Cụ ông dành hơn hai thập kỷ để trồng hơn 400.000 cây xanh, tạo ‘ốc đảo xanh’ giữa hoang mạc khô cằn
Nằm cách “vùng đất chết” không xa nhưng ốc đảo của cụ ông vẫn không ngừng sinh sôi và mở rộng trong suốt 20 năm qua.
Khát khao “xanh hóa” vùng hoang mạc khô cằn
Trên hoang mạc Gobi cằn cỗi của Mông Cổ, chẳng có gì ngoài mặt trời, cát và xương gia súc. Đây là nơi thường xuyên sinh ra những trận bão cát khổng lồ di chuyển khắp khu vực và tấn công nhiều thành phố.
Thế nhưng, tại khu rừng của ông Baraaduuz nằm ở vùng phía nam sa mạc, những bụi cây du cao vút trời, bên dưới là cây ăn quả xen lẫn cây hắc mai biển, mọc trên lớp đất được cải tạo suốt nhiều năm. Mặc dù cách đó vài mét, ở bên kia hàng rào thép, là "vùng đất chết", nơi không loài thực vật nào mọc được trên đất sa mạc khô cằn, thường xuyên hứng chịu hạn hán.
Ốc đảo xanh rộng 16ha của ông Baraaduuz không thể ngăn cản hoàn toàn bão cát, nhưng giúp giảm nhẹ phần nào. Theo chia sẻ của ông Baraaduuz: "Ở vùng này, không thể chỉ trồng riêng cây ăn quả và rau vì gió rất mạnh. Tôi phải trồng các loại cây khác để che chắn cho vườn rau".
Ông tới vùng đất này khai hoang từ năm 1992, với khởi đầu đầy gian nan, khi khu vườn thường xuyên hứng chịu gió và bão cát. Sau những nỗ lực không ngừng nghỉ, khát khao về một khu vườn xanh ngát giữ vùng hoang mạc khô cằn đã trở thành hiện thực.
Ông Baraaduuz chia sẻ: "Từ năm thứ hai, cây xung quanh đã đủ cao để che chắn cho rau. Những người khác nhận ra lợi ích của trồng cây và đề nghị tôi cho cây giống. Tôi cũng bắt đầu trồng nhiều cây hơn. Bây giờ, cây tôi trồng đang phát triển từ Ulaanbaatar đến các tỉnh miền đông Mông Cổ".
Ông ước tính đã trồng hơn 400.000 cây xanh trong hơn 30 năm. Chính phủ Mông Cổ cũng đang tìm cách tăng cường khả năng ứng phó với tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu bằng cách trồng thêm cây xanh.
Hướng tới mục tiêu trồng 70 triệu cây xanh
Sa mạc hóa, quá trình đất đai thoái hóa, khô cằn và mất đi độ màu mỡ, đang ảnh hưởng tới hơn 76% diện tích đất ở Mông Cổ. Biến đổi khí hậu và hoạt động của con người đều là nguyên nhân gây tình trạng này, tác động nghiêm trọng tới cuộc sống của người chăn nuôi du mục cũng như an ninh lương thực và nước của Mông Cổ.
Hồi đầu năm, Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh phát động phong trào trồng một tỷ cây xanh, trong nỗ lực đảo ngược quá trình mở rộng của hoang mạc Gobi. Mông Cổ phấn đấu hoàn thành mục tiêu này trong năm 2030, một phần trong cam kết với chương trình Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc. Chính phủ đề ra nhiều biện pháp khuyến khích người dân trồng cây, cũng như yêu cầu các công ty khai thác mỏ tham gia.
Tỉnh Omnogovi cam kết trồng 70 triệu cây xanh, đồng thời cung cấp gói hỗ trợ tài chính cho cá nhân trồng mới cây trong khu vực. Các chuyên gia của tỉnh đã quy hoạch 900.000ha đất để trồng rừng.
Theo các nhà khoa học khí hậu, ý tưởng này có giá trị rất lớn. Trong báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) công bố năm 2019, "các loài cây bản địa và loài cây chịu hạn góp phần làm giảm bão cát, ngăn chặn xói mòn do gió, góp phần giữ carbon, đồng thời cải thiện vi khí hậu, thổ nhưỡng và khả năng giữ nước".
Chính phủ Mông Cổ nhận định ngoài yếu tố môi trường, dự án cũng đóng góp tiềm năng kinh tế lớn. "Người dân có thêm thu nhập. Người làm nghề chăn nuôi gia súc có thể trồng cây ở quê hương và nhận thêm trợ cấp từ trồng cây", Bộ trưởng Môi trường và Du lịch Mông Cổ Bat-erdene Bat-Ulzii nói.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, trên thế giới, nhiều chương trình trồng cây xanh cấp quốc gia và quốc tế vấp phải nhiều vấn đề do không đưa ra quy trình phù hợp. Tại Trung Quốc, khu vực giáp phía nam biên giới Mông Cổ, chương trình Vạn Lý Trường Thành đưa ra năm 1978 nhằm mục tiêu ngăn chặn quá trình sa mạc hóa các khu vực xung quanh hoang mạc Gobi thuộc vùng lãnh thổ Trung Quốc. Tuy nhiên, sự thiếu hiểu biết về trồng cây nào, trồng ở đâu đã khiến sâu bệnh bùng phát.
Trồng cây độc canh giúp tạo độ che phủ cho rừng, nhưng không đem lại lợi ích như trồng rừng hỗn hợp, đặc biệt là các loài có khả năng loại carbon khỏi bầu khí quyển. Bên cạnh đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết trồng thêm 70 tỷ cây xanh để "phủ xanh hành tinh, chống biến đổi khí hậu và tăng lượng rừng lưu trữ carbon".
Với Mông Cổ, các dự án như thế này không phải trả giá bằng nền kinh tế carbon thấp, theo các chuyên gia. Họ cũng cho rằng Mông Cổ cần tránh vấp phải sai lầm trong quá khứ gây ảnh hưởng xấu tới sinh thái.
"Trồng cây là vấn đề quan trọng, nhưng cần suy xét thấu đáo trước khi trồng. Chúng tôi cần trồng cây chịu hạn, cây bản địa ở Gobi, để chúng có thể lớn lên mà không cần nhiều công chăm bón. Chúng tôi cũng cần ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt. Nếu không áp dụng những giải pháp này, chúng tôi sẽ lãng phí nguồn nước", Ganchudur Tsetsegmaa, chuyên gia hàng đầu về hoang mạc hóa tại Viện Hàn lâm Khoa học Mông Cổ đánh giá.
Ông Baraaduuz tuổi đã cao, sức đã yếu, khó đi lại tới ốc đảo của mình để chăm sóc cây cối. Cháu nội ông hiện phụ trách khu rừng, nơi trở thành nguồn thu nhập chính cho gia đình.
"Để tránh mắc sai lầm khi trồng cây, hãy lắng nghe người có chuyên môn. Người Mông Cổ có câu: 'Thay vì nghe nhà sư đọc kinh, hãy nghe người thông thái đã vượt qua nghịch cảnh'" cháu nội ông Baraaduuz nói.
"Nhiệt độ ở đây vào mùa đông xuống tới -30 độ C, còn mùa hè lên tới 30 độ C. Đây là hai thái cực trái ngược, một rất lạnh, một rất nóng. Nếu cây nào sinh trưởng tốt ở nơi như vậy, chứng tỏ cây ấy sống được ở bất kỳ chỗ nào", anh nói thêm. "Cách duy nhất để bảo vệ đất đai khỏi hoang mạc hóa là trồng cây. Vì vậy, nên khuyến khích mọi người trồng cây vì lợi ích bản thân họ".
>> Rừng ngập mặn hoá đá 23 triệu năm tuổi bị núi lửa chôn vùi, có nhiều cây cao tới 40m