Doanh nghiệp

Coca-Cola Việt Nam từng dính án phạt thuế kỷ lục dù thua lỗ - bất ngờ lãi lớn, mở thêm nhà máy mới

Yên Hoàng 27/10/2023 04:10

Hiện nay Coca – Cola Việt Nam có 3 nhà máy đã và đang hoạt động, và đang khởi công xây dựng nhà máy thứ 4.

Vào đầu năm 2021 cả nước được phen ngỡ ngàng khi cục thuế phanh phui Coca - Cola Việt Nam có hành vi phạm nghiêm trọng về khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp theo quy định. Do đó, Tổng cục thuế đã đưa ra hình thức phạt, truy thu thuế hơn 821 tỷ đồng đối với Coca - Cola Việt Nam.

Bị truy thu số tiền thuế “khủng”

Tối ngày 9/1/2020, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh đã ký quyết định xử phạt hành chính về thuế qua thanh tra chấp hành pháp luật thuế đối với Công ty TNHH Nước giải khát Coca - Cola Việt Nam với tổng số tiền lên tới hơn 821 tỷ đồng.

Coca-Cola Việt Nam từng dính án phạt thuế kỷ lục dù thua lỗ - bất ngờ lãi lớn, mở thêm nhà máy mới,

Tổng cục thuế cho rằng Coca - Cola Việt Nam đã vi phạm về khai sai dẫn đến thiếu số thuế phải nộp theo quy định. Cụ thể, tổng cục thuế ra quyết định truy thu với số tiền 471 tỷ đồng, trong đó, số thuế GTGT bị truy thu là hơn 60 tỉ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 359 tỉ đồng, thuế nộp thay nhà thầu nước ngoài gần 52 tỉ đồng.

Cơ quan thuế cũng tính tiền chậm nộp hơn 288,6 tỉ đồng và lưu ý số tiền chậm nộp này mới tính đến hết ngày 16/12/2019. Ngoài ra, Coca - Cola Việt Nam còn bị phạt vi phạm hành chính hơn 61,6 tỉ đồng.

Theo Tổng cục thuế, Coca - Cola Việt Nam phải có nghĩa vụ tự tính và nộp số tiền chậm nộp thuế từ sau ngày 16/12/2019 đến thời điểm nộp số thuế truy thu và phạt vào ngân sách nhà nước tổng cộng 821,4 tỷ đồng.

Xác nhận với truyền thông về thông tin bị phạt và truy thu số tiền khủng nói trên, ông PeeYush Sharma – CEO Coca - Cola Việt Nam khẳng định các hoạt động của Coca - Cola Việt Nam luôn được thực hiện trên tinh thần trung thực, minh bạch, và tuyệt đối tuân thủ pháp luật Việt Nam. Ông đồng thời cho biết sẽ hoàn toàn tuân thủ quy định và pháp luật Việt Nam khi được hỏi về số tiền thuế 821 tỷ đồng nói trên.

Thua lỗ liên tiếp nhiều năm dù doanh thu tăng trưởng

Ngày 8/5/1886 Coca - Cola được Dr.John Pemberton sáng chế và bán tại nhà thuốc Jacobs' Pharmacy ở thành phố Atlanta, bang Georgia, Mỹ. Gần 100 năm sau, vào tháng 2/1994 Coca - Cola đặt chân vào thị trường Việt Nam với số vốn đầu tư 163 triệu USD sau khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận với Việt Nam. Tháng 8/1995, liên doanh đầu tiên giữa Coca - Cola Đông Dương và Công ty Nông nghiệp và Thực phẩm Vinafimex được thành lập, có trụ sở tại miền Bắc. Tiếp nối Coca - Cola miền Bắc là Coca - Cola miền Nam.

Chỉ 3 năm sau, vào tháng 1/1998, thêm một liên doanh nữa xuất hiện tại miền Trung – Coca - Cola Non Nước. Đó là quyết định liên doanh cuối cùng của Coca - Cola Đông Dương tại Việt Nam, được thực hiện do sự hợp tác với Công ty Nước Giải Khát Đà Nẵng.

Tuy nhiên, các liên doanh đều không có lãi khiến các đối tác Việt Nam với năng lực tài chính yếu thế hơn không thể trụ vững. Tháng 10/1998, Chính Phủ Việt Nam đã cho phép các Công ty Liên Doanh trở thành Công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài. Chính sách này giúp Coca - Cola mua lại phần vốn góp của các đối tác Việt Nam sở hữu toàn bộ 3 liên doanh, năm 2001 chính thức trở thành công ty 100% vốn nước ngoài với số vốn đầu tư 350 triệu USD. Tại thời điểm đó 3 nhà máy có tổng công suất gần 400 triệu lít Coca-cola/năm

Đáng chú ý, sau khi trở thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, Coca - Cola liên tục báo lỗ trong 1 thời gian dài. Theo cơ quan chức năng, từ khi hoạt động tại Việt Nam vào năm 1992, công ty Coca - Cola Việt Nam liên tục báo lỗ.

Đến tháng 12/2012, tổng số lỗ lũy kế của Coca - Cola Việt Nam lên đến 3.768 tỷ đồng, vượt quá số vốn đầu tư ban đầu. Trong khi đó sản lượng thực tế của công ty tăng khoảng 20%/năm và công ty lại liên tục mở rộng nhà máy sản xuất kinh doanh ở Việt Nam.

Cuối tháng 10/2012, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Muhtar Kent tuyên bố rót thêm 300 triệu USD vào Việt Nam trong 3 năm tới. Sang 2014 công ty đầu tư thêm 210 triệu USD để mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Năm 2018 Coca - Cola cho biết đã đầu tư 1 tỷ USD vào Việt Nam.

Khi điệp khúc thua lỗ mở rộng đã đặt ra nghi vấn đến năm 2013 và 2014 doanh nghiệp này bất ngỡ báo lãi lần lượt 150 tỷ đồng và 357 tỷ đồng. Tiếp đó 2015 và 2016 Coca - Cola Việt Nam đều báo doanh thu gần 7.000 tỷ đồng mỗi năm, LNST khoảng 500 tỷ đồng mỗi năm. Mặc dù có lãi song do liên tục báo lỗ nhiều năm trước, lũy kế đến cuối năm 2016 Coca - Cola Việt Nam vẫn báo lỗ gần 2.700 tỷ đồng. Trước đó, lỗ lũy kế của Coca - Cola Việt Nam cuối năm 2014 lên tới gần 4.000 tỷ đồng.

Đến năm 2017 Coca - Cola Việt Nam ghi nhận doanh thu gần 7.220 tỷ đồng, lợi nhuận giảm mạnh 50% chỉ còn hơn 225 tỷ đồng bất chấp doanh số vẫn có sự tăng trưởng. Hai năm sau, doanh thu của Coca - Cola Việt Nam tăng lên mức 9.300 tỷ đồng vào năm 2019; nhờ biên lợi nhuận gộp được cải thiện, doanh nghiệp báo lãi 810 tỷ đồng.

Dịch bệnh khiến doanh thu của Coca - Cola Việt Nam giảm 14% còn xấp xỉ 8.000 tỷ đồng năm 2020. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của công ty này vẫn tăng trưởng từ 810 tỷ đồng lên khoảng 1.043 tỷ đồng. Đến năm 2021, doanh thu của Coca - Cola Việt Nam phục hồi lên mức gần 8.500 tỷ nhưng lãi lại giảm 13%, xuống 730 tỷ đồng.

Năm ngoái, Coca - Cola Việt Nam ghi nhận doanh thu tăng trưởng gần 31% lên 11.100 tỷ đồng, tuy nhiên LNST lại sụt giảm gần 7% xuống 682 tỷ đồng.

Coca-Cola Việt Nam từng dính án phạt thuế kỷ lục dù thua lỗ - bất ngờ lãi lớn, mở thêm nhà máy mới,

Coca – Cola Việt Nam đã trốn thuế thế nào?

Theo cơ quan thuế, Coca - Cola Việt Nam đã sử dụng chính sách ưu đãi dành cho các công ty nước ngoài để thu hút đầu tư, theo đó doanh nghiệp nào lỗ thì không phải nộp thuế, và Coca - Cola Việt Nam đã liên tục kê khai chi phí nguyên phụ liệu thật cao. Được biết, dù chủ yếu nguyên liệu và hương liệu được Coca - Cola Việt Nam nhập trực tiếp từ công ty mẹ, song lại được kê lên mức rất cao, trung bình chi phí nguyên phụ liệu chiếm trên 70% giá vốn. Cá biệt, năm 2006 và 2007, chi phí nguyên phụ liệu lên tới 80% và 85% chi phí giá vốn. Điều này khiến Coca - Cola Việt Nam liên tục báo lỗ trên mặt giấy tờ trong suốt nhiều năm.

Ngoài ra, theo kết quả xác minh, từ 2007-2015, Coca - Cola Việt Nam đã dùng các sản phẩm do công ty sản xuất và vật phẩm mua ngoài để thực hiện các chương trình khuyến mại. Công ty có xuất hóa đơn thể hiện giá trị các hàng hóa do Coca - Cola Việt Nam sản xuất, tuy nhiên công ty này lại không xuất hóa đơn cho khách hàng với các chương trình khuyến mại bằng các vật phẩm mua ngoài, chỉ có phiếu xuất kho. Trong khi những vật phẩm và những sản phẩm do công ty mua ngoài được đặt tại các điểm bán hàng của Nhà phân phối và dùng để khuyến mại được Coca - Cola Việt Nam hạch toán vào chi phí lên tới 744 tỷ đồng. Theo Tổng cục thuế, công ty này thực hiện rất nhiều chương trình khuyến mại trong suốt những năm 2007-2015. Và đây chính là một trong những nguyên nhân gây thua lỗ của doanh nghiệp này.

Tập đoàn thâu tóm Coca-Cola Việt Nam bán mảng sản xuất tại Mỹ

Tập đoàn thâu tóm Coca-Cola Việt Nam bán mảng sản xuất tại Mỹ

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/coca-cola-viet-nam-tung-dinh-an-phat-thue-ky-luc-du-thua-lo-bat-ngo-lai-lon-mo-them-nha-may-moi-207634.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Coca-Cola Việt Nam từng dính án phạt thuế kỷ lục dù thua lỗ - bất ngờ lãi lớn, mở thêm nhà máy mới
POWERED BY ONECMS & INTECH