Có nên 'bình thường hóa' kỳ họp bất thường?
"Trong sửa Luật tổ chức Quốc hội lần này, xin giải trình từ “bất thường” ở đây có thể giải thích là không thường kỳ, khác với hai kỳ họp thường kỳ hàng năm”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, nêu.
Chiều 12/2, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là vấn đề thay đổi tên gọi “kỳ họp bất thường”, có nên bình thường hóa kỳ họp bất thường hay không?
Theo đại biểu Lê Xuân Thân (đoàn Khánh Hòa), ngoài các kỳ họp thường lệ, thời gian qua, Quốc hội đã tổ chức nhiều kỳ họp bất thường. Các kỳ họp này đa phần liên quan đến các chuyên đề về tổ chức cán bộ, giám sát, tổ chức bộ máy. Tuy nhiên các kỳ họp vẫn sử dụng tên gọi là kỳ họp bất thường.
![]() |
Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần thứ 9. Ảnh: Như Ý |
“Tôi cho rằng, bất thường là những tình huống như chiến tranh, hoặc vấn đề đột xuất. Gần đây chúng ta thực hiện cải cách bộ máy, đổi mới xây dựng pháp luật. Ngoài hai kỳ họp thường lệ, chúng ta họp rất nhiều kỳ họp với các chuyên đề khác nhau. Do vậy đề nghị cần quy định, ngoài hai kỳ họp thường lệ, kỳ họp bất thường, cần tổ chức kỳ họp chuyên đề để giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền”, đại biểu Thân nêu.
Giải thích vấn đề này khi điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nói, Luật Tổ chức Chính phủ quy định Chính phủ họp thường kỳ mỗi tháng một lần. Tuy nhiên, Chính phủ hiện cũng đã tổ chức các kỳ họp chuyên đề xây dựng pháp luật nhiều lần mỗi tháng, có khi tuần họp một lần. Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng sửa kỳ họp HĐND theo kỳ họp chuyên đề, đột xuất.
“Trong sửa Luật tổ chức Quốc hội lần này, xin giải trình từ “bất thường” ở đây có thể giải thích là không thường kỳ, khác với hai kỳ họp thường kỳ hàng năm. Còn việc tổ chức kỳ họp chuyên đề thì đề nghị Quốc hội cho thêm ý kiến”, ông Định nêu vấn đề.
Theo đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam), giai đoạn hiện nay, chúng ta đang giải quyết vấn đề thể chế - “điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Do vậy, Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường để giải quyết là hoàn toàn “không có vấn đề gì”.
Ông Hạ nói thêm, những vấn đề đưa ra kỳ họp bất thường là do không thể chờ đến kỳ họp thường kỳ. Điều này cũng để nhắc nhở vấn đề thể chế của ta còn nhiều thứ phải giải quyết, chất lượng thể chế cần phải được nâng lên.
“Cử tri cũng hy vọng càng ngày càng giảm bớt đi những kỳ họp bất thường, nhiệm kỳ sau có thể không còn xuất hiện các kỳ họp bất thường như thế này nữa. Chúng ta đừng nên để kỳ họp bất thường trở thành bình thường”, đại biểu Hạ nhấn mạnh.
Giải trình, làm rõ ý kiến các đại biểu sau đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, nếu dự thảo luật quy định về “kỳ họp không thường kỳ” hay kỳ họp chuyên đề cũng không vướng quy định của Hiến pháp hiện nay. Vì Hiến pháp không hạn chế tổ chức kỳ họp khác ngoài hai kỳ họp thường kỳ.
Tuy nhiên, ông Tùng khẳng định, ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, làm rõ vấn đề này để báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, từ đó trình Quốc hội xem xét quyết định.
Chiều 12/2, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh đã trình bày tờ trình của Chính phủ về dự thảo nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Dự thảo quy định trường hợp số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhiều hơn số lượng tối đa theo quy định hiện hành thì chậm nhất sau 5 năm kể từ ngày quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền có hiệu lực, số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan phải theo đúng quy định.
Dự thảo trình Quốc hội cũng nêu rõ việc giám sát, kiểm sát, kiểm toán, kiểm tra với cơ quan được hình thành hoặc tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật.
>> Quốc hội chuyển vai nhiều về cho Chính phủ để điều hành linh hoạt
TRỰC TIẾP: Khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV
Sắp xếp, lựa chọn nhân sự các cơ quan Quốc hội ngay sau kỳ họp bất thường