Đáng tiếc nhất là trường hợp cổ phiếu VKC của CTCP VKC Holdings - Cáp nhựa Vĩnh Khánh.
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa đồng loạt ra thông báo cảnh báo về nguy cơ hủy niêm yết đối với 4 mã cổ phiếu trên sàn này. Cụ thể:
- 49,5 triệu cổ phiếu KVC của CTCP Sản xuất Xuất nhập khẩu Inox Kim Vĩ;
- Gần 19,3 triệu cổ phiếu VKC của CTCP VKC Holdings - Cáp nhựa Vĩnh Khánh;
- 5 triệu cổ phiếu LM7 của CTCP Lilama 7;
- Hơn 3,26 triệu cổ phiếu L35 của CTCP Cơ khí Lắp máy Lilama;
Được biết, 2 trong số 4 mã cổ phiếu trên hiện là các cổ phiếu trong hệ sinh thái Lilama trong đó cả Lilama 7 và Cơ khí Lắp máy Lilama đều là công ty con của Tổng CTCP Cơ khí Lắp máy (Mã LLM - UPCoM).
Sở nhấn mạnh, các cổ phiếu nêu trên có nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc trong các điều kiện cụ thể: Kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm - ghi nhận tại báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét".
Kết năm 2022, LM7, L35 và KVC đều báo lỗ ròng ghi nhận tại các báo cáo tự lập. Trước đó, cả 3 doanh nghiệp cùng báo lỗ kiểm toán trong các năm 2020 và 2021.
Đáng tiếc nhất là trường hợp của VKC Holdings khi công ty bất ngờ báo lỗ năm ở mức kỷ lục từ khi lên sàn đồng thời bỏ ngỏ khả năng trả nợ hơn 350 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/12/2022, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của VKC Holdings bất ngờ chuyển âm tới 215 tỷ đồng dù đầu năm vẫn dương gần 22,7 tỷ. Theo đó, vốn chủ sở hữu của công ty cũng gần như bị "triệt tiêu" sau quý "thảm họa" này.
Liên quan đến một số khoản vay nợ trái phiếu, nửa cuối năm 2022, phía VKC Holdings từng thông báo tạm hoãn việc thanh toán lãi trái phiếu và đề cập đến các vấn đề liên quan đến ông Đỗ Thành Nhân và nhóm Louis Holdings cũng như sai phạm của một số lãnh đạo tiền nhiệm đã làm thất thoát tài sản của VKC rất lớn khiến công ty đã MẤT KHẢ NĂNG THANH TOÁN ĐỐI VỚI CÁC CHỦ NỢ.
Hiện cổ phiếu KVC và VKC đang trong diện cảnh báo trên HNX với thanh khoản trung bình viên từ 100.000 - 500.000 đơn vị trong khi 2 mã họ Lilama đang đã bị đưa vào diện chứng khoán bị kiểm soát và ghi nhận giao dịch đì đẹt với nhiều phiên trắng thanh khoản.
Theo đó, tại báo cáo tài chính soát xét 2022 tới đây, nếu không có bất ngờ khiến lợi nhuận năm 2022 đảo chiều theo hướng có lợi, các mã này sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc trong giai đoạn cuối quý 1 hoặc đầu quý 2/2023.
VKC sau "triều đại" Louis: Lỗ kỷ lục từ khi lên sàn, bỏ ngỏ khả năng trả nợ hơn 350 tỷ đồng