735.000 lao động biến mất chỉ trong 6 tháng, 100 tỷ USD có thể bị thổi bay: Chuyện gì xảy ra với siêu cường số 1 thế giới?
Một nghiên cứu mới cho thấy chính sách nhập cư cứng rắn của Tổng thống Donald Trump – với mục tiêu trục xuất hàng triệu người nhập cư – có thể khiến nước Mỹ phải trả giá đắt: giảm lực lượng lao động, giảm tăng trưởng GDP, và gây ra làn sóng đình trệ kinh tế trong nhiều lĩnh vực phụ thuộc lao động nhập cư.
Theo báo cáo mới công bố từ Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ (AEI), một tổ chức nghiên cứu bảo thủ, dòng nhập cư ròng của Mỹ năm 2025 có thể lần đầu tiên âm kể từ nhiều thập kỷ, với khoảng 525.000 người rời Mỹ, trong khi chỉ 115.000 người nhập cư mới có thể đến. Điều này dẫn đến suy giảm lực lượng lao động, giảm chi tiêu tiêu dùng, và gây áp lực tiêu cực lên tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Chỉ tính riêng tác động lên GDP, nghiên cứu ước tính Mỹ có thể mất từ 0,3% đến 0,4% tăng trưởng, tương đương khoảng 70,5 đến 94 tỷ USD giá trị kinh tế mỗi năm (so với quy mô GDP thực tế hiện nay khoảng 23.500 tỷ USD).

“Lực lượng lao động Mỹ hiện nay phụ thuộc vào người nhập cư nhiều hơn tỷ trọng của họ trong dân số. Với số lượng dân Mỹ bản địa không đủ để duy trì tăng trưởng việc làm cao, sự sụt giảm nhập cư sẽ để lại khoảng trống lớn”, – bà Tara Watson, đồng tác giả báo cáo và nhà kinh tế tại Viện Brookings, nhận định trên Fortune.
Lực lượng lao động sinh ra ở nước ngoài hiện chiếm 19,2% tổng lực lượng lao động Mỹ (tính đến 2024). Tuy nhiên, chỉ riêng từ tháng 1/2025 đến nay, Mỹ đã mất khoảng 735.000 lao động nhập cư, theo dữ liệu của Cục Dự trữ Liên bang St. Louis.
Sự sụt giảm này đi ngược lại với làn sóng nhập cư thời Biden – từng tạo ra một cú huých tăng trưởng lớn. Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) dự đoán lượng nhập cư tăng sẽ giúp GDP danh nghĩa Mỹ tăng thêm 8.900 tỷ USD trong giai đoạn 2024–2034.
Trong khi đó, lực lượng lao động bản địa đang già đi và nghỉ hưu nhanh chóng, khiến nhu cầu bổ sung lao động từ bên ngoài ngày càng cấp thiết.
Hiệu ứng "chạy visa" và làn sóng rút lui
Dự báo từ AEI cho thấy, lo ngại về chiến dịch siết nhập cư đã khiến số lượng đơn xin giấy phép lao động tăng vọt trong nửa đầu 2025, tạo ra bước nhảy 147.000 người trong bảng lương tháng 6. Tuy nhiên, theo bà Wendy Edelberg – đồng tác giả báo cáo – đà tăng này chỉ mang tính tạm thời.
“Chúng ta không thể trông chờ làn sóng đó mãi mãi”, bà nói. Từ nửa cuối năm, tăng trưởng việc làm có thể giảm về mức 30.000–40.000 người/tháng, và nếu tình trạng nhập cư yếu tiếp tục đến 2027, con số này thậm chí có thể âm.
Ngay trong năm 2025, chính quyền Trump đã giam giữ hơn 67.000 người nhập cư và trục xuất hơn 71.000 người, theo dữ liệu từ Cơ quan Di trú và Hải quan (ICE). Con số này chưa tính đến những người tự nguyện rời Mỹ vì lo sợ bị truy quét.
Ngoài ra, hàng nghìn người nhập cư đang tự rút lui khỏi thị trường lao động: công nhân nông trại không đến làm việc vì lo bị ICE đột kích, các viện dưỡng lão thiếu nhân sự trầm trọng khi chính quyền thu hồi tư cách pháp lý của lao động nhập cư.
“Chúng tôi đang kiệt sức”, ông Deke Cateau, Giám đốc điều hành chuỗi viện dưỡng lão A.G. Rhodes tại Atlanta, nơi hơn 30% nhân viên là người nhập cư, chia sẻ với AP. “Nguồn cung nhân lực đang nhỏ dần từng ngày”.
Theo chuyên gia kinh tế Torsten Sløk của Apollo, nếu Mỹ trục xuất 3.000 người/ngày trong 1 năm, lực lượng lao động sẽ mất 1 triệu người, kéo giảm tỷ lệ tham gia lao động 0,4 điểm %, khiến tăng trưởng việc làm chậm lại và gây lạm phát lương – đặc biệt tại các ngành như xây dựng, nông nghiệp và dịch vụ lưu trú.
“Trục xuất hàng loạt có thể tạo ra cú sốc kiểu stagflation – tăng lương nhưng giảm việc làm”, Sløk viết trong bài blog.
Bên cạnh GDP, một mối lo lớn khác là tài chính An sinh xã hội. Theo Viện Chính sách Thuế và Kinh tế (ITEP), người nhập cư không có giấy tờ đóng 25,7 tỷ USD tiền thuế an sinh xã hội trong năm 2022. Nếu dòng người nhập cư tiếp tục giảm, hệ thống An sinh có thể thiếu hụt trong tương lai gần.
Ngoài ra, chính sách khắt khe của ông Trump có thể khiến sinh viên nước ngoài và lao động trình độ cao quay lưng với Mỹ, lựa chọn học tập và làm việc tại các quốc gia thân thiện hơn.
“Không khí chính trị hiện nay khiến sinh viên và lao động kỹ năng cao cân nhắc lại việc đến Mỹ”, Watson nói. “Liệu đây còn là nơi phù hợp để đầu tư cho tương lai?”
Theo Fortune