Điểm tin nóng 14/5: Mỹ thêm nhượng bộ Trung Quốc, Thủ tướng họp bàn với sếp lớn Boeing, Coca-Cola
24h qua có gì đáng chú ý?
Mỹ lùi thêm một bước với Trung Quốc
Theo hãng thông tấn Reuters, Mỹ sẽ giảm thuế đối với các gói hàng nhỏ từ Trung Quốc từ 120% xuống còn 54%, cùng mức phí cố định 100 USD, bắt đầu từ ngày 14/5. Động thái này diễn ra sau tuyên bố đình chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trước đó, chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump từng siết chặt chính sách với các gói hàng dưới 800 USD, nhắm vào các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc như Shein và Temu. Việc giảm thuế lần này nhằm duy trì quan hệ thương mại ổn định, nhưng vẫn vấp phải lo ngại từ giới lập pháp Mỹ về nguy cơ hàng lậu và tác động đến sản xuất trong nước.
Thủ tướng họp bàn với 50 doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ, bao gồm cả Boeing, Abbott, Excelerate Energy, Coca-Cola...
Ngày 13/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp gỡ các Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Nguyễn Chí Dũng, lãnh đạo nhiều Bộ, ngành, địa phương, đại diện Đại sứ quán Mỹ, Phòng Thương mại Mỹ tại Hà Nội và hơn 50 doanh nghiệp Mỹ như Boeing, Abbott, Excelerate Energy, Coca-Cola, GE Vernova... nhằm tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy quan hệ kinh tế song phương.

Các doanh nghiệp đánh giá cao nỗ lực cải cách của Việt Nam, đồng thời kiến nghị cải thiện thủ tục, hạ tầng và chính sách thuế. Thủ tướng tái khẳng định cam kết xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, lấy doanh nghiệp làm trung tâm và hỗ trợ hợp tác chiến lược Việt – Mỹ. Ông cũng kêu gọi doanh nghiệp Mỹ ủng hộ Việt Nam trong đàm phán thương mại với Mỹ và cùng chia sẻ tầm nhìn phát triển bền vững.
Trình Quốc hội giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2026
Sáng 13/5, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT). Chính phủ đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế VAT từ ngày 1/7/2025 đến hết năm 2026 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và kích cầu tiêu dùng.
Chính sách này mở rộng phạm vi áp dụng nhưng vẫn loại trừ một số lĩnh vực như tài chính, viễn thông, bất động sản và hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Việc giảm thuế được kỳ vọng giúp doanh nghiệp hạ giá thành sản phẩm, nhưng dự kiến sẽ làm giảm thu ngân sách khoảng 122.000 tỷ đồng.
Tăng kịch trần ngay khi chào sàn, cổ phiếu Vinpearl đưa tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng lên 9,2 tỷ USD
Sáng 13/5, cổ phiếu VPL của Vinpearl tăng kịch trần ngay khi niêm yết trên sàn HoSE, đưa giá trị vốn hóa công ty vượt 153.000 tỉ đồng. Đây là công ty thứ tư thuộc hệ sinh thái Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng lên sàn HoSE.

Nhờ sự kiện này, tài sản của ông Vượng tăng vọt lên 9,2 tỷ USD – cao nhất từ trước đến nay và giúp vị doanh nhân này đứng thứ 323 trong bảng xếp hạng tỷ phú toàn cầu của tạp chí Forbes (Mỹ). Ông Phạm Nhật Vượng hiện là người giàu nhất Việt Nam và nằm trong nhóm tỷ phú hàng đầu Đông Nam Á.
>> Cổ phiếu Vinpearl (VPL) chính thức lên HoSE, vốn hóa tăng 25.300 tỷ đồng sau một giờ giao dịch
Sau cuộc họp với Bộ Công Thương, lãnh đạo của FPT, GAS, Petrovietnam cùng hơn 100 doanh nghiệp bay sang Mỹ
Đoàn công tác Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn dẫn đầu, gồm hơn 130 thành viên, đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đầu tư vào Mỹ 2025 tại National Harbor, tiểu bang Maryland.
Trong số các doanh nghiệp Việt Nam tham dự hội nghị có nhiều tên tuổi lớn như: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS), Tập đoàn FPT...
Sự kiện giúp các doanh nghiệp lớn của Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư và hợp tác với Mỹ trong các lĩnh vực như công nghệ, chuyển đổi số, năng lượng và hạ tầng. Trước đó, nhiều thỏa thuận kinh tế – thương mại giữa doanh nghiệp hai nước đã được ký kết, với tổng giá trị lên tới hơn 90 tỷ USD.
>> Nóng: Không nhượng bộ, một quốc gia châu Á xem xét áp thuế đáp trả Mỹ