Cơn sốt AI đang tạo ra ‘núi’ rác điện tử khổng lồ, tương đương thải 13 tỷ chiếc iPhone
Cuộc chạy đua trong Thung lũng Silicon nhằm phát triển các chương trình trí tuệ nhân tạo (AI) mạnh mẽ hơn có thể dẫn đến một lượng lớn rác thải điện tử.
Theo nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Computational Science, các nhà nghiên cứu tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc và Đại học Reichman ở Israel dự đoán rằng sự bùng nổ của công nghệ AI có thể làm tăng lượng rác thải điện tử toàn cầu từ 3-12% vào năm 2030, tương đương 2,5 triệu tấn mỗi năm - số lượng ngang với 13 tỷ chiếc iPhone bị thải bỏ.
Đánh giá của nhóm nghiên cứu dựa trên việc phân tích "hàng nghìn kịch bản" liên quan đến đầu tư vào phần cứng AI trong giai đoạn 2024-2030. Họ đã tính toán lượng rác thải phát sinh từ việc loại bỏ một máy chủ sử dụng bộ xử lý Nvidia H100, một mẫu rất được ưa chuộng, thường chỉ sau khoảng ba năm sử dụng. Nghiên cứu này chưa tính đến lượng rác từ các thiết bị khác trong trung tâm dữ liệu, như hệ thống làm mát.
Các thiết bị máy tính và điện tử bị thải bỏ ở các nước phát triển thường được chuyển đến các quốc gia có thu nhập thấp, nơi người lao động tự tháo dỡ các thiết bị cũ để thu lấy đồng và kim loại quý. Công việc này khiến họ tiếp xúc với các chất độc hại như thủy ngân và chì, gây nguy hiểm cho sức khỏe, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Phó giáo sư Asaf Tzachor từ Đại học Reichman, một trong những tác giả của nghiên cứu, nhấn mạnh: "Chúng tôi hy vọng công trình này sẽ thu hút sự chú ý của các công ty sản xuất và sử dụng phần cứng AI về tác động môi trường sau khi chúng bị thải bỏ, một yếu tố thường bị bỏ qua. AI không chỉ tiêu tốn năng lượng và phát thải carbon mà còn gây ra những tác hại môi trường cụ thể khác."
Hiện tại, các "ông lớn" công nghệ như Nvidia, Google và Meta vẫn chưa có bình luận về vấn đề này.
Trong Báo cáo Bền vững năm 2024, Nvidia đã thông báo về những nỗ lực giảm thiểu khí thải từ trung tâm dữ liệu và tái chế thiết bị cũ mà nhân viên đang sử dụng.
Trước đó, vào tháng 7, Google đã thừa nhận rằng lượng khí thải carbon từ các hoạt động của họ đã tăng 48% kể từ năm 2019. 2 tháng sau, Microsoft cũng công bố lượng khí thải tăng 29% kể từ năm 2020, đe dọa đến mục tiêu giảm phát thải carbon xuống mức âm vào năm 2030 của công ty.
Theo Washington Post, sự phát triển của các trung tâm dữ liệu trong thời kỳ AI đang tạo áp lực lớn lên lưới điện tại Mỹ. Một số địa phương đã phải tái khởi động các nhà máy nhiệt điện sử dụng than hoặc lò phản ứng hạt nhân cũ để đáp ứng nhu cầu năng lượng, các hành động này có thể gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn còn rất ít nghiên cứu về lượng rác thải điện tử tiềm năng mà sự bùng nổ của AI có thể tạo ra.
Bà Sasha Luccioni, nhà nghiên cứu về tác động của AI tới môi trường, cho biết: "Thông tin về tác động của AI đối với rác thải điện tử, cả ở cấp độ thượng tầng lẫn hạ tầng, vẫn rất hạn chế. Chúng ta cần xem xét toàn bộ chu kỳ".
Bà nhấn mạnh rằng các công ty hiện chủ yếu tìm cách gia tăng sức mạnh tính toán để cạnh tranh, điều này dẫn đến việc thay thế chip AI nhanh hơn, ngay cả khi chúng vẫn còn hoạt động hoặc có thể sửa chữa được. "Mọi người chỉ chạy theo quan niệm 'mới hơn là tốt hơn' và 'nhanh hơn là tốt hơn', đây là kiểu tư duy bầy đàn," bà Luccioni nói thêm.
Mặc dù một số nhà đầu tư tại Phố Wall và Thung lũng Silicon cảnh báo rằng AI có thể khó tạo ra lợi nhuận đủ để bù đắp chi phí phần cứng khổng lồ, các nhà phát triển AI hàng đầu vẫn muốn tiếp tục đầu tư mạnh tay.
Microsoft cho biết chi tiêu hàng quý của họ cho trung tâm dữ liệu là 14 tỷ USD và sẽ tiếp tục tăng. Vào tháng 9, CEO OpenAI Sam Altman đã trình bày với Nhà Trắng phân tích cho rằng xây dựng nhiều trung tâm dữ liệu trên toàn quốc, mỗi trung tâm trị giá 100 tỷ USD, có thể tạo ra việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo một nghiên cứu của Liên Hợp Quốc vào năm 2019, thế giới đã tạo ra 53,6 triệu tấn chất thải điện tử, nhưng chỉ có 17,4% trong số đó được tái chế. Phần lớn rác thải này được chuyển đến các nước đang phát triển, nơi mà việc tháo gỡ linh kiện hoặc thu hồi kim loại trở thành một nghề kiếm sống.
Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo rằng rác thải điện tử có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, đặc biệt là trẻ em, người già và những người có bệnh lý nền, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như ung thư và bệnh tim mạch.
Theo Washington Post
>> ChatGPT tích hợp tìm kiếm, sẵn sàng ‘tuyên chiến’ với Google và Microsoft
Israel bị tố phá cơ sở LHQ ở Bờ Tây, Ai Cập bác tin hỗ trợ cho Tel Aviv
Doanh thu của Microsoft vượt kỳ vọng, nhưng "gánh nặng" AI gây lo ngại