Trung Quốc cấm chuyển giao 8 công nghệ then chốt ra nước ngoài, 'khóa chặt' át chủ bài trong cuộc đua xe điện
Bắc Kinh vừa ban hành quy định mới yêu cầu các doanh nghiệp phải xin giấy phép của Chính phủ nếu muốn chuyển giao ra nước ngoài các công nghệ then chốt trong sản xuất pin xe điện – yếu tố cốt lõi giúp xe điện Trung Quốc có giá thành rẻ và cạnh tranh toàn cầu.
Chính phủ Trung Quốc ngày thứ Ba thông báo sẽ hạn chế mọi nỗ lực chuyển giao ra nước ngoài tám công nghệ then chốt trong sản xuất pin xe điện. Động thái này được cho là sẽ củng cố vị thế dẫn đầu của Trung Quốc trong ngành công nghiệp xe điện toàn cầu.
Kế hoạch này có thể khiến các hãng xe điện Trung Quốc gặp khó khăn hơn khi muốn xây dựng nhà máy ở nước ngoài – điều mà Liên minh châu Âu (EU) đã nhiều lần thúc đẩy. Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, hiệu lực áp dụng là ngay lập tức: mọi hình thức chuyển giao các công nghệ này ra nước ngoài, dù thông qua thương mại, đầu tư hay hợp tác công nghệ, đều phải được Chính phủ cấp phép trước.

Trong 5 năm qua, các nhà sản xuất Trung Quốc đã đạt được những đột phá quan trọng trong việc chế tạo pin giá rẻ nhưng có khả năng cung cấp phạm vi di chuyển xa cho xe điện. Thế hệ công nghệ pin mới này là nền tảng giúp xe điện Trung Quốc có giá thành rẻ hơn đáng kể so với cả xe điện và xe chạy xăng được sản xuất ở các nước khác.
Liên minh châu Âu đang gây sức ép buộc các hãng xe và pin của Trung Quốc phải đầu tư xây dựng cơ sở tại châu Âu – được coi là điều kiện ngầm để duy trì tăng trưởng doanh số tại thị trường này. Trong khi đó, Mỹ tỏ ra thận trọng hơn với đầu tư từ Trung Quốc, nhưng đã có ít nhất hai kế hoạch xây nhà máy pin xe điện của Trung Quốc được đề xuất tại bang Michigan.

Biện pháp hạn chế mới về công nghệ pin được đưa ra chưa đầy ba tháng sau khi Bắc Kinh bắt buộc phải có giấy phép khi xuất khẩu bảy loại kim loại đất hiếm và nam châm được chế tạo từ các kim loại này. Các quy định đó đã gây gián đoạn đáng kể cho các công ty tại phương Tây và Nhật Bản vốn sản xuất xe, robot và nhiều thiết bị tiên tiến khác cần đến các động cơ điện sử dụng loại nam châm đất hiếm nhỏ nhưng mạnh.
BYD – công ty có trụ sở tại Thâm Quyến, Trung Quốc – đã vượt Tesla để trở thành nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới gần đây, từng đạt đột phá công nghệ vào 5 năm trước khi giới thiệu dòng pin lithium-ion mới. Loại pin này không sử dụng hoá học đắt đỏ dựa trên nickel, cobalt và mangan, mà thay vào đó dùng sắt và phosphate – rẻ hơn nhiều. Ngoài ra, hóa học mới này cũng ít có khả năng gây cháy hơn khi xảy ra va chạm hay sự cố.
Đối thủ chính của BYD – công ty CATL tại Ninh Đức – cũng giới thiệu công nghệ tương tự gần như cùng thời điểm. Hiện tại, pin lithium sắt phosphate (LFP) chiếm hơn một nửa thị phần toàn cầu và gần như được sản xuất hoàn toàn tại Trung Quốc. Trong khi đó, các công ty pin và hóa chất tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và Mỹ vẫn chủ yếu sử dụng các hóa học truyền thống dựa trên nickel, cobalt và mangan, nhưng đang nỗ lực để bắt kịp.
Tối thứ Ba, BYD từ chối bình luận về thông báo từ Bộ Thương mại. CATL (Contemporary Amperex Technology Company Ltd.) cũng từ chối bình luận. Ford Motor – đang xây dựng nhà máy trị giá 3 tỷ USD tại Michigan để sản xuất pin LFP dựa trên công nghệ của CATL – cũng không đưa ra phản hồi.

Bộ Thương mại không nêu rõ lý do cụ thể vì sao áp dụng quy định cấp phép lần này. “Đây là sự điều chỉnh đối với danh mục công nghệ hạn chế, dựa trên sự phát triển và thay đổi của công nghệ”, thông báo viết.
Trung Quốc hiện có gần 50 chương trình đào tạo sau đại học tập trung vào hóa học pin hoặc luyện kim pin – hai lĩnh vực liên quan chặt chẽ. Trong khi đó, tại Mỹ chỉ có một số ít giáo sư đang nghiên cứu chuyên sâu về công nghệ pin.
Bộ Thương mại Trung Quốc yêu cầu cấp phép đối với việc chuyển giao ra nước ngoài ba công nghệ lõi của pin LFP, cùng năm công nghệ then chốt để sản xuất lithium dùng cho mọi loại pin.
Pin LFP thực ra được phát minh từ gần 30 năm trước tại Mỹ, nhưng trong nhiều năm đầu, loại pin này chỉ có thể sạc lại được vài lần trước khi hỏng. Sau đó, các nhà nghiên cứu Nhật Bản dần phát triển các phương pháp nâng số lần sạc. BYD và CATL tiếp tục cải tiến, giúp pin sạc được nhiều lần tương đương với các công nghệ pin truyền thống. Họ cũng tối ưu khả năng lưu trữ năng lượng và xây dựng năng lực sản xuất quy mô lớn.

Trung Quốc hiện đang vượt xa phần còn lại của thế giới trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu, bao gồm hóa học. Theo tính toán của Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI), các nhà nghiên cứu Trung Quốc dẫn đầu thế giới về số lượng bài báo được trích dẫn nhiều nhất trong 52/64 công nghệ trọng yếu.
Theo The New York Times