Cổ phiếu vướng vòng lao lý: Mua là “tạch”?

07-12-2023 01:43|Băng Băng

Dòng tiền lớn nhập cuộc “giải cứu” cổ phiếu LDG, khơi gợi lại ký ức kinh hoàng của những nhà đầu tư từng có ý định bắt đáy, thâu tóm nhóm FLC, Louis nhưng rồi bị cuốn vào “vòng xoáy thua lỗ chết người” của thị trường.

Phiên 5/12, cổ phiếu CTCP Đầu tư LDG (Mã LDG - HOSE) giảm 2,5% về mức 3.130 đồng/cp, đây đã là phiên giảm thứ 4 liên tiếp kể từ 30/11 (-18%) sau tin Chủ tịch HĐQT bị khởi tố, bắt tạm giam vì lừa dối khách hàng

Điều tích cực là LDG đã thoát trạng thái giảm sàn như 2 phiên trước đó. Tổng cộng 37,7 triệu cổ phiếu đã được sang tay - mức cao nhất trong lịch sử niêm yết (tương đương giai đoạn cuối năm 2021 khi LDG lập đỉnh 25.x đồng). Sang tới ngày 6/12, dòng tiền bắt đáy tiếp tục gia tăng giúp LDG đảo chiều tăng trần, song “sắc tím” không duy trì được lâu. Đóng cửa phiên, LDG thu hẹp đà tăng còn 3,83% đạt 3.250 đồng/cp.

Cổ phiếu vướng vòng lao lý: Mua là “tạch”?
Diễn biến cổ phiếu LDG

Đáng lưu ý, trên một số diễn đàn chứng khoán, đã xuất hiện các bài viết hô hào và kêu gọi bắt đáy nhóm cổ phiếu từ đầu phiên và thậm chí một số tài khoản còn tỏ ra là "có kịch bản giải cứu". Điều này gợi nhớ lại diễn biến của loạt cổ phiếu bất động sản có lãnh đạo bị bắt trong 2 năm qua.

Giai đoạn 2022 - 2024, có rất nhiều cổ phiếu niêm yết trên thị trường mà chủ doanh nghiệp vướng vào vòng lao lý, nổi bật là “nhóm” Louis Holdings và FLC. Điều đáng nói là những cổ phiếu này từng được đông đảo nhà đầu tư kỳ vọng và có pha tăng bằng lần. Tuy nhiên, chỉ sau một đêm, khi xuất hiện thông tin lãnh đạo vi phạm pháp luật cổ phiếu của cả hệ sinh thái đồng loạt nằm sàn, cổ đông vội vàng tháo chạy.

Trong các vụ bắt lãnh đạo, nhà đầu tư là người chịu thiệt hại nặng nề nhất khi giá cổ phiếu chia 5 xẻ 7. Tài khoản bốc hơi nhanh chóng, cổ đông không kịp thoát hàng luôn trong trạng thái ngồi trên đống lửa.

Với những cổ phiếu vướng vòng lao lý, càng mua càng dính vào những điểm chết. Thực tế chứng minh rất nhiều cổ phiếu dò hoài không biết đâu là đáy cả. FLC, TGG, BII,… từ mức cao trên mệnh giá giảm mạnh, nhiều người muốn bắt đáy, thâu tóm công ty nhưng rồi lại phải ngậm đắng, nuốt cay khi bị cuốn vào “vòng xoáy thua lỗ chết người” của thị trường.

Tuy nhiên, những nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao lại nhìn thấy cơ hội bắt đáy, tiềm năng kiếm lời ở những thời điểm như vậy. Song thực tế, không phải ai cũng có thể quản trị tốt rủi ro hay may mắn kịp chốt lời trong khi càng nắm giữ, thì các điểm chết bất lợi càng xuất hiện mà chẳng ai có thể kiểm soát được.

>> Hàng chục triệu cổ phiếu LDG được hấp thụ giá sàn: Nhà đầu tư nhỏ lẻ tự giải cứu nhau?

Cổ phiếu vướng vòng lao lý: Mua là “tạch”?
Ảnh minh hoạ

Những tiếng chuông báo không có người nghe xảy ra ở cổ phiếu “họ” Louis và FLC chính là minh chứng rõ nét nhất về hậu quả khi liều lĩnh gom cổ phiếu doanh nghiệp có lãnh đạo sai phạm.

Cổ phiếu họ Louis, FLC cùng chung kịch bản “hồi quang phản chiếu”

Ông Trịnh Văn Quyết bị bắt ngày 29/3/2022 do thao túng giá cổ phiếu hệ sinh thái FLC. Thông tin tiêu cực liên quan đến việc Chủ tịch HĐQT khiến AMD, FLC, ROS, HAI, ART, KLF đồng loạt giảm sàn, trắng thanh khoản trong nhiều phiên. Tuy nhiên, đến 1/4/2022, loạt cổ phiếu “họ” FLC có dấu hiệu phục hồi khi lực cầu bắt đáy bất ngờ xuất hiện, "giải cứu" hàng chục triệu cổ phiếu nằm sàn ròng rã. Các mã “tím lịm”, tổng cộng nhóm cổ phiếu họ FLC được khớp lệnh khoảng hơn 222 triệu đơn vị. Những tưởng phép màu xuất hiện, cổ đông gom thêm, nhà đầu tư ngoài ra sức bắt đáy xong kết cục “đáy” hôm nay lại là “đỉnh” của ngày mai. Những người may mắn có thể thu lời 14-21% tài khoản sau 2,3 phiên trần, song lượng lớn còn lại bị “nhốt” ở vùng giá cao khi nhóm cổ phiếu này lại nhanh chóng quay đầu sụt giảm.

Thậm chí nhiều nhà đầu tư thực hiện chiến lược “hold to die” chờ về bờ đã phải nhận trái đắng khi cuối cùng AMD, FLC, ROS, HAI, ART, KLF đều đã bị đình chỉ giao dịch, một vài mã bị huỷ niêm yết và tất cả giờ chỉ quanh quẩn mức giá trên dưới 1.000 đồng/cp.

>> Tín hiệu tích cực từ hệ sinh thái FLC: Một mã có thể được giao dịch trở lại

Tương tự với cổ phiếu họ Louis, kể từ khi ông Đỗ Thành Nhân bị bắt cổ phiếu TGG của CTCP Louis Capital rớt sâu xuống đáy 2.300 đồng vào giữa tháng 11/2022, bốc hơi hơn 92% từ đỉnh trên 28.000 đồng vào đầu năm 2022. Sau đó, TGG hồi quang phản chiếu lên vùng 4.7xx trước khi trở lại mốc 2.370 đồng/cp như hiện tại. Ngày 29/11 mới đây, TGG nhận quyết định huỷ niêm yết kể từ 6/12.

Cổ phiếu BII của CTCP Louis Land đã lao dốc xuống 1.900 đồng vào tháng 11/2022, giảm gần 90% so với giá 15.600 đồng vào đầu năm 2022, và tiếp tục giảm còn vỏn vẹn 800 đồng/cp trước khi bị đình chỉ giao dịch và huỷ niêm yết. Một mã khác có liên quan đến nhóm Louis là VKC của CTCP VKC Holdings - cũng đã giảm xuống 900 đồng, mất hơn 93% thị giá so với đầu năm 2022.

Đặc điểm chung là BII, VKC hay TGG đều có những pha tăng biến kỳ vọng thành ảo vọng khi kết lại bằng những thông báo đình chỉ giao dịch, huỷ niêm yết bắt buộc.

LDG khó “trở mình”

Quay trở lại với LDG, ngay sau tin Chủ tịch bị bắt, LDG Group thông tin “Vụ việc trên không làm thay đổi, ảnh hưởng đến kế hoạch, chiến lược, hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư của LDG Group. Các quyền lợi, lợi ích hợp pháp của khách hàng, cổ đông, đối tác đang có giao dịch, hợp tác với LDG Group vẫn được đảm bảo”.

Tuy nhiên, các con số tài chính trong báo cáo của những quý gần đây cho thấy bức tranh kinh doanh không mấy khả quan của LDG. Từ 2013 - 2019, lợi nhuận của LDG đều tăng trưởng dương, song mọi sự "xáo trộn" bắt đầu từ 2020 khi doanh thu gần 1.400 tỷ đồng mà lãi sau thuế chỉ vỏn vẹn 14 tỷ đồng. Năm 2022, LDG bị kiểm toán nhấn mạnh thông tin về khả năng hoạt động liên tục.

Cổ phiếu vướng vòng lao lý: Mua là “tạch”?
Đơn vị: Tỷ đồng

Sang tới 9T/2023 LDG vừa báo lỗ 209 tỷ đồng - lần đầu tiên trong cả thập kỷ hoạt động LDG ghi lỗ giai đoạn 9 tháng đầu năm.

Kinh doanh kém tích cực, LDG hiện nợ tiền BHXH của người lao động khoảng 6 tỷ đồng, đứng đầu danh sách đơn vị nợ BHXH trên địa bàn. Bên cạnh đó, LDG còn nợ thuế và lương của nhiều nhân viên.

Không chỉ kinh doanh bết bát, LDG còn nợ nần chồng chất. Tổng nợ phải trả đến 30/9/2023 4.558 tỷ đồng, trong đó dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn 1.031 tỷ đồng và dư vay nợ thuê tài chính dài hạn 300 tỷ đồng. Thậm chí LDG mới đây công bố đã chậm thanh toán lãi trái phiếu của 5 kỳ gần đây nhất.

Chủ nợ lớn nhất của LDG là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank – mã chứng khoán STB) với dư nợ vay tài chính ngắn hạn 399 tỷ đồng (trong đó có 250 tỷ đồng vay dài hạn đến hạn trả) và dư vay nợ thuê tài chính dài hạn 300 tỷ đồng.

>> Hơn nghìn tỷ đồng trái phiếu của nhóm Vạn Thịnh Phát, Novaland (NVL), FLC, LDG đáo hạn trong tháng 12/2023

Cổ phiếu bất động sản có thị giá thấp nhất sàn HoSE bất ngờ tăng trần

Bài học đầu tư từ Top 3 cổ phiếu có EPS âm nặng nhất nhóm BĐS: NVL, LDG, LEC

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/co-phieu-vuong-vong-lao-ly-mua-la-tach-214442.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Cổ phiếu vướng vòng lao lý: Mua là “tạch”?
    POWERED BY ONECMS & INTECH