Ông Arthur Hogan, Giám đốc thị trường tại National Securities chia sẻ 3 yếu tố chống lại Tesla vào ngày 26/4 gồm sự lo ngại về việc Elon Musk bán ra cổ phần; cuộc bán tháo chung của cổ phiếu tăng trưởng và sự nghi ngại rằng Elon Musk đang ôm đồm quá nhiều việc...
Mới đây, Tesla báo lãi kỷ lục trong quý I/2022 với hầu hết các chỉ tiêu đều vượt kỳ vọng của giới phân tích. Trước phiên 26/4, Tesla là một trong những cái tên vượt trội nhất trong nhóm cổ phiếu tăng trưởng thuộc chỉ số NY FANG+ trong năm nay.
Tuy vậy, trong phiên 26/4, cổ phiếu Tesla giảm sốc 12% vốn hóa thị trường của Tesla đã bị thổi bay 126 tỷ USD.
Tesla lao dốc trong bối cảnh thị trường chứng khoán trên toàn thế giới cũng bị bán tháo mạnh do tăng trưởng kinh tế giảm tốc và lạm phát dai dẳng. Nhà đầu tư cũng bắt đầu tháo chạy khỏi cổ phiếu tăng trưởng cao từ khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chuẩn bị khởi động một chuỗi tăng lãi suất.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư lo ngại CEO Elon Musk có thể bán ra cổ phần để hoàn tất thương vụ thâu tóm Twitter trị giá 44 tỷ USD.
Vốn hóa của Tesla hiện nay thấp hơn 275 tỷ USD so với ngày 4/4, khi Elon Musk tiết lộ ông đã tăng tỷ lệ sở hữu trong nhà sản xuất xe điện. Con số này tương ứng mức giảm khoảng 23%. Giá trị 17% cổ phần của Elon Musk trong Tesla cũng sụt hơn 40 tỷ USD, gần gấp đôi phần vốn chủ sở hữu mà ông cam kết trong thương vụ với Twitter.
Ông Russ Mould, Giám đốc nghiên cứu phân tích của AJ Bell nhận định “Elon Musk đang chấp nhận rất nhiều rủi ro với việc dùng cổ phiếu Tesla làm tài sản thế chấp. Nếu cổ phiếu của nhà sản xuất xe điện đột ngột lún sâu, điều đó có thể gây bất an”.