQT Eximbank đã bầu ông Nguyễn Cảnh Anh (sinh năm 1979) - người chỉ mới vào ghế HĐQT từ tháng 9/2023 - giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ VII (2020-2025). Hỗ trợ ông Cảnh Anh là 4 Phó Chủ tịch HĐQT gồm: Ông Trần Tấn Lộc, bà Đỗ Hà Phương, bà Lương Thị Cẩm Tú và ông Nguyễn Hồ Nam - Chủ tịch HĐQT Bamboo Capital.
Ông Nguyễn Cảnh Anh trở thành tân "thuyền trưởng" Eximbank. Chỉ trong 10 tháng, chiếc ghế Chủ tịch HĐQT Eximbank đã 3 lần đổi chủ. |
Trong quá khứ, ghế điều hành của Eximbank cũng nhiều lần thay đổi; bản thân bà Cẩm Tú cũng đã có hai lần làm Chủ tịch HĐQT ngân hàng. Lần hai là từ tháng 2/2022 đến cuối tháng 6/2023. Trong khi đó, lần một vào tháng 3/2019 khi bà Cẩm Tú thay thế ông Lê Minh Quốc. Tuy nhiên, sau đó vài ngày, ông Quốc đã khởi kiện lên Tòa án Nhân dân TP. HCM khi cho rằng, việc bầu bà Tú giữ chức Chủ tịch HĐQT là trái quy định của Eximbank.
Kể từ năm 2018 tới nay, Eximbank đã có 8 lần thay đổi vị trí Chủ tịch HĐQT trong đó giai đoạn 2019-2022, ghế nóng Eximbank được chuyển qua lại từ ông Quốc sang bà Tú, ông Cao Xuân Ninh tới ông Yasuhiro Saitoh (đại diện của cổ đông Sumitomo Mitsui Banking Corporation - SMBC) rồi quay lại bà Tú.
Thực tế, vòng xoáy vương quyền ở Eximbank đã khởi phát cách đây gần một thạp kỷ khi mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông xuất hiện và ông Lê Hùng Dũng rút khỏi ghế Chủ tịch HĐQT vào giữa năm 2015. Chỉ trong hơn một năm sau đó, có tới 4 người đã được bổ nhiệm/miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT Eximbank.
Trong giai đoạn xung đột thượng tầng, hai nhóm cổ đông lớn là Tập đoàn Thành Công và SMBC đã rút vốn khỏi Eximbank vào thời điểm cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Sự ra đi này đã ảnh hưởng lớn đến cục diện nhân sự thượng tầng cũng như triển vọng kinh doanh của Eximbank.
Hai năm qua, vẫn chưa có thêm "cá mập" nào đến với Eximbank. Và dù có tới gần 35.000 cổ đông song hiện tại, đây vẫn là một nhà băng không cổ đông lớn.
>> Nóng: TPBank, Eximbank, PNJ và 3 ‘ông lớn’ ngành vàng ‘lọt’ vào tầm ngắm thanh tra của NHNN
Tại thời điểm phát hành BCTN 2023, tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài tại Eximbank chỉ ở mức 1,8% |
Tham vọng lợi nhuận đột biến năm 2024 khó thành
Kết thúc năm 2023, Eximbank thu về khoảng 2.200 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế - giảm mạnh gần 800 tỷ so với năm trước đó. Trong hành trình cải thiện lợi nhuận suốt một thập kỷ, mức tăng trưởng hàng năm của nhà băng này là tương đối thất thường.
Tham vọng của Eximbank dưới "triều đại" của tân Chủ tịch Nguyễn Cảnh Anh năm 2024 là đạt 4.144 tỷ đồng lãi sau thuế, lãi trước thuế là 5.180 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tại báo cáo cập nhật vừa được Chứng khoán MB (MBS) phát hành, MBS đánh giá kế hoạch này khó có thể hoàn thành do kết quả kinh doanh quý I/2024 kém khả quan (lãi trước thuế chỉ đạt 661 tỷ đồng).
Chuyên gia cũng cho rằng, để Eximbank đạt mức tăng trưởng tín dụng 14,6% cả năm trong khi quý I chỉ đạt 5% là khó khả thi. Thêm vào đó, việc nợ xấu vẫn tiếp tục tăng cao và tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) đang ở mức rất thấp có thể khiến Eximbank tiếp tục tăng chi phí trích lập dự phòng rủi ro. Vì điều này, ngân hàng khó có thể ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận đột biến trong năm 2024.
Thời điểm cuối quý I/2024, ROE và ROA của Eximbank chỉ đạt lần lượt 9% và 1%, thấp hơn mức trung bình 18% và 1,6% của nhóm ngân hàng.
MBS dự báo, lợi nhuận trước thuế của Eximbank năm 2024 sẽ đạt khoảng 3.026 tỷ đồng, tương đương gần 60% so với kế hoạch cả năm và tăng 11,3% so với năm trước đó.
>> Chiến lược 'đi tiền' của Mizuho và khoản lãi hàng chục nghìn tỷ đồng ở Vietcombank (VCB)