Bất động sản

Cô gái trẻ tiết kiệm mua nhà trong 2 năm nhờ không phạm bảy nguyên tắc, nguyên tắc thứ nhất hầu như ai cũng mắc

Minh Châu 20/12/2023 10:50

Người trẻ gặp khó khăn trong việc mua nhà, nguyên nhân chính là sự không cân đối giữa nguồn cung và nguồn cầu, cùng với việc chưa biết cách quản lý chi tiêu hợp lý.

Mua nhà luôn là "kế hoạch lớn" và cũng là niềm trăn trở của nhiều bạn trẻ hiện nay khi chưa biết cách quản lý chi tiêu để tiết kiệm tiền thực hiện mục tiêu mua nhà. Trong một nghiên cứu, các chuyên gia nhận thấy, việc thanh niên Trung Quốc có sở hữu nhà hay không là một chỉ số quan trọng đánh giá mức độ hạnh phúc. Ví dụ, 77% người sở hữu nhà cho biết họ "hạnh phúc", cao hơn gần 20% so với những người đi thuê mà không phải là người ở địa phương đó.

Giai Tuệ là một cô gái trẻ ở Trung Quốc đã mua được một căn nhà vào cuối tháng 3 năm ngoái và hoàn thành việc sửa sang vào tháng 12. Thời điểm hoàn thành việc mua nhà, Giai Tuệ mới chỉ 26 tuổi.

Trong quá khứ, cô từng là một người tiêu xài hoang phí, có bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu. Tuy nhiên, sau khi được học hỏi thêm nhiều kiến thức tài chính và xác định rõ mục tiêu trong tương lai, Giai Tuệ đã cán mốc thành công mục tiêu tự mình mua một căn nhà chỉ trong 2,5 năm bắt đầu tiết kiệm tiền.

Dưới đây là những bí quyết quản lý chi tiêu chặt chẽ của Giai Tuệ để hoàn thành sớm mục tiêu mua nhà mà người trẻ nên áp dụng.

thiet-ke-noi-that-can-ho-mr-chien-10-1794
Việc thanh niên ở Trung Quốc có sở hữu nhà hay không là một chỉ số quan trọng đánh giá mức độ hạnh phúc.

1. Từ chối tiêu dùng quá mức

Trước kia, Giai Tuệ thường xuyên bị rơi vào bẫy "tiêu dùng quá mức" và hay bị nợ tiền từ bạn bè, người thân cho đến tài khoản tín dụng. May mắn là cô nàng đã nhận ra sai lầm trong chi tiêu và từ bỏ thói quen mua bán vô tội vạ.

Với những người thường xuyên "vung tay quá trán", Giai Tuệ cho rằng trước khi tính mua 1 món đồ đắt tiền và xa xỉ, bạn hãy thử hỏi bản thân: "Tôi có hơn 300.000 NDT (khoảng 1 tỷ đồng) tiền tiết kiệm hay không?", "Bố mẹ tôi dạo này thế nào?", "Tôi có thực sự cần mua thứ này không?". Nếu tất cả câu trả lời là "Không" thì bạn nên từ bỏ việc mua hàng và tập trung vào những giá trị cần thiết khác.

2. Không mua hàng xa xỉ

Giai Tuệ biết bản thân không xuất thân từ gia đình giàu có, số tiền kiếm được đều nhờ công việc viết lách. Cũng vì thế, cô nàng chưa bao giờ mua đồ xa xỉ.

Sau khi đọc cuốn sách Rich Dad Poor Dad (Cha Giàu Cha Nghèo), cô càng quyết tâm đi theo lý tưởng này hơn. Theo đó, cuốn sách này từng đề cập quan điểm tiêu dùng, rằng những người giàu thường mua hàng hoá xa xỉ cuối cùng, trong khi người có nền tảng tài chính kém hơn rất nhiều lại chọn mua sản phẩm này vì họ muốn "trông giàu có hơn".

"Nếu gia đình không khá giả, trước tiên bạn chỉ nên sử dụng những món đồ vừa túi tiền. Đừng cố làm cuộc sống trở nên phù phiếm. Mọi món quà của số phận đều được ấn định bằng một mức giá bí mật", Giai Tuệ nói.

>> Người trẻ nên mua hay thuê nhà: Chuyên gia đưa ra điểm "vàng" quyết định theo quy tắc 5%

3. Không tích trữ hàng hoá

Trước đây, Giai Tuệ từng mua rất nhiều để tận dụng lợi thế của mã giảm giá. Nhưng thực tế các món đồ mua về nhiều khi không được sử dụng, vừa gây lãng phí tiền mà thậm chí còn gây lãng phí không gian sống.

Còn giờ đây, cô "nói không" với thói quen tích trữ thực phẩm. Nếu không bận bịu, hầu như ngày nào Giai Tuệ cũng ra siêu thị mua đồ ăn. Cô thường đi vào buổi chiều hoặc tối để mua đồ giảm giá. Và nấu ăn mỗi ngày để tiết kiệm chi phí.

5-phuong-phap-quan-ly-chi-tieu-ca-nhan-hieu-qua-cho-nguoi-moi-bat-dau-202106081312399735
Luôn có khoản tiết kiệm hàng tháng.

4. Không tuỳ tiện cho người khác mượn tiền

Giai tuệ từng cho một người họ hàng vay 1.000 NDT (khoảng 3,4 triệu đồng). Ban đầu, anh ta nói sẽ trả cô vào kỳ nhận lương vào tháng sau. Tuy nhiên sau hơn nửa năm, không những người họ hàng không có động thái về việc trả nợ mà anh ta còn tiếp tục hỏi vay mượn cô thêm tiền. Bên cạnh đó, Giai Tuệ còn từng cho một người họ hàng khác vay 500 NDT (khoảng 1,7 triệu đồng) vào mấy năm trước nhưng giờ vẫn chưa thấy trả lại.

Từ đó, Giai Tuệ rút ra kết luận: "Tiền thực sự không phải thứ mà bạn có thể tuỳ tiện cho vay, trừ trường hợp thật sự cấp bách. Khi cho người khác vay tiền, chính bạn là người phải gánh chịu hậu quả. Nếu cất tiền ở túi, bạn còn có cơ hội gia tăng thu nhập từ khoản chưa cho vay đó. Vậy nên, đôi khi việc có lòng tốt giúp đỡ người khác cũng không phải chuyện tốt."

5. Trau dồi kỹ năng và nâng cao tiền lương

Giai Tuệ quan niệm, nếu muốn có quỹ phòng thân dư dả, mua được nhà và ô tô thì tiết kiệm tiền thôi là không đủ. Ví dụ lương hàng tháng của bạn là 5.000 NDT (khoảng 17 triệu đồng), cho dù mỗi tháng bạn tiết kiệm được 3.000 NDT (khoảng 10,2 triệu đồng) thì sau 1 năm bạn mới chỉ có 36.000 NDT (khoảng 123 triệu đồng) - đây là con số khiêm tốn nếu so với tình hình kinh tế khó khăn và giá nhà đất đắt đỏ hiện tại.

Cũng vì thế, nếu bạn muốn nhanh chóng có được khoản tiết kiệm lớn thì cần nâng cao năng suất lao động và kỹ năng chuyên môn, như học thêm viết lách, viết blog, chụp ảnh, lập trình... Còn riêng Giai Tuệ, cô nàng đã chăm chỉ làm việc để cải thiện trình độ chuyên môn trong sự nghiệp liên quan viết lách.

6. Học cách chia thu nhập hàng tháng thành 3 phần

Dựa vào một phương pháp học được từ cuốn sách được ví như "câu chuyện cổ tích về quản lý tài chính" có tên A Dog Called Money (Có Một Chú Chó Gọi Tên Là Tiền), Giai Tuệ đã phân chia thu nhập hàng tháng thành 3 khoản.

Thứ nhất, khoản tiền dành cho sinh hoạt phí. Nếu Giai Tuệ có nhu cầu cần chi tiêu phát sinh thì cô có thể rút ra từ quỹ này. Bởi khoản tiền này linh hoạt, luôn nằm trong ví.

Thứ hai, khoản tiền dành cho "mơ ước" cá nhân. Đúng như tên gọi, dựa vào khoản tiền này, Giai Tuệ sẽ thực hiện những ước mơ của mình như đi du lịch, mua ô tô...

Thứ ba, khoản tiền dành cho đầu tư dài hạn. Đây là khoản tiền mà Giai Tuệ dùng số tiền tiết kiệm ít nhất trong hơn nửa năm rồi sau đó mang đi đầu tư dài hạn. Cũng nhờ thế, cô nàng có thêm một khoản thu nhờ việc "tiền đẻ ra tiền".

hoc-cach-tiet-kiem-cua-cac-me
Học cách chia thu nhập hàng tháng.

Chỉ riêng tiền tiết kiệm hàng tháng, Giai Tuệ luôn để ra ít nhất 30% thu nhập. Bởi cô tâm đắc với câu nói: "Đối với bất kỳ ai, dù thu nhập hàng tháng của họ bao nhiêu, trước tiên họ phải tiết kiệm được 30% thu nhập."

7. Luôn bắt ép bản thân phải có khoản tiết kiệm hàng tháng

Với những người hay ca thán không thể tiết kiệm tiền, Giai Tuệ cho rằng họ nên lập một tài khoản tiết kiệm. Hàng tháng sau khi lĩnh lương, bạn buộc chuyển một phần thu nhập vào tài khoản này, sau đó mới tính đến dùng số tiền còn lại.

Đây cũng cách để Giai Tuệ có đủ tiền đặt cọc nhà. Nhờ việc bắt bản thân tăng dần số tiền trong tài khoản tiết kiệm qua năm tháng, cô nàng dần tích luỹ từ 100.000 NDT (khoảng 344 triệu đồng) rồi đến 300.000 NDT (khoảng 1 tỷ đồng), rồi tăng thêm theo thời gian dài.

>> Tiết lộ nguyên nhân "sốc" người Đức có tiền vẫn thích ở nhà thuê, giới trẻ Việt có cùng quan điểm?

Thế hệ Millennials thất thế trong "cuộc chiến" mua nhà tại Mỹ

Chuyên gia 'mách' bí kíp cho người trẻ lần đầu mua nhà tại TP.HCM

Sẵn 2 tỷ, chốt mua nhà vùng ven hay ‘ôm tiền’ chờ chung cư giảm giá?

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/co-gai-tre-mua-duoc-nha-nho-khong-pham-bay-nguyen-tac-nguyen-tac-thu-nhat-hau-nhu-ai-cung-mac-d113212.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Cô gái trẻ tiết kiệm mua nhà trong 2 năm nhờ không phạm bảy nguyên tắc, nguyên tắc thứ nhất hầu như ai cũng mắc
POWERED BY ONECMS & INTECH