Cổ đông HAGL kêu cứu - HOSE phải cân nhắc điều gì khi huỷ niêm yết HAG?

16-02-2022 00:23|Linh Chi

Ngày 14/2/2022, Cổ đông HAGL gửi đơn kêu cứu: "Chúng tôi đầu tư sau thời điểm ngày phát hành BCTC đã kiểm toán 2020 và không hề thấy cảnh báo nào từ các cơ quan chức năng".

Nội dung chính đơn cầu cứu 

"Công ty công bố BCTC 2020 có kiểm toán và nội dung hồi tố từ tháng 3/2021 nhưng tại sao gần 10 tháng sau mới có tin thông báo huỷ? Nếu HoSE tiến hành huỷ đột ngột như vậy sẽ không tuân theo trình tự pháp luật, làm thiệt hại rất lớn cho cổ đông hiện nay, đặc biệt những người đã mua cổ phiếu HAG sau thời điểm tháng 3/2021 căn cứ vào BCTC quý HAG gần đây có lãi.

Chúng tôi, là những cổ đông đã đầu tư sau thời điểm ngày phát hành BCTC đã kiểm toán 2020 (vào tháng 4/2021) và không hề thấy cảnh báo nào từ các cơ quan quản lý sao giờ lôi chuyện cũ ra xem xét?..."

Trước đó phía HAGL, ban lãnh đạo đã chủ động kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét chấp thuận duy trì niêm yết.

Ông Võ Trường Sơn - Tổng Giám đốc HAGL cho biết, tình hình sản xuất đã có nhiều cải thiện so với trước đây. Với những điểm sáng kinh doanh, ban lãnh đạo đề xuất cơ quan quản lý thị trường chứng khoán cho HAGL áp dụng điều kiện thử thách là nếu nửa năm và cả năm nay vẫn lỗ thì mới xem xét hủy niêm yết.

Chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức cũng chia sẻ công ty đang phát triển theo hướng tốt và chắc chắn có lãi cao nên HAGL muốn đền đáp xứng đáng cho các nhà đầu tư tin tưởng. Nếu bị huỷ niêm yết, công ty sẽ rất có lỗi với cổ đông.

Giới luật nhận định về việc huỷ niêm yết đối với HAG

Luật sư Đào Tiến Phong, Đoàn Luật sư Tp.HCM: Việc xét lại 3 năm thua lỗ liên tục của giai đoạn 2017-2019 tại thời điểm năm 2021 dù năm 2021 đã có lãi là khá bất cập.

Tuy tại điểm e Khoản 1, Điều 120, Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định về kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục không nói thời điểm xem xét thì cũng nên được hiểu rằng thời điểm đó là ngay khi có kết quả kiểm toán giai đoạn thua lỗ.

Bên cạnh đó các quy định pháp luật đặt ra bên cạnh việc quản lý Nhà nước nhưng cao hơn nữa là nhằm mục đích bảo vệ nhà đầu tư. Do đó việc áp dụng quy định tại điểm e, Khoản 1, Điều 120, Nghị định 155/2020/NĐ-CP cần phải xem xét và đánh giá thận trọng.

Luật sư Lê Thị Hoài Giang, Đoàn Luật sư Tp.HCM: Nếu cơ quan chức năng hủy niêm yết HAG khả năng cao nhà đầu tư mua cổ phiếu này sẽ khởi kiện.

Điểm e Điều 120 của Nghị định 155 quy định: "Huỷ bỏ niêm yết bắt buộc trong trường hợp:

"Kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 03 năm liên tục hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét".

Như vậy, quy định tại điểm e có 3 điều kiện để huỷ bỏ niêm yết bắt buộc. Theo đó, kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ 3 năm liên tục trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét được hiểu doanh nghiệp phải thua lỗ 3 năm "liên tục" trước thời điểm xem xét; tính "liên tục" của 3 năm là điều kiện tiên quyết.

"Vậy nên, nếu doanh nghiệp bị thua lỗ trong 3 năm liên tục trước đó, 2018; 2019; 2020 nhưng năm 2021 chưa bị hủy niêm yết thì đến năm 2022 sẽ phải xác định xem năm 2021 doanh nghiệp có lãi hay vẫn tiếp tục lỗ. Nếu 2021 vẫn lỗ thì năm 2022 sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc.
Nếu 2021 lãi thì không có căn cứ để hủy niêm yết năm 2022”

Theo luật sư Giang, luật quy định như vậy là phù hợp và bảo vệ được quyền lợi của cổ đông. Trong khi trên sàn cổ đông mua vào bán ra liên tục, rất có thể hiện nay cổ đông của HAGL là cổ đông mới do tin tưởng vào kết quả kinh doanh hiện tại và tương lai nên mới mua vào. Nếu huỷ niêm yết năm 2022 sẽ ảnh hưởng đến lợi ích cổ đông đã đầu tư mua vì sự khởi sắc của doanh nghiệp năm 2021. Hơn nữa, phần lớn nhà đầu tư hiện tại mua sau khi doanh nghiệp công bố lãi, và khi đó cổ phiếu đã không còn nằm trong diện bị hủy niêm yết bắt buộc. trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Trái ngược với ý kiến các luật sư,  Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam trước đó nhận định rằng đề nghị không hủy niêm yết của HAG sẽ rất khó được chấp thuận do lý do không đủ thuyết phục. Cùng với đó, cần đảm bảo sự công bằng đối với các doanh nghiệp đã bị hủy niêm yết theo quy định.

Kết phiên giao dịch 15/2, thij giá cổ phiếu HAG tăng 0,4% lên mức 11.650 đồng/cp. Phiên 15/2 là một phiên giao dịch đầy cảm xúc với cổ đông  HAG  khi một loạt "tay to" xuất hiện, kéo HAG ngoi lên từ đáy.

HAGL: 'Trái ngọt' cuối năm 2024 giúp cổ phiếu HAG bứt tốc

Cổ phiếu HAGL Agrico (HNG) - thế lực mới trên sàn UPCoM

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/co-dong-hagl-keu-cuu-hose-phai-can-nhac-dieu-gi-khi-huy-niem-yet-hag-122333.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Cổ đông HAGL kêu cứu - HOSE phải cân nhắc điều gì khi huỷ niêm yết HAG?
    POWERED BY ONECMS & INTECH