Có một loại tài sản hấp dẫn, chỉ một thay đổi nhỏ cũng ảnh hưởng đến chứng khoán, ngân hàng
Phố Wall, hệ thống ngân hàng và người tiêu dùng nước Mỹ đều đang "run sợ" trước sự tăng đột biến của loại tài sản này.
Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm - lãi suất tham chiếu cho chi phí vốn toàn cầu - đang nhanh chóng tiến gần đến mức 5%, một mức chưa từng thấy kể từ những tháng trước khi thị trường bị cuốn vào cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Vào ngày 3/10, lợi suất này đã đạt mức cao nhất trong 16 năm là 4,8%, tăng 50 điểm cơ bản chỉ trong vòng hai tuần. Sau khi loại bỏ lạm phát, lợi suất ở mức gần 2,5%, làm xói mòn sức hấp dẫn của hầu hết mọi tài sản khác. Các động thái này đã lan rộng ra toàn cầu, đe dọa gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính ở Ý và Nhật Bản - quốc gia đang bám chặt vào lãi suất chạm đáy.
Đợt bán tháo trái phiếu chính phủ đang khơi lại ký ức về những xung đột trên thị trường tài chính trong quá khứ, với một số điểm tương đồng với hiện tượng “taper tantrum” năm 2013 khi chứng kiến lợi suất trái phiếu Kho bạc tăng vọt khoảng 130 điểm cơ bản chỉ trong hai tháng.
Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của một số quốc gia. |
Lợi suất cao = không tốt cho thị trường chứng khoán
Lãi suất và lợi suất tăng cao là lý do chính khiến chiến lược gia chứng khoán hàng đầu của JPMorgan đánh giá cổ phiếu giảm trong suốt cả năm.
Ông Marko Kolanovic của JPMorgan cho biết quan điểm thận trọng này của ông sẽ không thay đổi nếu lãi suất vẫn duy trì ở mức cao.
Chi phí cơ hội (opportunity cost) là mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư. Khi lãi suất ở mức gần 0% trong hơn một thập lỷ, các nhà đầu tư không có nhiều lựa chọn khác ngoài việc đổ tiền vào cổ phiếu.
Hiện tại, mọi thứ đã thay đổi. Các nhà đầu tư hiện có thể kiếm được hơn 5% khi nắm giữ trái phiếu chính phủ phi rủi ro và các khoản vốn bằng tiền khác. Đây là một đề xuất hấp dẫn khi so sánh với mức lợi nhuận bình quân hàng năm của thị trường chứng khoán là 7%, sau khi điều chỉnh theo lạm phát.
Đó là lý do vì sao tiền mặt ồ ạt đổ vào quỹ thị trường tiền tệ và quỹ trái phiếu ngắn hạn trong năm qua. Số tiền này đáng ra sẽ chảy vào cổ phiếu trong thời điểm lợi suất thấp.
Ông Kolanovic của JPMorgan cảnh báo rằng thị trường chứng khoán sẽ còn chao đảo nếu lãi suất và lợi suất trái phiếu còn tăng cao. Ông còn so sánh tình hình hiện tại với thời điểm xảy ra biến động lớn ngành tài chính năm 2007.
“Điều chúng tôi nhận thấy là khi bước vào cuộc khủng hoảng năm 2007, các nhà đầu tư từng thảo luận về các chủ đề giống hệt ngày nay: Việc FED tạm dừng tăng lãi suất, khả năng phục hồi của người tiêu dùng, hạ cánh mềm và cơ hội việc làm lớn…”, ông nói.
Bán lẻ, ngân hàng, bất động sản không yên ổn
Việc lợi suất trái phiếu đi lên có thể gây ảnh hưởng đến rất nhiều doanh nghiệp.
Các công ty chỉ có thể phát hành nợ trên thị trường trái phiếu lợi suất cao, trong số này có nhiều nhà bán lẻ, sẽ phải cố gắng xoay xở khi chi phí đi vay tăng mạnh. Lãi suất cao hơn cũng sẽ đè nặng lên thị trường nhà ở và đẩy nhiều doanh nghiệp bất động sản thương mại đến gần bờ vực vỡ nợ.
Ông Peter Boockvar của Bleakley Financial Group nhận xét: “Đối với các doanh nghiệp có nợ sắp đến hạn, đây sẽ là một cú sốc lãi suất. Và đối với các nhà kinh doanh bất động sản có khoản vay sắp phải thanh toán, tương lai thật khó khăn”.
Lợi suất tăng đột biến cũng gây áp lực lên các ngân hàng đang nắm giữ trái phiếu bị mất giá. Đây từng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của Silicon Valley Bank và First Republic Bank hồi đầu năm.
Dù các nhà phân tích không kỳ vọng sẽ có thêm bất cứ ngân hàng nào sụp đổ, các nhà băng vẫn đang phải tìm cách bán bớt tài sản và thu hẹp hoạt động cho vay.
Bà Rosner nói: “Lợi suất trái phiếu hiện nay cao hơn hồi tháng 3 khoảng 100 điểm cơ bản. Vì vậy, nếu các ngân hàng không khắc phục vấn đề của mình, mọi thứ sẽ chỉ trở nên tệ hơn vì lãi suất chỉ đi lên”.
Đà tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm đã chững lại trong hai phiên giao dịch gần đây. Kết phiên 5/10, lợi suất đạt 4,71%.
Song, sau khi lợi suất vượt các ngưỡng kháng cự trước đó, nhiều người dự đoán lợi suất có thể sẽ tăng cao hơn nữa vì các yếu tố hỗ trợ vẫn còn nguyên.
Điều này làm dấy lên lo ngại rằng Mỹ có thể sẽ đối mặt với một cuộc khủng hoảng nợ khi lãi suất lên cao và thâm hụt ngân sách ngày càng phình to. Nỗi lo này càng lớn khi chính phủ có nguy cơ sẽ đóng cửa vào giữa tháng tới, khi gói ngân sách tạm thời hết hiệu lực.