Sự xuất hiện của An Phát chưa mang lại chuyển biến tích cực cho Sông Đà Sudico (SJS). Không chỉ những cổ đông bị "bỏ đói" cổ tức, An Phát cũng chính là nạn nhân trong thương vụ "bắt dao rơi" này.
Từng là một trong những họ cổ phiếu có quân số niêm yết đông nhất sàn chứng khoán Việt với SJG, SJS, SDA, SDT, SD1, SD2, SD3, SD6, SD9, SJC,...; từng là tâm điểm mua bán của nhà đầu tư giai đoạn 2006 - 2008, tuy nhiên sự sa sút trong kinh doanh đã khiến quân số Sông Đà vơi dần và tách khỏi nhau.
Những gì còn lại là một họ cổ phiếu với nhiều gương mặt kinh doanh ảm đạm, dòng tiền âm, cổ phiếu dưới mệnh giá và thưa vắng cổ đông; một SJS của CTCP Đầu tư Phát triển và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) đã qua đỉnh cao 728.000 đồng/cp hay một tập hợp của những doanh nghiệp chây ì trả quyền lợi (cổ tức) cho cổ đông suốt nhiều năm.
Chuyện ở "Sông Đà 11 (SJE): 10 năm chưa hết trích lập dự phòng nợ xấu cho Tổng Sông Đà (SJG)" hay "Sông Đà 1.01 (SJC): 8 năm không cổ tức, 5 năm không ĐHCĐ, cổ phiếu vẫn tăng 1.000%",... là một trong số ít những vấn đề đang diễn ra ở những công ty gắn mác "Sông Đà" hiện tại.
Một dự án của Sudico |
Trở lại câu chuyện nợ cổ tức của doanh nghiệp "Sông Đà", trên diễn đàn chứng khoán, một tài khoản Facebook từng bình luận: "Không biết nói gì! Theo Sông Đà Sudico từ những năm 2007 - 2008 đến nay cũng có tuổi; chờ cổ tức Sudico từ khi con gái vào cấp 2. Đến nay chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT 2023 vẫn chưa thấy cổ tức về".
Hứa thật nhiều, thất hứa cũng thật nhiều: 7 lần hứa - 7 khất
Trong thông báo công bố ngày 23/6 vừa qua, Sudico cho biết sẽ lùi thời gian thanh toán cổ tức bằng tiền các năm 2016 - 2017 từ 30/6/2023 sang 31/12/2024 với lý do chưa thu xếp được nguồn tiền. Doanh nghiệp này cho biết trong trường hợp thu xếp được nguồn vốn đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, công ty sẽ thực hiện thanh toán cổ tức cho cổ đông sớm hơn.
Đây không phải lần đầu hứa hẹn của doanh nghiệp phát triển bất động sản này về chuyện chi trả cổ tức các năm 2016, 2017 cho cổ đông. Kịch bản hứa rồi thất hứa được lặp đi lặp lại khiến cổ đông cạn niềm tin nơi công ty của Chủ tịch Đỗ Văn Bình.
Cuối tháng 11/2021, Sudico thay đổi thời gian chi trả cổ tức năm 2016 và 2017 bằng tiền mặt từ 31/12/2021 sang 30/12/2022 với lý do tài chính khó khăn, chưa có nguồn tiền để thanh toán.
Trước đó, cuối năm 2020, Sudico thông báo lùi lịch thanh toán cổ tức 2016, 2017 từ 31/12/2020 sang 31/12/2021 kèm lời lẽ "vỗ về" nếu thu xếp được nguồn tiền đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ xem xét trả cho cổ đông sớm hơn.
Trước đó tháng 9/2019, SJS cũng xin dời lịch thanh toán cổ tức năm 2016 từ cuối năm 2019 sang cuối năm 2020.
Tính đến nay, đã 7 lần Sudico xin hoãn lịch trả cổ tức năm 2016 so với thời gian thanh toán ban đầu là 25/1/2018.
Được biết, cổ tức của 2 năm 2016, 2017 được Sudico chốt trả bằng tiền với tỷ lệ 10%.
Ghi nhận từ năm 2014 trở lại đây, Sudico luôn duy trì mức lợi nhuận sau thuế trên 100 tỷ đồng/năm trong đó năm 2016 và 2017 lần lượt báo lãi 228 tỷ và 179 tỷ đồng. Đáng nói, dù chậm trễ thanh toán cổ tức nhưng năm nào Sudico cũng duy trì tỷ lệ cổ tức 10% và tiến hành trích giảm lợi nhuận sau thuế chưa phân phối làm tăng nợ phải trả.
Tại ĐHCĐ thường niên 2023, công ty đặt kế hoạch doanh thu 1.145 tỷ đồng và 320 tỷ lãi sau thuế. Mức cổ tức bằng tiền dự kiến là 10%.
Ghi nhận tại báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2023, Sudico có 47,5 tỷ đồng tiền mặt và tương đương, 35,7 tỷ đồng khoản đầu tư tài chính ngắn hạn, danh mục hàng tồn kho tăng lên mức 3.765 tỷ đồng (chiếm 92% cơ cấu tài sản ngắn hạn).
Tăng mạnh từ mức 2.660 tỷ đồng năm 2016, giai đoạn 2017 trở lại đây, giá trị tồn kho của Sudico luôn duy trì trên mức 3.000 tỷ đồng (chủ yếu nằm ở dự án Khu đô thị Nam An Khánh - dự án có vốn đầu tư 5.861 tỷ đồng tại huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội).
Với khoản lãi 11,5 tỷ trong quý 1/2023, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Sông Đà Sudico hiện ở mức 419 tỷ đồng - thấp hơn con số 474 tỷ đồng mức nợ cổ tức trong giai đoạn 2016 - 2020. Do "chưa thu xếp được vốn", tại ĐHCĐ thường niên 2022, phía Sudico đã thống nhất chuyển hình thức chi trả cổ tức bằng tiền các năm 2018, 2019 và 2020 sang trả bằng cổ phiếu (tuy nhiên đến nay vẫn chưa thực hiện). Vì vậy, doanh mục "phải trả ngắn hạn khác" của SJS đến cuối quý 1/2023 đang ghi nhận gần 214 tỷ đồng cổ tức chưa thanh toán.
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2023 của SJS |
Cổ đông tổ chức đã bỏ đi, chỉ một pháp nhân ở lại gồng lỗ nghìn tỷ
Những vấn đề về dòng tiền kinh doanh của CTCP Đầu tư Phát triển và Khu công nghiệp Sông Đà lâu nay đã trở thành "mãn tính". Cổ phiếu lình xình ở vùng giá 40.000 - 50.000 đồng/cp trong hơn nửa năm qua khiến không ít cổ đông tổ chức mất kiên nhẫn.
CTCP SAM Holdings (Mã SAM) mới đây đã bán ra toàn bộ 377.600 cổ phiếu SJS trong phiên 12/6/2023.
Trước đó, Chứng khoán Quốc Gia cũng bán xong 1,6 triệu cổ phiếu Sudico - giảm sở hữu từ 1,84% về 0,44% từ 24/4 - 19/5.
Trong khi đó, cú vung tay trị giá 4.258 tỷ đồng của CTCP Thương mại Dịch vụ Đầu tư An Phát hồi tháng 4/2022 khi mua trọn lô 41.745.862 triệu cổ phiếu SJS từ tay Tổng Sông Đà (Mã SJG) (mức giá 102.000 đồng/cp) đã khiến chính cổ đông lớn này thiệt hại nặng (tạm lỗ hơn 2.500 tỷ đồng).
Sự xuất hiện của An Phát hơn 1 năm qua chưa mang lại những chuyển biến tích cực ở Sudico. Không chỉ những cổ đông lâu năm bị SJS "bỏ đói" cổ tức, An Phát cũng chính là nạn nhân trong thương vụ "bắt dao rơi" này.
Xem thêm: Khối ngoại rút 2.300 tỷ đồng khỏi Vinamilk (VNM) sau hơn 1 tháng
Chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cây cầu treo giữa lòng hồ thủy điện, bắc qua ‘vịnh Hạ Long của Tây Bắc’
Nước hồ Đầm Bài xuống thấp, nhiều khu vực dùng nước sông Đà bị cắt nước