Cơ sở tính toán để chọn phương án nghỉ Tết Nguyên đán 2025 liên tiếp 9 ngày
Năm 2025, trước và sau nghỉ Tết Nguyên đán đều là ngày nghỉ hàng tuần, do vậy, phương án đề xuất kỳ nghỉ 9 ngày liên tiếp sau khi đã sắp xếp làm bù.
Về lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất, đối với công chức, viên chức nghỉ từ ngày 26 tháng Chạp năm Giáp Thìn, đến hết mùng 5 tháng Giêng năm Ất Tỵ, tức từ 25/1 - 2/2/2025.
Theo phương án này, dịp nghỉ Tết Âm lịch, công chức, viên chức sẽ được nghỉ 9 ngày, bao gồm 5 ngày nghỉ Tết và 4 ngày nghỉ hàng tuần.
Với các doanh nghiệp, có thể bố trí lịch nghỉ như sau: Lựa chọn 1 ngày cuối năm Giáp Thìn và 4 ngày đầu năm Ất Tỵ, hoặc 2 ngày cuối năm Giáp Thìn và 3 ngày đầu năm Ất Tỵ, hoặc 3 ngày cuối năm Giáp Thìn và 2 ngày đầu năm Ất Tỵ.
Khuyến khích người sử dụng lao động bố trí lịch nghỉ Tết cho người lao động như quy định đối với công chức, viên chức, song cần thông báo phương án nghỉ cho người lao động trước khi thực hiện ít nhất 30 ngày.
Theo Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH), phương án nghỉ lễ, Tết hằng năm đều được Bộ gửi xin ý kiến các Bộ, ngành, cơ quan liên quan.
Trong đó, Bộ Nội vụ quản lý công chức, viên chức; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ghi nhận phản hồi từ các hiệp hội doanh nghiệp đề xuất; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ ghi nhận ý kiến của người lao động và các doanh nghiệp.
Thông thường, phương án đề xuất lịch nghỉ của năm tới sẽ đưa ra lấy ý kiến vào khoảng tháng 8, tháng 9 của năm trước, quyết định ban hành dự kiến tháng 10, 11.
Sở dĩ, lịch nghỉ Tết được công bố sớm như vậy là để các cơ quan, đặc biệt là doanh nghiệp thu có thể xếp được phương án sản xuất kinh doanh phù hợp. Trong khi người lao động cũng chủ động lịch mua vé tàu xe, đi lại về quê đón Tết.
Trước ý kiến băn khoăn về việc mỗi năm đều phải đưa ra phương án lấy ý kiến về lịch nghỉ Tết Nguyên đán, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) lý giải, Bộ luật Lao động chỉ quy định cố định số lượng ngày nghỉ lễ, Tết trong năm, trong đó nghỉ Tết Nguyên đán 5 ngày. Tuy nhiên, lịch nghỉ cụ thể mỗi năm mỗi khác, có thể dài hơn là do bố trí nghỉ bù và các ngày cuối tuần trùng với trước và sau Tết.
Đơn cử, nếu quy định cứng lịch nghỉ Tết, mà trường hợp một năm có ngày mùng 4 Tết rơi vào thứ Sáu, mùng 5, 6 rơi vào hai ngày nghỉ hằng tuần, thì phải đề xuất một phương án nghỉ tiếp mùng 4, 5, 6, sau đó đi làm bù vào ngày thứ Bảy của tuần kế tiếp.
Sắp xếp như vậy, vừa đạt được yêu cầu đảm bảo thời gian làm việc mà người lao động được nghỉ liền mạch. Trong khi nếu thời gian nghỉ quá ngắn, nhiều lao động xa quê chưa có thời gian nghỉ ngơi đã phải quay lại làm việc, vừa tốn kém và bất cập cho cả xã hội.
Như vậy, việc bố trí lịch nghỉ mỗi năm được thực hiện linh hoạt sẽ tạo thuận lợi cho cả doanh nghiệp và người lao động.
Đại diện Cục An toàn lao động thông tin, năm 2025, trước và sau nghỉ Tết đều là ngày nghỉ hằng tuần. Do vậy, kỳ nghỉ này có thể kéo dài 9 ngày, còn thực tế nghỉ Tết vẫn chỉ 5 ngày.
Phương án này linh hoạt, nhưng vẫn tuân thủ theo quy định của pháp luật, bởi quyền nghỉ hằng tuần được quy định trong luật, không phải là nghỉ Tết.
Việc sắp xếp ngày nghỉ cuối tuần liền kề với ngày nghỉ Tết là phù hợp. Nếu nghỉ dài quá thì hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều đơn vị có thể bị ảnh hưởng, nhưng nếu ngắn quá thì người lao động cũng khó khăn.
Đồng tình với phương án nghỉ Tết Nguyên đán 9 ngày, ông Lê Văn Thương, giám đốc một doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng ở Hà Nội cho biết, việc nghỉ Tết âm lịch năm 2025 kéo dài 9 ngày không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Điều quan trọng là nhà nước công bố lịch nghỉ sớm để doanh nghiệp có kế hoạch sắp xếp công việc, làm bù các ngày cuối tuần trước Tết và sau Tết cho phù hợp.
Theo ông Thương, việc nghỉ Tết Nguyên đán 9 ngày sẽ đảm bảo người lao động có thời gian nghỉ ngơi, du xuân, giảm áp lực đi lại trên đường. Vì thế, việc sắp xếp nghỉ bù để có 9 ngày nghỉ Tết liên tiếp là phù hợp.