Cổ phiếu ABS: Giá đã nguội khi tiền lớn rút đi

30-06-2023 06:56|Quốc Trung

Với lượng freefloat lớn, cổ phiếu ABS của Nông nghiệp Bình Thuận mang dáng dấp của một cổ phiếu đầu cơ khi đang ghi nhận gần 9.300 cổ đông tham gia sở hữu vốn.

CTCP Dịch vụ Nông nghiệp Bình Thuận - Bitagco (Mã ABS - HOSE) vừa công bố Nghị quyết ĐHCĐ thường niên 2023 với một số nội dung đáng chú ý trong đó có mục tiêu doanh thu 1.300 tỷ đồng - thấp hơn 19% so với thực hiện năm 2022; lợi nhuận sau thuế dự kiến tăng hơn 84% lên 64 tỷ.

Bitagco được biết đến là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hóa chất nông nghiệp. Ngoài 2 mảng truyền thống là vật tư nông nghiệp và xăng dầu, ABS cũng đồng thời phát triển 2 mảng bất động sản và logistic (kho vận).

Tại Đại hội, công ty đã thông qua kế hoạch bổ sung ngành nghề kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất, gia công, sửa chữa và bán buôn kim loại. Lãnh đạo ABS chia sẻ, công ty có một số đối tác về kinh doanh sắt thép và mặt hàng này hiện nay cũng đang có chiều hướng phát triển khi dịch vụ bất động sản đang bắt đầu hồi phục. Đây cũng là một phần trong định hướng kinh doanh năm 2023 nhằm tạo ra doanh thu lợi nhuận đem lại lợi ích cao nhất cho nhà đầu tư.

Quý 1/2023, Bitagco ghi nhận doanh thu 77 tỷ đồng - giảm 76% YoY. Câu chuyện về suy thoái kinh tế và giá phân bón giảm khiến biên lãi gộp thu hẹp từ 6,4% xuống còn 2%. Tuy nhiên, nhờ khoản doanh thu tài chính tăng đột biến lên mức 30 tỷ đồng (gấp 461 lần cùng kỳ) nên công ty vẫn báo lãi sau thuế 10 tỷ.

Về phương án phân phối lợi nhuận, Bitagco thông báo giữ lại toàn bộ 63 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến cuối năm 2022 để bổ sung vốn kinh doanh và phát triển thương hiệu.

Đáng nói, ABS mới đây đã thông báo gia hạn thời gian chi trả cổ tức bằng tiền năm 2021 lần 4 (tỷ lệ 5%) sang ngày 31/8/2023 thay vì ngày 31/5. Với 80 triệu cổ phiếu đang lưu hành, số tiền công ty dự chi là 40 tỷ đồng. Tuy nhiên ghi nhận tại báo cáo tài chính quý 1/2023, Dịch vụ Nông nghiệp Bình Thuận chỉ còn gần 33 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối.

Tại Đại hội, cổ đông hỏi "Việc chia cổ tức năm 2021 khi nào thực hiện và có gia hạn nữa không? Việc thoái vốn Công ty VCD Riverbank giúp ABS thu về gần 100 tỷ đồng chưa thuế. Vậy tại sao kế hoạch lợi nhuận 2023 chỉ xây dựng ở mức 86 tỷ đồng?".

Phúc đáp, lãnh đạo Nông nghiệp Bình Thuận cho hay, việc chi cổ tức năm 2021 chúng tôi rất xin lỗi các cổ đông vì đã trễ hạn do các khách hàng chưa thu xếp được tài chính để trả nợ cho công ty. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cân đối mọi nguồn lực để thanh toán tiền cổ tức cho các cổ đông chậm nhất là ngày 31/8 tới theo danh sách chốt ngày 12/10/2022.

Việc năm 2023 công ty xây dựng kế hoạch lợi nhuận trước thuế là 86 tỷ đồng là một kế hoạch rất khiêm tốn bởi hiện mảng kinh doanh xăng dầu và phân bón vẫn đang chịu sự điều tiết giá của Nhà nước; việc kinh doanh của công ty cũng còn nhiều khó khăn trong bối cảnh thị trường chung.

Thận trọng giá cổ phiếu

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu ABS đã được Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) chuyển sang diện kiểm soát từ ngày 12/5 vừa qua do chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 quá hạn quy định.

Kết phiên 29/6, ABS giảm 4,1% về mức 6.800 đồng/cp; khớp lệnh gần 2,6 triệu đơn vị. Đây là phiên giảm thứ 4 liên tiếp của cổ phiếu này (-10%).

Trước đó, kể từ 8/5, thanh khoản cổ phiếu ABS bất ngờ tăng vọt lên ngưỡng 2 - 6 triệu đơn vị/phiên. Thậm chí phiên 17/5 mã đạt khối lượng khớp lệnh kỷ lục hơn 7,2 triệu đơn vị. Động thái này được lý giải bởi sự gia tăng của dòng tiền đầu cơ cũng như sự xuất hiện trở lại của các nhóm tạo lập.

Chỉ sau hơn 1 tháng, cổ phiếu ABS đã tăng 44% lên mức 7.730 đồng/cp (phiên 13/6) trước khi điều chỉnh trở lại trong hơn 2 tuần nay.

Hiện tại, dòng tiền lớn bắt đầu hạn chế giao dịch cổ phiếu ABS và nhóm cổ đông nhỏ lẻ cũng giao dịch mạnh trở lại. Trong phiên tới, nếu rơi khỏi mức 6.6x đồng, không ngoại trừ khả năng nhịp điều chỉnh ngắn hạn của cổ phiếu ABS sẽ kéo dài sang tuần tiếp theo.

Cổ phiếu ABS: Giá đã nguội khi tiền lớn rút đi
Ông Trần Văn Mười (đứng) phát biểu tại ĐHCĐ thường niên 2023 của ABS

Cần chú ý, với lượng freefloat lớn (chỉ có 1 cổ đông lớn là Chủ tịch HĐQT Trần Văn Mười nắm 19,8% vốn), Nông nghiệp Bình Thuận mang dáng dấp của một cổ phiếu đầu cơ khi đang ghi nhận gần 9.300 cổ đông tham gia sở hữu vốn.

Lên HOSE từ ngày 18/3/2020 với giá đóng cửa phiên đầu là 9.580 đồng/cp, cổ phiếu ABS xác lập chuỗi 16 phiên tăng trần liên tiếp kéo thị giá lên mức 26.030 đồng trước khi tạo mô hình cây thông và rơi về giá cũ chỉ 2 tháng sau đó.

Giai đoạn cuối tháng 11/2020, ABS tiếp tục được dòng tiền tạo lập kéo mạnh từ mức 10.450 đồng lên đỉnh 70.070 đồng/cp (cuối tháng 4/2021) - tương ứng tăng 570% sau 5 tháng bất chấp thanh khoản giảm mạnh. Mô hình cây thông nhanh chóng xuất hiện sau nhịp giảm sàn sau đó và giá cổ phiếu ABS giảm 60% chỉ trong chưa đầy 1 tháng.

Cổ phiếu ABS: Giá đã nguội khi tiền lớn rút đi
Diễn biến giá cổ phiếu ABS

Kỳ lạ 2 doanh nghiệp phát hành trái phiếu gấp 4 lần vốn điều lệ, lộ bóng dáng Năm Sao Group

Chủ tịch một công ty mảng nông nghiệp đăng ký bán 5,8 triệu cổ phiếu khi thị giá bật tăng 60%

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/co-phieu-abs-gia-da-nguoi-khi-tien-lon-rut-di-189934.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Cổ phiếu ABS: Giá đã nguội khi tiền lớn rút đi
    POWERED BY ONECMS & INTECH