Coca-Cola đóng cửa nhà máy 31 năm tuổi, bị chỉ trích vì thải ra đại dương 602 triệu kg rác thải nhựa mỗi năm
Hãng đồ uống lừng danh bậc nhất thế giới Coca-Cola đang đối diện nhiều sức ép từ dư luận sau quyết định bất ngờ khiến hơn 100 công nhân mất việc và những hành động bị cho là gây ô nhiễm lớn với môi trường.
Hãy tưởng tượng bạn thức dậy và phát hiện rằng công ty lớn nhất tại nơi mình đang sống sắp đóng cửa và bạn chẳng thể làm gì để ngăn chặn điều đó. Đó là thực tế khó khăn mà 135 công nhân tại hạt Napa (tiểu bang California, Mỹ) đang phải đối mặt khi Coca-Cola tiến hành đóng cửa nhà máy đóng chai tại American Canyon.
Chuyện gì đã xảy ra?
Theo báo San Francisco Chronicle, Coca-Cola sẽ chính thức đóng cửa nhà máy rộng 350.000 foot vuông (hơn 32.516m²) tại American Canyon trước ngày 30/6/2025, gây ảnh hưởng trực tiếp đến 135 người lao động.
Nhà máy này hoạt động từ năm 1994, có lịch sử 31 năm hình thành và phát triển chuyên sản xuất các loại đồ uống như Powerade, Minute Maid, Vitamin Water và Gold Peak Tea.

Coca-Cola đã mua lại cơ sở này vào năm 2002. Trong một tuyên bố về việc đóng cửa nhà máy ở American Canyon, công ty có giá trị lớn thứ 6 thế giới (64,4 tỷ USD - theo đánh giá của tạp chí Forbes năm 2024) cho biết: “Chúng tôi không dễ dàng gì để đưa ra quyết định này và công ty luôn biết ơn vì nhà máy này đã từng là một phần của cộng đồng American Canyon”.
Trong khi đó, công nhân của nhà máy sắp giải thể kể trên đang được khuyến khích tìm cơ hội việc làm trong hệ thống rộng lớn hơn của Coca-Cola hoặc với các đối tác như Refresco.
Vì sao việc đóng cửa nhà máy của Coca-Cola lại đáng lo ngại?
Dù việc chuyển dây chuyền sản xuất ra nước ngoài có thể giúp hợp lý hóa hoạt động, quyết định kể trên của Coca-Cola vẫn gây tổn thất lớn cho người lao động địa phương và làm suy giảm sự giám sát về tính bền vững – điều ngày càng đáng lo ngại khi các công ty tìm cách cắt giảm chi phí sản xuất.
Việc đóng cửa nhà máy ở American Canyon là một phần trong chiến lược “tối ưu tài sản” của Coca-Cola – mô hình kinh doanh tập trung vào việc chuyển giao hoạt động đóng chai cho các công ty đóng vai trò là bên thứ ba như Refresco, để Coca-Cola chỉ còn tập trung vào việc quản lý thương hiệu thay vì tự sản xuất.
Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Science Advances, Coca-Cola chịu trách nhiệm cho 11% lượng rác thải nhựa mang nhãn hiệu trên toàn thế giới.
Tổ chức Oceana, trong một phân tích được tờ The Guardian chia sẻ, ước tính rằng đến năm 2030, lượng rác thải nhựa từ Coca-Cola xả ra đại dương có thể lên tới 602 triệu kg (hơn 1,3 tỷ pound).

Một số công ty đóng chai như Liberty Coca-Cola Beverages đã giới thiệu các loại bao bì nhựa có thể tái chế như vòng nhựa đựng lon và coi đó là bước tiến về môi trường. Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng những nỗ lực này vẫn chưa đủ, bởi nhựa thường chỉ có thể được tái chế một vài lần trước khi không còn đủ bền nữa, trong khi nhôm và thủy tinh có thể tái chế vô hạn.
Vi nhựa tiếp tục làm ô nhiễm đại dương và gây hại cho sinh vật biển. Nếu không có hành động quyết liệt hơn, “dấu chân” tiêu cực ảnh hưởng đến môi trường của Coca-Cola sẽ ngày càng lớn.
Có thể làm gì để giảm ô nhiễm nhựa từ Coca-Cola?
Dù không thể đảo ngược quyết định đóng cửa nhà máy tại Napa, người tiêu dùng vẫn có thể thúc đẩy Coca-Cola phải có trách nhiệm hơn với môi trường.
Tổ chức Greenpeace hiện đang thu thập chữ ký cho một bản kiến nghị yêu cầu “gã khổng lồ nước ngọt” có lịch sử 139 năm này phải hành động mạnh mẽ hơn trong việc giảm thiểu chất thải nhựa.
Người tiêu dùng cũng có thể gửi đi thông điệp thông qua lựa chọn của mình bằng cách ủng hộ các thương hiệu nghiêm túc với cam kết bền vững.
Một số công ty hiện đã áp dụng các chương trình tái chế thân thiện với môi trường, kèm ưu đãi như hoàn tiền hoặc điểm thưởng trong mô hình kinh tế tuần hoàn.
Đây là một bước nhỏ nhưng có thể mang lại sự thay đổi thực sự, qua đó, chứng minh với các thương hiệu lớn như Coca-Cola rằng mọi người vẫn luôn quan tâm đến cộng đồng và hành tinh của họ.
Theo TCD
>> Giữ vững phong độ khi PepsiCo hụt hơi: Coca-Cola vượt bão thương mại toàn cầu