Công an cảnh báo chiêu thức lừa đảo kêu gọi đầu tư chứng khoán, tiền ảo thu lợi cao
Mới đây, Công an TP. Thủ Đức (HCM) vừa phát đi thông tin cảnh báo, nhiều người dân bị các đối tượng tội phạm lừa đảo theo nhiều hình thức tinh vi.
Mới đây, Công an TP. Thủ Đức (HCM) vừa phát đi thông tin cảnh báo, nhiều người dân bị các đối tượng tội phạm lừa đảo đầu tư chứng khoán quốc tế, tiền ảo, tiền kỹ thuật số nhằm chiếm đoạt tài sản với các chiêu thức, thủ đoạn hết sức khó tin.
Theo đó, các đối tượng dùng thủ đoạn tổ chức sự kiện như: hội nghị, hội thảo… lồng ghép giới thiệu quảng cáo lừa đảo đầu tư chứng khoán quốc tế, tiền ảo, tiền kỹ thuật số. Nhóm đối tượng này đưa ra mức lợi nhuận vượt trội so với thị trường và dễ dàng rút vốn, lãi để lôi kéo người dân, nhà đầu tư.
Đồng thời, các đối tượng không cung cấp đầy đủ thông tin về công ty, giấy phép hoạt động, mã số thuế, lịch sử giao dịch, nhân sự quản lý, không được kiểm soát từ cơ quan Nhà nước. Chúng yêu cầu người dân, nhà đầu tư chuyển khoản tiền trước khi bắt đầu giao dịch; thường là dưới hình thức phí đăng ký, phí tham gia hoặc tiền ký quỹ.
Hội nhóm lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo (Ảnh: Công an Thành phố Thủ Đức) |
Khi thấy người dân, nhà đầu tư không còn khả năng chuyển tiền, các đối tượng vô hiệu hóa tài khoản, chặn liên lạc nhằm chiếm đoạt số tiền mà nạn nhân đã chuyển khoản…
Do đó, Công an khuyến cáo người dân cần thận trọng khi được giới thiệu mời chào đầu tư chứng khoán quốc tế, tiền ảo, tiền kỹ thuật số; nhất là khi bản thân không có kiến thức về lĩnh vực tài chính, chứng khoán. Bên cạnh đó, người dân và nhà đầu tư nên tìm tư vấn từ chuyên gia, luật sư trước khi đầu tư nhằm tránh mất tiền từ các sàn đầu tư, công ty lừa đảo.
Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), dưới đây là một số dấu hiệu nhận biết lừa đảo:
(1) Lời hứa quá cao: Sàn đầu tư lừa đảo thường hứa lợi nhuận vượt trội, không thể tin được và quá cao so với thị trường thực tế.
(2) Thiếu thông tin minh bạch: Sàn không cung cấp đầy đủ thông tin về công ty, giấy phép hoạt động, lịch sử giao dịch và nhân sự quản lý.
(3) Yêu cầu chuyển tiền trước: Sàn yêu cầu người tham gia chuyển khoản tiền trước khi bắt đầu giao dịch, thường là dưới hình thức phí đăng ký, phí tham gia hoặc tiền ký quỹ.
(4) Thiếu sự kiểm soát và giám sát: Sàn không có sự kiểm soát từ các cơ quan quản lý hoặc không được cấp phép hoạt động đúng quy định.
>> VIB bất ngờ hạ tỷ lệ room ngoại xuống mức 4,99%, điều gì sẽ xảy ra?
Sẽ xóa sổ nạn lừa đảo ngân hàng?
Khẩn cấp: Tìm người bị hại trong vụ án lừa đảo 200 tỷ đồng tại Công ty Tài chính VietNamCapital