Cố Giám đốc nhà hát Kịch Việt Nam vừa được lấy tên đặt cho tuyến phố mới ở Hà Nội là ai?
Ông là nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng với hơn 40 vở kịch và ba trong số đó từng được diễn tại các kỳ Đại hội Đảng.
Tại kỳ họp thứ 25, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua nghị quyết về việc đặt tên, đổi tên, điều chỉnh độ dài một số tuyến đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn trong năm 2025. Theo đó, thành phố sẽ đặt tên mới cho 38 tuyến đường, trong đó có phố Học Phi (thuộc phường Yên Hòa), bắt đầu từ ngã ba giao với phố Vũ Phạm Hàm đến ngã ba nối với phố Xuân Quỳnh.
Tên gọi phố Học Phi được đặt để ghi nhớ và tôn vinh nhà văn, nhà viết kịch Học Phi – thân sinh của nhà văn Chu Lai. Nhà văn Học Phi có tên thật là Chu Văn Tập, bút danh là Tú Văn. Theo tư liệu từ Bảo tàng Văn học Việt Nam, ông sinh ngày 11/2/1913 tại Tam Nông, Tiên Lữ, Hưng Yên và mất ngày 6/5/2014 khi bước qua tuổi 101 tuổi.

Năm 1928, ông đi theo con đường cách mạng, chỉ một năm sau đó bị bắt giam tại Hưng Yên vì tham gia phong trào yêu nước chống Pháp, đi theo tư tưởng của nhà yêu nước Nguyễn Thái Học. Ra tù năm 1930, ông tiếp tục hoạt động bí mật cho Đảng. Đến năm 1932, ở tuổi 20, ông trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Hai năm sau, ông bị bắt lần thứ hai và giam tại nhà tù Hỏa Lò. Trong gông cùm xiềng xích, ông biến nhà tù thành lớp học để truyền bá chủ nghĩa cộng sản. Tháng 9/1936, ông được trả tự do nhưng vẫn bị quản thúc tại quê nhà.
Giai đoạn 1937-1939, ông vừa lao động kiếm sống, vừa vận động quần chúng nhân dân đấu tranh, đồng thời viết bài đăng tải trên tuần báo Tiểu thuyết thứ năm. Trong thời gian này, ông cho ra đời bản thảo đầu tiên “Hai làn sóng ngược”, chương mở đầu được in trên báo Tiếng trẻ, sau đó được đăng lại trên tuần báo Tiểu thuyết thứ năm. Đến cuối năm 1939, nhà văn Học Phi bị bắt lần thứ ba do viết bài tố cáo quan chức chiếm đoạt ruộng đất của nông dân tại Hưng Yên.
Theo Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, năm 1943 là một dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp hoạt động cách mạng và văn hóa của ông. Nhận chỉ thị từ đồng chí Hoàng Quốc Việt, ông lên Hà Nội gặp gỡ giới văn nghệ sĩ và được giao nhiệm vụ thành lập tổ chức văn hóa cứu quốc. Tháng 8/1945, ông được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Cách mạng Lâm thời tỉnh Hưng Yên. Năm 1946, ông giữ chức Đổng lý văn phòng Bộ Thông tin Tuyên truyền.

Giai đoạn sau đó, ông tiếp tục đảm nhiệm nhiều cương vị trong lĩnh vực văn hóa như Tổng thư ký Văn hóa kháng chiến Liên khu III, rồi công tác tại Ban Tuyên huấn Trung ương, làm chính trị viên Đoàn văn công Nhân dân trung ương. Sau khi hòa bình lập lại, ông trở thành Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam.
Từ năm 1957 đến năm 1983, ông là Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam khóa I. Ghi nhận những cống hiến to lớn của ông cho nền văn học nghệ thuật nước nhà, Đảng và Nhà nước đã trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cùng Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Trong hơn 60 năm cầm bút, nhà văn Học Phi đã để lại hơn 40 vở kịch, trong đó có ba vở được trình diễn tại ba kỳ Đại hội Đảng toàn quốc. Nội dung các tác phẩm của ông phần lớn xoay quanh hoạt động bí mật của Đảng. Từ vở diễn đầu tiên “Cà sa giết giặc” đến “Chị Hòa”, ông đã xây dựng được dấu ấn riêng trong lòng công chúng, khẳng định vị thế và tài năng của mình trong lĩnh vực sáng tác kịch. Trong số đó, “Chị Hòa” được xem là cột mốc thể hiện bước chuyển mình của sân khấu kịch nói Việt Nam. Riêng vở “Ni cô Đàm Vân” khi được chuyển thể sang chèo đã được trình diễn bởi 10 đoàn nghệ thuật và các đoàn kịch nói trong cả nước.
Ngay cả ở tuổi 90, ông vẫn miệt mài sáng tác. Bộ phim “Minh Nguyệt” do ông viết kịch bản đã giành giải Kịch bản xuất sắc nhất tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc.
Suốt hành trình hoạt động nghệ thuật và cách mạng, nhà văn Học Phi đã sử dụng ngòi bút như một vũ khí để góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ông qua đời năm 2014, hưởng thọ 102 tuổi.
* Tổng hợp
Ảnh tư liệu
Giải pháp cho việc trùng tên đường gia tăng sau sáp nhập ở TPHCM
Hà Nội đề xuất đặt tên mới cho 38 tuyến đường, khôi phục một tên phố cổ