Cơ hội và thách thức với Trung Quốc khi BRICS mở rộng
Các nhà quan sát cho rằng việc BRICS kết nạp thêm 6 thành viên mới - chủ yếu ở Trung Đông và châu Phi - phản ánh ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc và có thể thúc đẩy sự phối hợp chặt chẽ hơn về chính sách kinh tế. Tuy nhiên, động thái này cũng có thể khiến khối này gặp phải những rủi ro và xung đột mới.
Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), đã được mời gia nhập BRICS, chính thức trở thành thành viên của khối này kể từ ngày 1/1/2024. BRICS hiện bao gồm 5 nền kinh tế mới nổi - Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ca ngợi đây là bước đi “lịch sử” và cho rằng động thái này thể hiện quyết tâm hợp tác rộng rãi hơn với các quốc gia đang phát triển của các thành viên.
Ông Jean-Loup Samaan, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Trung Đông của Đại học Quốc gia Singapore, nhận định lời mời gia nhập BRICS có thể được coi là sự mở rộng các sáng kiến gần đây do Bắc Kinh dẫn đầu liên quan đến các quốc gia vùng Vịnh. Sáng kiến này bao gồm nỗ lực mở rộng về phía tây của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) - khối an ninh do Trung Quốc và Nga thành lập năm 2001, bao gồm cả Iran, cũng như thỏa thuận hòa bình do Bắc Kinh làm trung gian giữa Riyadh và Tehran hồi tháng 3.
“Động thái này là dấu hiệu rõ ràng cho thấy ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, không chỉ trong các vấn đề kinh tế mà còn trong các cuộc tham vấn ngoại giao”, ông Samaan lập luận.
Vi chuyên gia này nói thêm rằng Trung Quốc sẽ được hưởng lợi từ việc BRICS mở rộng, ít nhất là trên mặt trận ngoại giao. Điều này mang lại sự tin cậy cho những tuyên bố của Bắc Kinh về việc xây dựng một trật tự thế giới thay thế, thách thức trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu.
Khi được yêu cầu bình luận về việc kết nạp thành viên mới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết các thành viên BRICS không ủng hộ việc đối đầu trong khối.
“Động thái này phù hợp với xu hướng lịch sử và nguyện vọng chung của các nước đang phát triển. Điều này chắc chắn sẽ thúc đẩy tính đa cực trên thế giới và dân chủ hơn trong quan hệ quốc tế”, ông tuyên bố.
Theo Alessandro Arduino, giảng viên tại Học viện Lau Trung Quốc của Đại học King's College London, việc các nước Trung Đông và châu Phi gia nhập BRICS sẽ tạo “thêm một lớp địa chính trị” vào cách tiếp cận của Bắc Kinh, vì các khu vực này là thành phần cốt lõi của Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Ông Arduino cho rằng lựa chọn thành viên mới là điều được mong đợi, tương tự với chiến lược mà Trung Quốc đã sử dụng để mở rộng SCO.
“Việc kết nạp thêm thành viên vào BRICS khá tương đồng với việc mở rộng SCO”, ông nói, đề cập đến việc BRICS đang đẩy nhanh việc mở rộng sang khu vực Trung Đông và Bắc Phi.
Theo vị chuyên gia này, 6 thành viên BRICS mới, cũng như những thành viên khác từ Nam Bán Cầu, quan tâm đến việc gia nhập BRICS bởi đây sẽ là một phần trong chiến lược bảo vệ lợi ích của các quốc gia.
“Về cơ bản, các quốc gia này đang đề phòng rủi ro trong mọi kịch bản, ngay cả đối với các quốc gia dựa vào cấu trúc an ninh do Mỹ dẫn đầu”, ông Samaan nói, giải thích rằng các quốc gia này không muốn chấm dứt quan hệ với phương Tây, nhưng mong muốn có “thêm lựa chọn mới” thông qua các sáng kiến do Bắc Kinh hoặc Moskva dẫn đầu.
Chẳng hạn, khi Saudi Arabia trong quá trình gia nhập BRICS, nước này cũng đang đàm phán một thỏa thuận an ninh lớn với Washington.
“Những động thái này được gây dựng dựa trên một động lực rộng lớn hơn khi các nước Trung Đông đang đa dạng hóa các thỏa thuận ngoại giao của họ”, ông Samaan nói. Ngoài ra, các thành viên BRICS mới cũng đang báo hiệu rằng họ nên được coi là “những người chơi” trong khu vực có vai trò quan trọng trong môi trường quốc tế đang phát triển.
Ông Wang Huiyao, người sáng lập Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc và Toàn cầu hóa có trụ sở tại Bắc Kinh, cho rằng việc mở rộng BRICS cũng thể hiện ý định của Trung Quốc nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, đặc biệt là giữa các quốc gia đang phát triển.
Ông cho biết các tổ chức do Mỹ dẫn đầu – từ NATO đến QUAD và AUKUS – có bản chất “địa chính trị” hơn. Trong khi các sáng kiến của Trung Quốc - như Vành đai và Con đường, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và BRICS tập trung nhiều hơn vào kinh tế.
Còn chuyên gia Samaan nhận định khi BRICS kết nạp thêm thành viên mới, khối này sẽ có các nhà sản xuất dầu lớn. Điều này sẽ gíup các thành viên trong khối tăng cường hợp tác và phối hợp các chính sách về năng lượng. Theo các nhà phân tích, việc kết nạp các quốc gia giàu dầu mỏ phù hợp với kế hoạch tạo ra đồng tiền chung và giảm sự phụ thuộc vào đồng USD của BRICS.
Đồng thời, ông Arduino cho biết các quốc gia Ethiopia và Argentina có thể được hưởng lợi từ khuôn khổ tài chính của khối - bao gồm quỹ ổn định thanh khoản và được tiếp cận với hạn mức tín dụng cho các dự án phát triển.
Dù mở rộng BRICS đồng nghĩa với việc các nước phải tham vấn rộng rãi hơn về nhiều vấn đề khác nhau, nhưng ông Samaan cho biết điều đó không có nghĩa là sẽ có động lực lớn hơn để hỗ trợ một chương trình nghị sự chung.
Ông cho biết BRICS cũng giống như các sáng kiến đa phương khác, chủ yếu nhằm tập hợp các nhà lãnh đạo chính trị để tham vấn nhưng không có khả năng theo dõi các chính sách cụ thể.
Ngoài ra, việc kết nạp thành viên mới của BRICS cũng có thể gây khó khăn lớn hơn cho khối trong việc đạt được thỏa thuận chung về các vấn đề an ninh và kinh tế.
Theo ông Samaan, “tư duy đa liên kết” phổ biến ở các nước Trung Đông “có tác dụng ở mức độ hời hợt” về mặt thế trận ngoại giao, và sẽ phức tạp hơn khi bắt đầu thảo luận về các vấn đề an ninh quan trọng như cạnh tranh Mỹ - Trung hay xung đột ở Ukraine.
Chuyên gia Arduino cũng cho rằng vẫn có những trở ngại giữa 5 thành viên BRICS hiện tại, chẳng hạn mối quan hệ phức tạp giữa Trung Quốc với Ấn Độ. Do đó, việc mở rộng khối có thể gây ra những động lực xung đột.
Bên cạnh đó, việc kết nạp cả Iran và Saudi Arabia – hai quốc gia chỉ mới khôi phục quan hệ ngoại giao trong năm nay - cũng có thể tạo ra rủi ro cho BRICS.
Ông Samaan lưu ý rằng bất chấp thỏa thuận do Trung Quốc làm trung gian giữa hai đối thủ trong khu vực, vẫn chưa có tiến bộ đáng kể nào trong việc giải quyết cuộc chiến ở Yemen và chương trình hạt nhân của Iran vẫn tiến triển đều đặn.
“Nếu quan hệ giữa Riyadh và Tehran đổ vỡ, các thực thể quốc tế liên quan đến cả hai bên có thể sẽ gặp phải tranh chấp”, ông Samaan nói.
Ông Zha Daojiong, Giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh, cho biết: “Tư cách thành viên BRICS, nếu không có nhu cầu hay kỳ vọng về sự đoàn kết chính trị hoặc ngoại giao, sẽ dẫn đến hành động tập thể trong hoặc ngoài khối”.