Xã hội

‘Con đường đi bộ trên biển’ dài nhất cả nước: Xây dựng kiên cố chạy dài hơn 10km giữa biển, nằm gần bên ‘đảo ngọc’ lớn thứ 3 Việt Nam được UNESCO công nhận

Thùy Dung 20/11/2024 21:25

Tuyến đường này mang vẻ đẹp bề thế, đồ sộ, thu hút sự quan tâm của nhiều du khách dù công trình không phục vụ mục đích du lịch.

Đê chắn sóng ‘khủng’ bậc nhất cả nước

Công trình đê chắn sóng Cát Hải nằm tại cửa Lạch Huyện, giữa đảo Cát Hải và Cát Bà và nằm cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng 25km. Tuyến đê có tổng chiều dài hơn 10 km, là một phần trong hợp phần A của dự án xây dựng cảng Lạch Huyện, thuộc gói thầu số 10. Tuyến đê bao gồm 2.480 m đê chắn sóng và 7.600 m đê chắn cát, với chiều ngang mỗi đê rộng 2,5 m.

‘Con đường đi bộ trên biển’ dài nhất cả nước: Xây dựng kiên cố chạy dài hơn 10km giữa biển, nằm gần bên ‘đảo ngọc’ lớn thứ 3 Việt Nam được UNESCO công nhận - ảnh 1
Hình ảnh tuyến đê Cát Hải khi nhìn từ trên cao. Ảnh: Internet

Đê chắn sóng Cát Hải được coi là một trong những hạng mục xây dựng độc đáo và thách thức nhất của dự án cảng Lạch Huyện. Hệ thống đê này được thiết kế để ngăn dòng nước chảy vào cửa Lạch Huyện, giúp tàu bè dễ dàng ra vào cảng và hạn chế tình trạng cát, phù sa bồi lấp luồng tàu tại khu vực này. Trong tương lai, hệ thống đê còn có thể được sử dụng như một không gian dự trữ để xây dựng thêm các bến cảng mới.

Công trình này còn được mệnh danh là "đường đi bộ trên biển dài nhất Việt Nam" và là một trong những công trình biển có quy mô lớn nhất cả nước. Để hoàn thành hệ thống đê chắn sóng, các kỹ sư đã đổ đá xuống các vị trí được định sẵn, sau đó đặt thêm các khối bê tông nặng hàng chục tấn lên trên. Nhờ thiết kế này, đê chắn sóng Cát Hải mang vẻ đẹp bề thế, đồ sộ, thu hút sự quan tâm của nhiều du khách dù công trình không phục vụ mục đích du lịch.

‘Con đường đi bộ trên biển’ dài nhất cả nước: Xây dựng kiên cố chạy dài hơn 10km giữa biển, nằm gần bên ‘đảo ngọc’ lớn thứ 3 Việt Nam được UNESCO công nhận - ảnh 2
Công trình này còn được mệnh danh là "đường đi bộ trên biển dài nhất Việt Nam". Ảnh: Internet

Điểm độc đáo của đê Cát Hải là sự xuất hiện theo thủy triều. Khi thủy triều rút, đê để lộ một con đường dài như kéo dài giữa lòng đại dương. Nhưng khi thủy triều dâng, phần lớn con đê lại “ẩn mình” dưới làn nước biển, tạo nên khung cảnh thơ mộng hiếm có.

Có nên thăm quan đê chắn sóng Cát Hải?

Theo thông tin từ Cổng tin tức TP. Hải Phòng, khu vực này thuộc dự án xây dựng Cảng Lạch Huyện. Trước đây, khi dự án đang trong quá trình xây dựng, khu vực ra vào đê biển được kiểm soát bởi ba-ri-e và có lực lượng bảo vệ trông coi. Tuy nhiên, sau khi tuyến đê biển hoàn thành, ba-ri-e được dỡ bỏ, không còn bảo vệ trông giữ, dẫn đến việc khu vực này trở thành nơi ra vào tự do. Ban đầu, chỉ có một số ít người đến câu cá vào cuối tuần hoặc người dân địa phương vào đây để bắt ốc, hà. Tuy nhiên, từ khi hình ảnh tuyến đê biển xuất hiện rộng rãi trên mạng xã hội, nơi đây đã thu hút nhiều du khách đến tham quan và chụp ảnh hàng ngày.

Bờ đê hẹp và nhỏ, chỉ đủ chỗ cho một xe máy đi qua, gây khó khăn trong trường hợp có xe đi ngược chiều. Việc di chuyển trên bờ đê chắn sóng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, đặc biệt là khu vực bên ngoài đê chắn cát. Khi thủy triều xuống, đoạn đê dài gần8 km lộ ra tạo cảnh quan rất đẹp, nhưng khi thủy triều lên, khu vực này bị ngập nước. Mặt đê thường xuyên ẩm ướt, rong rêu bám nhiều, dễ gây trượt ngã. Với mực nước biển sâu từ 5-6 m, nên nếu không may trượt ngã trong quá trình di chuyển là vô cùng nguy hiểm.

‘Con đường đi bộ trên biển’ dài nhất cả nước: Xây dựng kiên cố chạy dài hơn 10km giữa biển, nằm gần bên ‘đảo ngọc’ lớn thứ 3 Việt Nam được UNESCO công nhận - ảnh 3
Mặt đê Cát Hải dễ trơn trượt gây huy hiển cho du khách. Ảnh: Internet

Người dân địa phương cũng cho biết, nếu có tàu lớn đi qua tạo sóng mạnh, nguy hiểm càng tăng lên. Đã có trường hợp người dân đi bắt hà, bắt ốc tại khu vực này bị sóng đánh ngã xuống biển. Chính quyền địa phương khuyến cáo du khách không nên đến khu vực này để đảm bảo an toàn. Nếu ghé thăm Cát Hải, du khách có thể lựa chọn các hoạt động khác như tham quan làng nghề làm mắm nổi tiếng, thưởng thức các món đặc sản địa phương, hoặc kết hợp chuyến đi tới Cát Bà để vui chơi, tắm biển và trải nghiệm thêm nhiều hoạt động thú vị.

Quần đảo Cát Bà thuộc địa phận huyện Cát Hải (TP. Hải Phòng) bao gồm 367 hòn đảo lớn nhỏ trải rộng trên diện tích khoảng 300 km², nằm giữa vịnh Bắc Bộ. Quần đảo cách trung tâm TP. Hải Phòng khoảng 30 km và cách TP. Hà Nội khoảng 140 km.

Trong đó, đảo Cát Bà có diện tích 153 km², là đảo lớn thứ ba ở Việt Nam sau Phú Quốc và Cái Bầu với đỉnh núi cao nhất đạt 331 m.Năm 2003, vùng biển Cát Bà được Thủ tướng Chính phủ công nhận là khu bảo tồn biển của Việt Nam. Đến năm 2004, quần đảo này được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Năm 2013, Cát Bà được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt.

Đặc biệt, vào năm 2020, vịnh Lan Hạ thuộc huyện Cát Hải đã trở thành thành viên của Hiệp hội Câu lạc bộ các vịnh đẹp nhất thế giới. Gần đây nhất, ngày 16/9/2023, quần đảo Cát Bà cùng vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Đây là Di sản thiên nhiên thế giới liên tỉnh, thành phố đầu tiên tại Việt Nam.

>> Tuyến đường trị giá gần 1.000 tỷ đồng chạy xuyên qua rừng ngập mặn, nối thẳng đến cảng biển 20.000 tỷ lớn nhất tại tỉnh có nhiều khu công nghiệp nhất Việt Nam

Tàu chở hơn 500 hành khách đâm xe tải, trật bánh, xe tải bị kéo lê 400m: Huy động thiết bị phục hồi hạng nặng, tuyến đường sắt tê liệt nhiều ngày

Tai nạn xe buýt kinh hoàng khiến 17 người phải nhập viện: Phong tỏa tạm thời tuyến đường, điều động khẩn cấp lực lượng cứu hộ đến hiện trường

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/con-duong-di-bo-tren-bien-dai-nhat-ca-nuoc-xay-dung-kien-co-chay-dai-hon-10km-giua-bien-nam-gan-ben-dao-ngoc-lon-thu-3-viet-nam-duoc-unesco-cong-nhan-130699.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    ‘Con đường đi bộ trên biển’ dài nhất cả nước: Xây dựng kiên cố chạy dài hơn 10km giữa biển, nằm gần bên ‘đảo ngọc’ lớn thứ 3 Việt Nam được UNESCO công nhận
    POWERED BY ONECMS & INTECH