Cổ phiếu Grab giảm trở lại sau phiên tăng kỷ lục 11%, các hãng xe công nghệ ồ ạt rớt giá
Giá cổ phiếu của các hãng xe hạ nhiệt kéo theo Grab giảm nhẹ sau khi “chạm ngưỡng” tăng 11% trước đó.
Cổ phiếu Grab giảm trở lại sau phiên tăng kỷ lục 11%
Cổ phiếu của Grab Holdings - nhà cung cấp dịch vụ gọi xe và giao đồ ăn ở Đông Nam Á đã tăng 11% trong phiên giao dịch 24/8, sau khi công ty thông báo mục tiêu lợi nhuận và báo cáo mức lỗ hàng quý giảm mạnh nhờ việc cắt giảm chi phí trên diện rộng.
Đồng thời, Grab cho biết sẽ hòa vốn trong quý III thay vì quý IV như dự kiến trước đó. Công ty cũng cho biết khoản lỗ cả năm đã điều chỉnh trước lãi vay, thuế, khấu hao sẽ là 30 - 40 triệu USD, thay vì khoản lỗ từ 195 - 235 triệu USD như dự báo đưa ra vào tháng 5.
Grab đặt mục tiêu hòa vốn trong quý III/2023 |
Khoản lỗ đã điều chỉnh trên cơ sở đó, giảm xuống còn 20 triệu USD trong quý II, so với ước tính trung bình của các nhà phân tích là lỗ 64,6 triệu USD. Doanh thu trong quý II đã tăng 77% lên 567 triệu USD, vượt ước tính và xóa tan một số lo ngại rằng lạm phát gia tăng và triển vọng kinh tế u ám sẽ làm giảm chi tiêu của khách hàng.
Trong vài tháng qua, hãng xe công nghệ Singapore đã mạnh tay cắt giảm chi phí để ứng phó với những khó khăn kinh tế vĩ mô, giảm các ưu đãi của khách hàng, cũng như tiến hành sa thải hàng loạt. Giám đốc điều hành Anthony Tan cho biết việc cắt giảm việc làm không phải là “con đường tắt dẫn đến lợi nhuận”. Tuy nhiên, trước áp lực ngày càng tăng từ các nhà đầu tư, Grab từng tuyên bố sẽ cắt giảm hơn 1.000 việc làm để “thích ứng với môi trường” và chi phí vốn cao hơn. Đây là đợt sa thải lớn nhất của tập đoàn kể từ năm 2020, khi sa thải 360 nhân viên trước những thách thức của đại dịch.
Mặc dù Grab xuất hiện những con số khá tích cực, tuy nhiên có vẻ như các cổ đông không quá hào hứng với kết quả kinh doanh của hãng. Cổ phiếu Grab tăng 11% rồi giảm ngay sau đó. Một điều đáng lưu ý là Grab hoạt động vẫn chưa có lãi, họ lỗ hàng tỷ đô sau 11 năm thành lập. Trong khi đó, sự cạnh tranh từ các đối thủ như GoTo của Indonesia, Uber của Mỹ vẫn đang diễn ra khốc liệt. Điều này phải chăng đã tác động đến giá cổ phiếu của Grab sau phiên tăng kỷ lục?
Tính đến thời điểm hiện tại, giá cổ phiếu của hãng xe công nghệ giảm xuống còn 3,66 USD/ 1 cổ phiếu, tương đương 1,08% so với phiên giao dịch trước đó.
Giá cổ phiếu của Grab trong mấy phiên giao dịch gần đây. Nguồn: Investing |
Các hãng xe công nghệ ồ ạt rớt giá
Tương tự như Grab, các hãng xe công nghệ chứng kiến tình hình cổ phiếu đồng loạt giảm.
Trong phiên giao dịch ngày 25/8, giá cổ phiếu của “ông trùm” xe công nghệ Uber nằm ở mức 44,68 USD/ 1 cổ phiếu tương đương 1.02%. Đầu tháng 8, cổ phiếu của Uber tăng trở lại mạnh mẽ sau khi hãng công bố lần đầu tiên đạt lợi nhuận sau khi tích lũy khoản lỗ lên tới 31,5 tỉ USD. Cổ phiếu của công ty vẫn tăng gần 19% lên 29,25 USD/cổ phiếu khi đóng cửa phiên 2/8 trên thị trường Phố Wall. Mặc dù vậy Uber vẫn báo lỗ ròng 2,6 tỷ USD, giá cổ phiếu của liên tục rơi nhẹ sau đó, có dấu hiệu hồi phục kể từ giữa tháng 8 tuy nhiên vẫn chưa thật sự ấn tượng.
Giá cổ phiếu của Uber tăng trưởng trở lại kể từ đầu tháng 8. Nguồn: Investing |
Tương tự như Uber, giá cổ phiếu của Lyft - hãng xe công nghệ nổi tiếng tại Mỹ có dấu hiệu sụt giảm. Cụ thể, trong phiên ngày 25/8, Lyft ghi nhận giá cổ phiếu 10,58 USD, giảm 1,31% so với phiên giao dịch trước đó. Sau khi chạm ngưỡng cao nhất từ đầu năm vào cuối tháng 7, cổ phiếu của hãng có dấu hiệu hạ nhiệt. So với đối thủ chính Uber, cho đến nay Lyft đã phải chật vật để phục hồi sau tác động của đại dịch đối với hoạt động kinh doanh của mình.
Giá cổ phiếu của Lyft liên tục sụt giảm. Nguồn: Investing |
Các hãng xe công nghệ khác như Didi Global Trung Quốc hay GoTo của Indonesia cũng đồng loạt giảm nhẹ. Tính đến hiện tại, Didi ghi nhận giá cổ phiếu 3,25 USD, giảm 1,8% so với phiên giao dịch trước đó. Sau khi hồi phục với mức giá 96,68 Rupiah / 1 cổ phiếu kể từ giữa tháng 8, GoTo bắt đầu chứng kiến giá cổ phiếu liên tiếp rớt giá, hiện giá cổ phiếu của hãng giảm ở mức 1,18% tương đương 84 Rupiah/1 cổ phiếu.