Cổ phiếu Hòa Phát (HPG) được kỳ vọng tăng thêm 43%
Thời gian tới, Tập đoàn Hoà Phát (HPG) sẽ chuyển hướng sang sản xuất thép chất lượng cao, nhường sân chơi thép cơ bản cho các doanh nghiệp khác qua đó giúp giảm rủi ro phụ thuộc vào thị trường bất động sản.
Ngay tuần đầu tháng 6/2024, ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát (Mã HPG - HoSE) đã thị sát tại công trường thi công dự án Khu liên hợp Gang thép Dung Quất 2.
Tại buổi thị sát, ông Nguyễn Quảng Lộc - Trưởng ban Dự án cho biết, hiện đang có 20.000 thợ lắp máy, công nhân, cán bộ kỹ thuật thuộc gần 1.000 tổng thầu, nhà thầu chính, phụ về thiết kế, chế tạo, xây dựng, thiết bị, dịch vụ cùng lúc triển khai đồng bộ các hạng mục tại công trường.
“Các tên tuổi hàng đầu thế giới về luyện thép và xây dựng trên thế giới và Việt Nam đều đang có mặt tại công trường dự án. Công tác xây dựng, lắp đặt thiết bị diễn ra đúng và vượt tiến độ nhờ kinh nghiệm triển khai dự án Dung Quất 1”, ông Nguyễn Quảng Lộc nói.
Dự án Dung Quất 2 khi hoạt động hết công suất sẽ giúp doanh thu hàng năm của Hoà Phát tăng thêm 4-5 tỷ USD |
Tính đến ngày 7/6, dây chuyền thép cuộn cán nóng (HRC) đầu tiên từ dự án sẽ được hoàn thành sau 99 ngày nữa; cuộn thép HRC thương mại đầu tiên sẽ được sản xuất sau 206 ngày nữa.
Sau hoàn thành, dự án Dung Quất 2 sẽ nâng tổng công suất thép thô của Hoà Phát vượt mức 14,5 triệu tấn/năm, tập trung vào dòng thép cuộn cán nóng (HRC) và dòng thép chất lượng cao. Qua đó, lọt TOP 30 hãng sản xuất thép lớn nhất thế giới từ năm 2025, giúp củng cố lợi thế về quy mô, tiến tới tiết giảm thêm giá thành sản xuất.
Nếu hoạt động tối đa công suất, doanh thu hàng năm của Hoà Phát có thể tăng thêm 4-5 tỷ USD so với mức 6,5 tỷ USD hiện tại. Đây sẽ là bước ngoặt giúp Tập đoàn Hoà Phát chuyển mạnh sang sản xuất thép chất lượng cao, nhường sân chơi thép cơ bản như thép xây dựng cho doanh nghiệp khác nên sẽ giảm rủi ro dựa vào thị trường bất động sản.
Theo đánh giá của một số tổ chức tài chính, với dự án Dung Quất 2, chi phí sản xuất HRC của Tập đoàn Hoà Phát sẽ ở mức cạnh tranh hàng đầu khu vực ASEAN và có thể trên toàn châu Á. Đáng chú ý, điều này cũng sẽ giúp các sản phẩm hạ nguồn như ống thép và vỏ container cạnh tranh hơn về giá cả.
Cổ phiếu HPG có cơ hội vượt đỉnh
Trong báo cáo cập nhật mới nhất từ Chứng khoán VNDirect, nhu cầu thép dự kiến sẽ tăng trưởng trở lại nhờ thị trường bất động sản trong nước được kỳ vọng tiếp tục ấm lên trong giai đoạn 2024-2025.
Tổng nhu cầu thép trong quý I/2024 đạt 6,18 triệu tấn, tăng 12% so với cùng kỳ. Giá than cốc đã giảm mạnh 30% so với đầu năm đầu năm trong khi giá HRC vẫn ổn định ở mức 550 USD/tấn. Điều này củng cố biên lợi nhuận của các nhà cung cấp thượng nguồn, đặc biệt là HPG. Nhờ quản lý mua hàng tốt, Hòa Phát đã bán được phần lớn nguyên vật liệu ở mức giá cao, qua đó hưởng lợi từ xu hướng giảm của giá nguyên liệu trong các tháng tới đây.
Về quan điểm đầu tư, cổ phiếu HPG được định giá với mức P/E dự phóng năm 2024 là 10 lần, cao hơn P/E trung bình 5 năm là 8 lần. Dù vậy, việc gia tăng sản lượng HRC với tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận 50-80% YoY trong năm 2025 sẽ điều chỉnh định giá lên mức cao hơn.
Diễn biến giá cổ phiếu HPG |
Trong khi đó, P/B dự phóng 2024 là 1,4 lần, dưới mức P/B trung bình 5 năm là 1,75 lần.
VNDirect khuyến nghị tiềm năng cổ phiếu HPG với giá mục tiêu 41.000 đồng (mức kỷ lục) - cao hơn 43% so với giá tại thời điểm phát hành báo cáo hồi đầu tháng 6.
>> Agriseco 'gọi tên' 3 nhóm ngành có kết quả kinh doanh 'sáng' nhất quý II/2024