Trải qua biến chuyển lịch sử, con phố này được gọi với nhiều tên khác nhau và tới nay nó đã trở thành con phố có nhiều tên gọi nhất Thủ đô.
Hàng Bông là một con phố dài khoảng 1km, nối phường Hàng Gai qua phường Hàng Bông đến phường Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Trước kia, phố Hàng Bông nằm trong quần thể vương phủ của chúa Trịnh Tùng, khởi dựng vào năm 1595. Thời đó vương phủ gồm 52 cung, phủ, điện, đài, vườn ngự uyển, hồ, trại lính, trải từ Cửa Nam, Hàng Bông, vòng Bà Triệu tới hồ Hale, có 3 cửa chính: cửa chính nam là phố Bà Triệu, Tuyên Vũ Môn (có Ngũ Long Lầu, cao 70m, là Bưu điện Hà Nội ngày nay) và Diệu Đức (thông ra phố Cửa Nam).
Thực tế, Hàng Bông là một tên gọi khá “mới”, vì trước đó phố Hàng Bông được chia ra nhiều đoạn khác nhau với 6 tên gọi riêng khiến phố Hàng Bông trở thành con phố nhiều tên gọi nhất Thủ đô.
Tên gọi đầu tiên của con phố này chính là phố Hàng Hài, còn có tên gọi trong dân gian là Hàng Bông Hài trên đất thôn Cổ Vũ, đoạn từ phố Hàng Gai đến phố Hàng Mành. Nơi đây tồn tại nhiều cửa hàng bán giày hài, nón, đồ thờ điện bằng giấy.
Phố Hàng Hài bày bán 2 loại sản phẩm chính là hài thật và hài giấy. Hài thật có đế bằng gỗ vông, mũi bằng lụa thêu kim tuyến. Hài giả bằng giấy ngũ sắc trang kim dùng cho việc thờ cúng. Đoạn phố này có đền Phúc Hậu thờ ông tổ nghề tráng gương nên còn được gọi là Hàng Gương.
Hàng Bông Đệm trên đất thôn cũ Kim Bát Hạ, đoạn từ đầu Hàng Mành đến phố Hàng Da. Nơi đây có nhiều nhà làm nghề bật bông, bán mền bông, chăn đệm.
Hàng Bông Cây Đa Cửa Quyền, trên đất mấy thôn cũ Đông Mỹ - Thương Môn Đông Hạ, đoạn từ góc Hàng Da - Quán Sứ đến ngõ Hội Vũ, có ngôi miếu nhỏ thờ Cô Quyền, cạnh miếu có cây đa cũng gọi cây đa Cô Quyền hoặc cây đa Cửa Quyền, hiện ngôi miếu đã bị sét đánh đổ và cây đa bị đốn.
Hàng Bông Lờ, từ ngõ Hội Vũ đến Cửa Nam, đất thôn cũ Yên Trung Hạ, tổng Tiền Nghiêm (sau là Vĩnh Xương): bán các loại đó, đơm, lờ đánh cá. Xưa hơn nữa thì nơi đây chuyên nhuộm màu xanh nên có tên là phố Hàng Lam.
Hàng Bông Thợ Nhuộm, gọi tắt là Hàng Bông Nhuộm, đoạn phố ngắn cuối phố Hàng Bông trông ra cạnh phía đông của vườn hoa Cửa Nam trên đất thôn cũ Đông Mỹ. Hồi đầu thế kỷ 20, người phố này có nghề nhuộm thâm các loại vải lụa.
Ngõ Hàng Bông chạy từ phố Tống Duy Tân đến cuối phố Hàng Bông giáp Cửa Nam, là một phần của khu phố ẩm thực. Ngõ này thời Pháp tên là phố Lôngđơ (Rue Lhonde). Sau năm 1945 đổi là phố Cấm Chỉ cho đến năm 1964, đổi là ngõ Hàng Bông Lờ, và hiện nay là ngõ Hàng Bông.
Ngày nay phố Hàng Bông là một tuyến phố vô cùng nhộn nhịp, sầm uất và được xem là “cửa ngõ” để vào khu vực phố cổ Hà Nội và Hồ Gươm. Tại đây, có những cửa hàng buôn rất bán sôi động, thu hút du khách với nhiều cửa hàng thời trang, đồ lưu niệm, quán ăn, khách sạn hạng sang...
Những mặt hàng đặc trưng được bày bán trên tuyến phố này là các loại cờ, áo phông, băng rôn cổ động, quần áo thời trang… Xen lẫn những cửa hàng buôn bán sầm uất, thì trên con phố Hàng Bông nay vẫn giữ được khá nhiều đình miếu cổ như đền Phúc Hậu, đình Tam Thánh, đình Lương Ngọc, đình Kim Hộ, đền Vọng Tiên, đình Thiên Tiên, đình Đông Mỹ…
Phố Hàng Bông còn được mệnh danh là “thiên đường ẩm thực” gắn với các con ngõ như ngõ Tạm Thương (chuyên bán nem chua rán), ngõ Hàng Bông (đường vào khu phố ẩm thực Tống Duy Tân).
>> Những hòn đảo đặc biệt giữa lòng Thủ đô: Nơi thờ anh hùng dân tộc, nơi có chùa cổ nghìn năm tuổi
Độc đáo con phố ngắn nhất Hà Nội dài chỉ 52m ngay giữa trung tâm phố cổ
Cung đường chạy quanh hồ tự nhiên lớn nhất Thủ đô lọt top 'Con đường tuyệt vời nhất thế giới 2024'