Có những đối tượng mạo danh tín dụng tiêu dùng đưa ra mức lãi suất có thể thấp nhưng phí và tiền phạt cao.
Hôm qua (18/10) tại hội thảo “Tín dụng tiêu dùng: Kênh dẫn vốn hiệu quả với người yếu thế”, Phó Trưởng phòng Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an Đỗ Minh Phương cho hay, gần đây xuất hiện nhiều ứng dụng không rõ nguồn gốc về đơn vị chủ quản có biểu hiện hoạt động tín dụng đen.
Có những đối tượng mạo danh tín dụng tiêu dùng đưa ra mức lãi suất có thể thấp nhưng phí và tiền phạt cao, do đó, người dân cần nắm rõ để biết mức phải trả vượt quá quy định không.
Ví dụ, qua vài vụ án gần đây, trên trang web, các đối tượng thường công bố lãi suất từ 20% trở xuống nhưng khi đã vay sẽ phát sinh nhiều khoản phí tư vấn, giải ngân, phạt nợ quá hạn… rất cao, khiến lãi mẹ đẻ lãi con, có trường hợp hàng nghìn phần trăm/năm", Trung tá Đỗ Minh Phương cảnh báo.
Các ứng dụng này thường xuyên thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng. Khách hàng có thể không để ý hoặc bỏ qua các thông tin quy định ràng buộc về lãi suất, phí, tiền phạt dẫn đến mức lãi suất phải trả cao hơn nhiều lần lãi suất của ngân hàng, dẫn đến việc vay của ứng dụng sau trả lãi cho ứng dụng trước.
Bên cạnh đó, Phó Tổng giám đốc Công ty Tài chính trách nhiệm hữu hạn Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC Nguyễn Thành Phúc cho biết, thời gian qua, dù đang tích cực giúp người dân tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng chính thức, tuy nhiên hoạt động kinh doanh của Công ty nói riêng và các công ty tài chính nói chung lại bị hiểu nhầm là tín dụng đen.
Thực tế này ảnh hưởng nghiêm trọng tới công tác thu hồi nợ của công ty. Đặc biệt, khi nhiều đối tượng xấu lợi dụng sự cả tin và kiến thức tài chính hạn chế của người dân để dụ dỗ cho vay, sau đó lại xưng danh công ty tài chính để đòi nợ bằng những hành vi thiếu chuẩn mực. Điều này khiến nhiều người dân lo sợ, mất lòng tin và không dám lựa chọn vay vốn từ các công ty tài chính.
Ngoài ra, mặc dù pháp luật hiện nay đã có những quy định tương đối chặt chẽ đối với người đi vay tiền, tuy nhiên việc áp dụng vào thực tế còn thiếu sức răn đe, dẫn đến tình trạng người dân coi thường pháp luật.
Một số người vay lợi dụng điều này để cố tình trốn tránh trả nợ, thậm chí tỏ thái độ thách thức với tổ chức cho vay. “Vì vậy, cần xem xét nâng cao mức chế tài đối với các hành vi cố ý chây ì, trốn nợ.
Xem xét khả năng hình sự hóa hành vi này nếu chứng minh được dấu hiệu cố ý trốn tránh nghĩa vụ trả nợ. Đẩy mạnh phổ cập kiến thức tài chính, nâng cao hiểu biết về pháp luật cho người yếu thế, đặc biệt tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp, nông thôn…” – ông Nguyễn Thành Phúc đề nghị.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) khẳng định: Hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng được NHNN cấp phép đều tuân thủ nghiêm ngặt quy định của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tín dụng đen.
Tuy nhiên, hoạt động/thương hiệu của các công ty tài chính tiêu dùng được NHNN cấp phép lại đang bị hiểu nhầm/đánh đồng với các công ty tài chính mạo danh, không hoạt động theo Luật Các TCTD hay các quy định pháp luật ngân hàng khác (như một số công ty tư vấn tài chính, công ty đầu tư tài chính, các công ty kinh doanh dịch vụ cầm đồ, các công ty Fintech cho vay online, các ứng dụng (app) cho vay... không phải do NHNN cấp phép, không phải là TCTD) - những công ty này tự đặt tên mập mờ là "công ty tài chính" và cũng thực hiện hoạt động cho vay, dễ gây hiểu nhầm như công ty tài chính do NHNN cấp phép.
Dưới góc độ công ty tài chính, ông Nguyễn Thành Phúc, Phó Tổng Giám đốc Công ty tài chính FE CREDIT cũng cho biết, hiện tín dụng đen nở rộ bằng nhiều hình thức tinh vi, đặc biệt hoạt động dưới vỏ bọc các công ty công nghệ, phát triển các app cho vay.
Thậm chí, nhiều khách hàng muốn vay các công ty tài chính chính thống qua app nhưng không thể phân biệt và lựa chọn được app cho vay uy tín. Với việc hoạt động dưới dạng Fintech nên rất khó để quản lý, kiểm soát các app này.
Điều này cũng gây khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động bán hàng của công ty tài chính. Về mặt dài hạn, có thể dẫn đến những biến tướng khó lường, tạo kẽ hở cho tín dụng đen phát triển.
Tại Hội thảo, các đại diện của một số vụ, cục NHNN, chuyên gia, luật sư, công ty tài chính và một số khách mời cũng thảo luận, làm rõ thêm sự khác biệt trong hoạt động cho vay/thu hồi nợ của công ty tài chính tiêu dùng được NHNN cấp phép và các công ty tài chính khác.
Tỷ giá USD/VND đối mặt với nhiều sóng gió, tiền đồng "rớt" giá gần 7%
Công an Bình Dương khởi tố 133 đối tượng hoạt động 'tín dụng đen'
Nhóm cho vay lãi ‘cắt cổ’ hơn 912,5%/năm ép nạn nhân viết giấy nợ 5 tỷ đồng