Khác với chia sẻ "giá cổ phiếu sẽ tăng từ đây đến năm 2024" của Chủ tịch Địa ốc Hoàng Quân hay "chúng tôi không đi giải quyết nỗi buồn của cổ đông" của Chủ tịch Hóa chất Đức Giang, người đứng đầu Tập đoàn Vingroup chọn cách chia sẻ về giá cổ phiếu VIC thông qua những kỳ vọng về Vinfast.
Đến thời điểm hiện tại, mùa ĐHCĐ thường niên 2023 sắp khép lại ngoại trừ số ít doanh nghiệp dự kiến tổ chức trong tháng 6 (hoặc vẫn chưa thể tổ chức thành công trong các lần 1 - 2).
Vingroup (Mã VIC) - doanh nghiệp lớn cuối cùng vừa tổ chức ĐHCĐ sáng 17/5 với việc đặt mục tiêu doanh thu 190.000 tỷ đồng và 2.000 tỷ lợi nhuận sau thuế cho năm 2023.
Kết thúc quý 1/2023, tập đoàn đạt doanh thu thuần hợp nhất gần 39.000 tỷ đồng - tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước (chủ yếu nhờ tốc độ bàn giao các căn bất động sản thấp tầng tại dự án Vinhomes Ocean Park 2,...); lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 4.264 tỷ đồng - gấp 2,2 lần cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế gần 590 tỷ.
Cùng với những thông tin về kế hoạch kinh doanh cụ thể đối với từng mảng, thông tin về cổ tức và cổ phiếu VIC cũng được nhà đầu tư đặc biệt quan tâm.
Được biết tại Đại hội, phía tập đoàn đề xuất phương án không chia cổ tức năm 2022, giữ lại toàn bộ lợi nhuận chưa phân phối (14.347 tỷ đồng) phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chia sẻ về giá cổ phiếu VIC, Chủ tịch Phạm Nhật Vượng cho biết: "Giá VIC hiện rất thấp so với giá trị thực" đồng thời nhấn mạnh "giá trị cổ phiếu vẫn còn khi anh chưa bán, anh đã bán rồi thì anh sẽ mất đi giá trị đó".
Phát ngôn trên phần nào cho thấy tinh thần của lãnh đạo Tập đoàn Vingroup trong việc tạo dựng niềm tin với nhà đầu tư - nhất là khi soi vào quy mô của một trong số những doanh nghiệp lớn nhất thị trường chứng khoán về quy mô vốn điều lệ cùng hàng vạn cổ đông tham gia nắm giữ hơn 3,81 tỷ cổ phiếu.
Diễn biến giá cổ phiếu VIC |
Xét ở bức tranh rộng, nhịp điều chỉnh mạnh của thị trường chứng khoán năm 2022 đã kéo nhiều cổ phiếu doanh nghiệp về dưới giá trị thực trong đó có Vingroup. Kết phiên 17/5, cổ phiếu VIC tăng nhẹ lên mức 53.200 đồng. Dù thị giá đã giảm 58% so với đỉnh 126.x đạt được hồi tháng 4/2021.
Bước sang năm 2023, với những tín hiệu tích cực khi ngành du lịch hồi phục, các vấn đề về bất động sản và trái phiếu dần được tháo gỡ, hoạt động kinh doanh cốt lõi hồi phục, thị trường đang chứng kiến sự trở lại của Vingroup.
2 trụ cột của Vingroup là Vinhomes (Mã VHM) và Vincom Retail (Mã VRE) ghi nhận kết quả ấn tượng trong 3 tháng đầu năm trong đó kết quý 1, VHM soán ngôi Vietcombank để trở thành doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất trên sàn chứng khoán với 11.917 tỷ đồng - tăng 162% so với cùng kỳ. Đây cũng là doanh nghiệp duy nhất trên sàn đạt lãi ròng trên 10.000 tỷ.
Tương tự, Vincom Retail mang về 1.024 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế - tăng 171% so với quý 1/2022.
Mặt khác, việc Vinfast (công ty do Vingroup nắm 51,52% vốn) được định giá 23 tỷ USD - tương đương 529.000 tỷ đồng cũng được kỳ vọng là bàn đạp đưa cổ phiếu tìm về đỉnh cũ.
Theo chia sẻ của Chủ tịch Phạm Nhật Vượng, đến hết năm 2025, công ty xe điện này sẽ bắt đầu có lãi và định giá của Vinfast sẽ không chỉ dừng lại ở con số 23 tỷ USD.
Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng tại ĐHCĐ thường niên sáng 17/5/2023 |
Giới phân tích đánh giá, triển vọng hồi phục của nhóm cổ phiếu bất động sản trong ngắn hạn vẫn là chưa thực sự lạc quan trong bối cảnh thị trường chung vẫn chưa thực sự đồng thuận. Tuy nhiên trong nội tại ngành, không ít doanh nghiệp đã tìm được sự cân bằng tài chính trở lại sau những biến cố về lãi suất, trái phiếu và áp lực trả nợ trong thời gian vừa qua.
Khác với chia sẻ về việc "giá cổ phiếu sẽ tăng từ đây đến năm 2024" của Chủ tịch HĐQT Địa ốc Hoàng Quân (Mã HQC) Trương Anh Tuấn hay "chúng tôi không đi giải quyết nỗi buồn của cổ đông" của Chủ tịch HĐQT Hóa chất Đức Giang (Mã DGC), người đứng đầu Vingroup bày tỏ quan điểm hướng đến việc nâng cao giá trị lâu dài của cổ phiếu; bên cạnh những kỳ vọng về các mũi kinh doanh chủ lực còn là kỳ vọng về Vinfast.
Nói về việc thu hồi vốn, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup cho rằng việc này phụ thuộc vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động huy động thêm vốn. Với định giá 23 tỷ USD vừa công bố, việc thu hồi vốn đã đầu tư (8 tỷ USD) không phải là việc lớn - nhất là khi Vinfast đã niêm yết ở Mỹ.
"Vinfast sẽ sớm mang lại niềm vui tài chính cho mọi người song không phải ngày một ngày hai... Năm nay, sản lượng bán xe Vinfast dự báo đạt khoảng 45.000 - 50.000 chiếc, sang năm có thể tăng gấp đôi", ông Phạm Nhật Vượng bật mí.
Câu chuyện ứng xử với cổ phiếu nhà của Chủ tịch Vingroup cũng là cách mà lãnh đạo nhiều doanh nghiệp lớn như Coteccons, Tecombank hay Đèo Cả thông tin đến cổ đông tại Đại hội kết thúc trước đó.
- Ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch HĐQT Techcombank (TCB): "Giá trị tương lai của TCB sẽ gấp 5-10 lần hiện tại. Nếu đầu tư dài hạn thì không có gì phải suy nghĩ"
- Ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV): "Cổ phiếu HHV không phải là Thánh Gióng mà sẽ là thiên lý mã cho những dặm đường xa... Các cổ đông lướt sóng thì nên thoái vốn để nhường lại cơ hội cho người khác"
- Ông Bolat Duisenov - Chủ tịch HĐQT Xây dựng Coteccons (CTD): "Chúng tôi không thể nhắn tin tới từng cổ đông một vì có rất nhiều việc phải làm. Lần tới nếu cổ phiếu xuống giá thì cổ đông nên mua thêm chứ đừng bán”