Công trình quân sự trăm năm tuổi dài 34km của Việt Nam nằm ở vị trí đắc địa, được chỉ huy xây dựng bởi ‘đệ nhất khai quốc công thần’
Đây là di tích ghi lại dấu ấn lịch sử cuộc nội chiến Trịnh – Nguyễn.
Trong lịch sử quân sự Việt Nam có một hệ thống thành lũy lợi hại, dân gian vẫn gọi là Lũy Thầy. Sở dĩ thành lũy trên vùng đất Quảng Bình có tên Lũy Thầy là do chúa Nguyễn và nhân dân xưng tụng để tỏ lòng tôn kính và ngưỡng vọng đối với Đào Duy Từ, một nhà chiến lược thiên tài giúp chúa Nguyễn xây dựng nơi này.
Đào Duy Từ sinh năm 1572, người xã Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, xứ Thanh Hoa (nay là Thanh Hóa). Ông nổi tiếng thông minh, học rộng, biết nhiều, lại có tài thao lược, từng đỗ á nguyên khoa thi Hương năm 1593, dưới đời vua Lê Thế Tông, khi đó mới 21 tuổi. Dù thi đỗ dưới thời vua Lê nhưng Đào Duy Từ lại chỉ làm quan tám năm dưới thời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Ông đã giúp họ Nguyễn xây dựng cơ đồ vững chắc, quân đội hùng mạnh, nên được coi là đệ nhất khai quốc công thần của họ Nguyễn.
Lũy Thầy hay còn gọi là Lũy Đào Duy Từ, do tướng Đào Duy Từ chỉ huy xây dựng năm 1630, hoàn thành sau 3 năm. Lũy bắt đầu từ núi Đầu Mâu (nay ở làng Lệ Kỳ, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh) và kết thúc ở cửa biển Nhật Lệ (Đồng Hới). Lũy Thầy được xây nhằm bảo về Đàng Trong (lãnh thổ Đại Việt do chúa Nguyễn đứng đầu ranh giới từ sông Giang trở vào Nam) trước sự tấn công của chúa Trịnh ở Đàng Ngoài (do Chúa Trịnh kiểm soát từ sông Gianh trở ra Bắc).
Lũy Thầy có tổng chiều dài khoảng 34km, chiều cao thành lũy thường 12m, có đoạn chỉ 3 – 6m tùy theo địa hình và dụng ý sử dụng. Bề mặt đỉnh lũy luôn rộng rãi, người hay cả voi, ngựa có thể dễ dàng đi lại trên đó. Cứ mỗi đoạn lại xây một pháo đài, đặt súng Thần công án ngự.
Tướng Đào Duy Từ đã khôn ngoan dựa vào chính địa hình đắc địa ở phía bắc Quảng Bình, một bên dựa vào dãy Trường Sơn, một bên là Biển Đông để xây dựng lũy. Lũy Thầy là một hệ thống chiến lũy liên hoàn đắp bằng đất và được chia thành những lũy nhỏ có thể kể ra như sau:
Lũy Trường Dục dài 2.500 trượng, tức khoảng 10km, chạy từ chân núi Thần Đinh dọc theo hữu ngạn sông Rào Đá (Long Đại) đến ngã ba sông Nhật Lệ, men theo bờ Nam qua các làng Xuân Dục, Cổ Hiền, Trường Dục, Quảng Xá đến vùng động cát của phá Hạc Hải. Lũy Trường Dục được đắp bằng đất sét cao 3m, chân lũy rộng 6m. Bên trong lũy có doanh trại, công sự, kho lương thực. Luỹ được xây dựng theo kiến trúc chữ Hồi, có tác dụng ngăn chặn quân Trịnh đánh phá phía Đàng Trong.
Sau đó, một lũy khác được đắp bổ sung ở vùng Động Hải (Quảng Bình), được gọi là lũy Đầu Mâu, cách lũy Trường Dục gần 20km về phía bắc. Lũy này được đắp cao khoảng 6m, cao gấp đôi lũy Trường Dục; phía ngoài lũy đóng cọc gỗ lim, phía trong đóng cọc tre, đổ đất lên 5 tầng cấp, voi và ngựa có thể đi trên thành lũy. Trên lũy cứ cách 12m đến 20m lại xây một pháo đài đặt súng thần công, cách 4m đặt 1 súng phóng đá. Chiều dài của lũy khoảng 12km từ động Ông Hồi dưới chân núi Đầu Mâu chạy men bờ Nam sông Lệ Kỳ đến cầu Dài ở phía nam Đồng Hới.
Tiếp theo, lũy Trấn Ninh cũng được xây dựng. Lũy này tiếp nối với lũy Đầu Mâu, chạy từ cầu Dài, vòng sang phía tây thành Đồng Hới, bọc lấy làng Đồng Phú, qua Hải Thành ra đến cửa sông Nhật Lệ. Phía ngoài lũy còn được đào hào vây quanh. Lũy Đầu Mâu hợp với lũy Nhật Lệ được gọi là lũy Động Hải (Đồng Hới) hay Trấn Ninh. Kiến trúc của lũy đã lợi dụng địa thế các bãi lầy và kênh rạch để ngăn các cuộc tấn công của đối phương rất hiệu quả.
Trên chiều dài khoảng 17km từ Đầu Mâu còn lại 3 cửa, trong đó có cửa vào dinh Quảng Bình, còn gọi là Quảng Bình Quan nay vẫn đứng sừng sững bên đường Quốc lộ 1A, vốn xưa là con đường Thiên Lý xuyên Việt, như chứng nhân của lịch sử của Quảng Bình suốt hàng trăm năm.
Có thể nói, ở góc độ quân sự, hệ thống Lũy Thầy đã phát huy sức mạnh tối đa. Với nhiều lớp thành đất phòng thủ liên hoàn, tổng cộng 34km kết hợp với địa thế thiên nhiên đã đứng vững qua 7 cuộc tấn công của quân chúa Trịnh.
Có lẽ trong lịch sử cổ đại nước ta, Lũy Thầy là một hệ thống thành lũy đơn giản, dễ thi công, nhưng lại phát huy tốt nhất chức năng phòng thủ. Đội quân của chúa Trịnh với nhiều binh hùng tướng mạnh cũng đã phải dừng bước trước hệ thống Lũy Thầy lợi hại.