Đến thời điểm hiện tại, vẫn còn những ý kiến trái chiều xoay quanh việc cổ phiếu FLC nên hay không nên ở lại sàn HOSE cũng như các vấn đề liên quan đến quyền lợi, lợi ích của nhà đầu tư trong trường hợp này.
Được biết, ngày 9/9/2022, gần 710 triệu cổ phiếu FLC của CTCP Tập đoàn FLC bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) đưa vào diện đình chỉ giao dịch do các vi phạm về công bố thông tin.
Tới ngày 13/2/2023, HOSE đã ra thông báo hủy niêm yết bắt buộc đối với toàn bộ số cổ phiếu này từ ngày 20/2/2023 do Tập đoàn FLC đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác mà Sở Giao dịch Chứng khoán và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xét thấy cần cần hủy niêm yết để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, theo quy định tại khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP về trường hợp bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc.
Đến thời điểm hiện tại, vẫn còn rất nhiều ý kiến tranh luận trái chiều xoay quanh việc cổ phiếu FLC nên hay không ở lại sàn HOSE; các vấn đề liên quan đến quyền lợi, lợi ích của nhà đầu tư trong trường hợp này.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật - thông tin chi tiết đến Quý độc giả và nhà đầu tư liên quan đến sự việc trên dưới góc nhìn luật pháp.
Thưa Luật sư, với các vi phạm nhiều lần về công bố thông tin trong thời gian qua cũng như sau thông báo hủy niêm yết mới đây, liệu cổ phiếu FLC có đủ điều kiện để được giao dịch trên sàn UPCoM?
“Theo khoản 2 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP, cổ phiếu của công ty bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc hoặc hủy bỏ tự nguyện nhưng vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng thuộc đối tượng phải thực hiện đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM.
Như vậy, trong trường hợp này, sau khi bị huỷ niêm yết bắt buộc trên sàn HOSE, cổ phiếu FLC có khả năng sẽ được giao dịch trên thị trường UPCoM.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là một điều kiện, nếu chúng ta tham chiếu vào trường hợp cổ phiếu ROS của CTCP Xây dựng FLC Faros – một công ty thành viên trong hệ sinh thái FLC thì điều này là "chưa hẳn dễ dàng".
Thông tin thêm, ngày 5/9/2022, toàn bộ hơn 567 triệu cổ phiếu ROS của CTCP Xây dựng FLC Faros đã bị hủy giao dịch trên sàn HOSE và đến nay vẫn chưa được Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) chấp thuận giao dịch trên sàn UPCoM. Đáng lưu ý, cả FLC và ROS đều từng nằm trong danh mục cổ phiếu VN30 trong quá khứ, cùng bị hủy niêm yết liên quan đến các vấn đề về công bố thông tin (báo cáo tài chính kiểm toán,...).
Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật
Tại Khoản 1 Điều 32 Luật Chứng khoán 2019 quy định, công ty đại chúng là công ty cổ phần có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên và có tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông nắm giữ hoặc chào bán thành công cổ phiếu lần đầu ra công chúng thông qua đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định.
Như vậy, sau khi hủy niêm yết bắt buộc, cổ phiếu của bất kỳ công ty đại chúng nào cũng sẽ phải chuyển sang đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM với điều kiện tiên quyết đó là doanh nghiệp phải có báo cáo kiểm toán gần nhất. Với những doanh nghiệp có triển vọng tốt, việc thua lỗ, hủy niêm yết, chuyển sang sàn UPCoM (nếu có) chỉ là tạm thời, nhà đầu tư vẫn được mua bán cổ phiếu bình thường. Sau khi bị hủy niêm yết trên sàn HOSE, cổ phiếu FLC vẫn đáp ứng đầy đủ điều kiện công ty đại chúng với vốn điều lệ 7.099,9 tỷ đồng - tương đương gần 710 triệu cổ phiếu (hơn 64.700 cổ đông) và có đủ khả năng để được giao dịch trên sàn UPCOM”.
Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng phía Tập đoàn FLC hiện vẫn chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán các năm 2021 - 2022.
Vậy với việc 710 triệu cổ phiếu FLC bị hủy niêm yết và chưa rõ ngày giao dịch trở lại trên sàn UPCoM, quyền lợi của nhà đầu tư sẽ bị ảnh hưởng ra sao? Các cổ đông (nhất là những người nắm giữ lượng lớn cổ phiếu) có nguy cơ bị mất vốn?
“Về việc gần 710 triệu cổ phiếu của FLC bị hủy niêm yết và chưa rõ ngày giao dịch trở lại trên sàn UPCoM thì khi cổ phiếu bị hủy niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán nhà đầu tư vẫn sẽ được đảm bảo về nguồn sở hữu đối với cổ phiếu và doanh nghiệp có nghĩa vụ phải đảm bảo cổ phiếu cho các nhà đầu tư. Việc hủy niêm yết này không làm thay đổi quyền lợi của họ với tư cách cổ đông của công ty.
Mới nhất, trong thư gửi cổ đông ngày 17/2/2023, phía FLC cũng đã có cam kết về vấn đề này.
Việc hủy niêm yết sẽ khiến cổ phiếu của các nhà đầu tư không được giao dịch, mua bán, chuyển đổi trên sở giao dịch chứng khoán. Nói cách khác, số cổ phiếu này sẽ bị "đóng băng", không thể chuyển đổi thành tiền mặt được. Tuy nhiên, trong trường hợp cổ phiếu của công ty bị hủy bỏ niêm yết được chấp thuận đăng ký trên sàn UPCoM thì nhà đầu tư vẫn có thể mua bán được.
Tuy nhiên, việc giá trị cũng như thanh khoản của cổ phiếu có cao và dễ dàng hay không lại là một câu chuyện khác bởi trên thực tế, mức thanh khoản trên sàn UPCoM thường khá thấp so với các sàn niêm yết là HOSE và HNX.
Và dù được đảm bảo mọi quyền lợi trong thời gian chuyển cổ phiếu từ sàn niêm yết về sàn UPCoM hoặc trong thời gian chờ song với bất cứ nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu FLC (đặc biệt là các nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu số lượng lớn) song việc cổ phiếu có giữ được thanh khoản hay giá trị lại là chuyện của cung cầu. Khi đó, trong một số trường hợp cụ thể, chính doanh nghiệp phải có trách nhiệm mua lại số cổ phiếu này bằng tiền của mình hoặc bằng bất kỳ hình thức khác để đảm bảo vốn cho nhà đầu tư đã bỏ ra.
Trong trường hợp cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán dù là UPCoM thì nhà đầu tư cũng không cần quá lo lắng. Nhà đầu tư sẽ được đảm bảo về nguồn sở hữu với chứng khoán bởi cổ phiếu bị hủy niêm yết nhưng không phải hủy giá trị.
Có thể thấy nguồn vốn của các nhà đầu tư vẫn được đảm bảo nhờ vào chính sách của Ủy ban Chứng khoán của Nhà nước. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần phải chú ý và liên tục cập nhật các thông tin về cổ phiếu hay nội tại doanh nghiệp để kịp thời đưa ra quyết định xử lý lượng cổ phiếu đang nắm giữ”.
Tại báo cáo tài chính hợp nhất 3 quý đầu năm 2022, Tập đoàn FLC ghi nhận các khoản lỗ lần lượt 465,4 tỷ, 640,2 tỷ và 785,4 tỷ đồng. Sau biến cố, doanh nghiệp này thậm chí đã nhận hàng loạt quyết định xử lý thuế hàng trăm tỷ đồng.
Phía Tập đoàn FLC có trách nhiệm gì trong việc đảm bảo quyền lợi của các cổ đông sau hủy niêm yết, nhất là trong trường hợp kinh doanh thua lỗ?
“Khi chúng ta đầu tư vào bất cứ doanh nghiệp nào, nhà đầu tư bắt buộc phải chịu một mức độ rủi ro nhất định. Tuy nhiên, đối với chức năng của cơ quan quản lý nhà nước, cần nghiêm túc xử lý, cảnh báo sớm các trường hợp vi phạm của lãnh đạo doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán nhằm hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư, tránh tình trạng phát hành cổ phiếu vô tội vạ kiểu "bán giấy lấy tiền", "bán chui", "thao túng cổ phiếu" rồi mới vào cuộc xử lý. Cuối cùng, nhà đầu tư phải gánh chịu mọi hậu quả.
Giá cổ phiếu FLC gần 3 năm trở lại đây |
Theo tôi, với việc cổ phiếu FLC và những cổ phiếu liên quan bị hủy niêm yết hoặc đình chỉ giao dịch như ROS, HAI, GAB, trách nhiệm đầu tiên thuộc về lãnh đạo doanh nghiệp vì họ đã mắc sai phạm, gây hậu quả. Sau đó, cũng có thể nói đến trách nhiệm của cơ quan quản lý vì đã để xảy ra vụ việc. Phần còn lại thuộc về trách nhiệm của chính nhà đầu tư. Vì vậy, rất khó quy bỏ trách nhiệm cụ thể cho ai hay ai có trách nhiệm thuộc bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư. Đây là vấn đề rất khó!
Sau sự việc của các cổ phiếu nhóm FLC, bài học mà nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán rút ra là: “Chọn cổ phiếu phải chọn cả lãnh đạo doanh nghiệp, xem họ là ai, tâm - tầm và năng lực điều hành, quản trị và tài chính ra sao?”, đừng vì cái danh, cái tiếng bên ngoài của họ mà coi đó là niềm tin vững chắc bởi những thứ hào nhoáng bên ngoài chưa chắc đã đẹp; nhà đầu tư cần phải nhìn nhận thực tế, và nội tại vấn đề, đối tượng để hiểu được niềm tin cần phải trao đúng nơi, đúng người”.
Trong văn bản phản hồi sau khi nhận được thông báo hủy niêm yết, phía FLC nhấn mạnh: “FLC khẩn thiết kiến nghị cơ quan quản lý xem xét lại về việc huỷ niêm yết cổ phiếu trong đó cần đặc biệt xem xét đến các lý do khách quan cũng như hoàn cảnh bất khả kháng của doanh nghiệp trong việc thực hiện các nghĩa vụ công bố thông tin như đã giải trình nêu trên”.
Kế đó, ngày 17/2/2023, Tập đoàn này cũng đã có tâm thư gửi cổ đông chia sẻ về vấn đề cổ phiếu bị hủy niêm yết.
Có ngoại lệ nào của doanh nghiệp bất động sản này để được ở lại sàn HOSE?
“Thời gian qua có thể thấy Tập đoàn FLC và các đơn vị thành viên đã gặp phải không ít khó khăn trong quá trình hoạt động do bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các thông tin cũng như các vấn liên quan đến việc một số lãnh đạo cấp cao bị tạm giam để điều tra (trong đó có cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết và bà Hương Trần Kiều Dung - cựu Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Tập đoàn).
Khó khăn tiếp theo mà Tập đoàn FLC gặp phải đó là không thể tìm được công ty kiểm toán chấp thuận kiểm toán cho báo cáo tài chính của mình dẫn đến việc báo cáo tài chính bị chậm trễ. Mặc dù đã ký kết hợp đồng dịch vụ kiểm toán với Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY tuy nhiên đến thời điểm hiện tại FLC vẫn chưa nhận được kết quả kiểm toán qua đó dẫn đến tình trạng như trên.
Sau những sai phạm dẫn tới quyết định hủy niêm yết đối với cổ phiếu FLC, nếu muốn trở lại sàn HOSE một lần nữa, bắt buộc Tập đoàn phải khắc phục xong những vi phạm liên quan tới quy chế niêm yết trước khi đề đạt nguyện vọng niêm yết trở lại.
Khoản 1 Điều 122 Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật chứng khoán quy định: “Tổ chức có cổ phiếu bị hủy niêm yết theo quy định tại Điều 120, Điều 121 Nghị định này chỉ được đăng ký niêm yết lại sau khi giao dịch tối thiểu 02 năm trên hệ thống giao dịch UPCoM.
Dù việc niêm yết trở lại sau hủy niêm yết trong tương lai hoàn toàn có thể xảy ra song việc một trong những doanh nghiệp bất động sản nổi tiếng trên thị trường chứng khoán với “quân số” cả vạn người, một “ông chủ” lớn trên thị trường bất động sản tỷ USD “thất thủ” thủ sẽ dẫn đến những hệ lụy cho thị trường Việt Nam về mặt kinh tế cũng như đời sống”.
Xin trân trọng cảm ơn Luật sư!
Tâm thư của Tập đoàn FLC gửi 80.400 cổ đông: Sẽ thông báo ngày về UPCoM trong thời gian sớm nhất
Tập đoàn FLC thông tin tình hình kinh doanh 10 tháng năm 2024
Lãnh đạo FLC: 'Mọi cổ đông đều có thể khiếu nại khi quyền của họ bị vi phạm'