Công viên lớn nhất TP. HCM, rộng gấp 27 lần Thảo Cầm Viên 20 năm không một bóng người
Dự án siêu công viên 500 triệu USD được khởi động từ năm 2004 và hiện nay vẫn đang bỏ hoang.
Công viên Sài Gòn Safari là dự án “siêu công viên” cách trung tâm khoảng 50km là dự án công viên lớn nhất của thành phố. Dự án có quy mô hơn 456ha (4,56km2, bằng 3/5 diện tích quận 1).
Tổng mức đầu tư khoảng 500 triệu USD, được đánh giá là công viên khu du lịch sinh thái lớn bậc nhất Việt Nam, tầm cỡ khu vực Đông Nam Á.
Công viên Sài Gòn Safari nằm trên 2 xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi (gấp 27,2 lần diện tích Thảo Cầm Viên) hiện tại. Dự án bao gồm các khu chức năng như Khu thả thú bán hoang dã; Khu trưng bày thú mở; các công trình dịch vụ khác...
Bản đồ quy hoạch Sài Gòn Safari. Ảnh: Bộ Xây dựng |
Thông tin từ báo Đầu tư, cuối năm 2021, UBND huyện Củ Chi đã kiến nghị UBND TP. HCM chấp thuận chủ trương cho điều chỉnh quy hoạch Khu công viên Sài Gòn Safari (Sài Gòn Safari) có quy mô 456,85ha, sang chức năng khu công nghiệp kỹ thuật cao, để tạo điều kiện cho huyện thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.
> > Huyện thuộc tỉnh sở hữu nhiều thuỷ điện nhất Việt Nam đề xuất quy hoạch thêm 15 thủy điện
Tính đến năm 2007, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đã đạt 96%. Từ đó đến nay dù chỉ còn 4% nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Trước đó vào tháng 6/2004, UBND TP. HCM ra quyết định thu hồi đất đồng thời giao Chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn và UBND huyện Củ Chi tiến hành bồi thường và tái định cư cho hơn 700 hộ dân thuộc địa bàn 2 xã của huyện Củ Chi.
Theo quy hoạch, khi hoàn thành nơi đây sẽ là khu du lịch sinh thái lớn bậc nhất cả nước đáp ứng nhu cầu hoạt động giải trí, tham quan, dịch vụ của người dân. Đồng thời, đây còn là nơi nơi trưng bày, lưu giữ, nghiên cứu, bảo tồn, nhân giống các loài động thực vật quý hiếm của Việt Nam và thế giới.
Sài Gòn Safari là công viên lớn nhất TP. HCM. Ảnh: Quỳnh Hương |
Năm 2022, tập đoàn FLC từng đề xuất đầu tư vào đây với 5 phân khu: Dịch vụ tổng hợp, resort nghỉ dưỡng và khách sạn đẳng cấp 5 sao, vườn thú mở, khu Safari, công viên vui chơi giải trí tổng hợp. Nhưng cuối cùng vẫn không có biến chuyển.
Ngày 1/3/2024, Sở Xây dựng TP. HCM cũng ban hành Quyết định số 242/QĐ-SXD-HTKT hủy bỏ Dự án trồng cây phủ xanh tại công viên Sài Gòn Safari (giai đoạn 2). Lý do hủy bỏ dự án thực hiện theo chủ trương của UBND TP. HCM.
Ghi nhận của báo Lao Động, mặc dù được khởi động từ hơn 20 năm trước nhưng dự án đến nay vẫn chưa được triển khai, trong khuôn viên vẫn là khung cảnh hoang tàn.
Dự án công viên Sài Gòn Safari hơn 20 năm vẫn là cánh đồng hoang. Ảnh: Trung Sơn |
Khu vực được quy hoạch thành công viên Sài Gòn Safari hiện đã được cắm mốc lộ giới và giăng hàng rào kẽm gai nhưng bên trong chỉ là bãi đất bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm cùng dấu tích của những căn nhà đã đập bỏ...
Khu vực này hiện nay phủ đầy cỏ, vùng đất hoang này được người dân tận dụng để chăn thả gia súc như: trâu, bò và ngỗng, đường sá đầy chất phóng uế của đàn gia súc.
Khu tái định cư vẫn chưa có một ngôi nhà nào cả, mới chi hoàn thiện các hạng mục như: hệ thống đường bộ, hạ tầng chiếu sáng và hạng mục thi công vỉa hè, trồng cây xanh.
Theo UBND huyện Củ Chi, dự án này kéo dài quá lâu, nhưng kêu gọi thu hút đầu tư rất khó, rồi tình trạng dân khiếu nại kéo dài liên quan đến công tác đền bù giải tỏa… khiến công viên chưa thể thực hiện.
Công viên rộng 13.000m2 của đại gia Hải Dương dính vi phạm về chuyển đổi mục đích sử dụng đất
TPHCM đề xuất đổi tên công viên trước Hội trường Thống Nhất, 4 quốc lộ cửa ngõ