Bất động sản

Cung đường đèo ven biển đẹp nhất Việt Nam, sở hữu hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á, chi phí đầu tư xây dựng hơn 3.000 tỷ đồng

Nguyễn Thảo 07/05/2025 00:09

Đèo Hải Vân, cung đường đèo ven biển đẹp nhất Việt Nam, không chỉ mê hoặc du khách bằng vẻ đẹp sơn thủy hữu tình mà còn là điểm nhấn chiến lược trong phát triển hạ tầng miền Trung. Với hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á, tổng vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng, nơi đây mở ra kỷ nguyên mới cho giao thông, du lịch và bất động sản khu vực.

Đèo Hải Vân, nơi được mệnh danh là “thiên hạ đệ nhất hùng quan”, không chỉ làm say đắm lòng người bởi vẻ đẹp trác tuyệt giữa non xanh nước biếc, mà còn dần khẳng định vai trò là mắt xích chiến lược trong phát triển hạ tầng và bất động sản khu vực miền Trung Việt Nam. Từ một cung đèo hiểm trở, Hải Vân ngày nay khoác lên mình diện mạo mới – vừa thơ mộng, vừa hiện đại, sẵn sàng đón đầu những làn sóng đầu tư mạnh mẽ trong tương lai.

Cung đường đèo ven biển đẹp nhất Việt Nam, sở hữu hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á, chi phí đầu tư xây dựng hơn 3.000 tỷ đồng- Ảnh 1.
Đèo Hải Vân được mệnh danh là “thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Ảnh: Internet

Nằm vắt mình giữa hai tỉnh thành giàu tiềm năng là Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế, đèo Hải Vân dài khoảng 21km, uốn lượn như dải lụa mềm mại quấn quanh những triền núi Trường Sơn hùng vĩ. Từ trên đèo phóng tầm mắt ra xa, khung cảnh biển Lăng Cô trong xanh hòa quyện với núi rừng trùng điệp tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tình, vừa kỳ vĩ, vừa nên thơ. Vào những buổi sớm mai hay chiều tà, mây trắng vờn quanh đỉnh núi tạo nên lớp sương mờ bảng lảng, khiến con đường đèo như ẩn hiện giữa cõi thực và mộng. Chính sự hài hòa giữa biển – núi – mây trời ấy đã giúp đèo Hải Vân được ca tụng là cung đường đèo ven biển đẹp nhất Việt Nam và là một trong những cung đường ven biển đẹp nhất thế giới, là điểm đến không thể bỏ lỡ với những ai mê đắm vẻ đẹp thiên nhiên nguyên sơ.

> > Chỉ 15 ngày nữa, Hà Nội sẽ cưỡng chế thu hồi đất của nhiều hộ dân để cải tạo di tích gắn với chiến công hiển hách của nghĩa quân Lam Sơn

Cung đường đèo ven biển đẹp nhất Việt Nam, sở hữu hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á, chi phí đầu tư xây dựng hơn 3.000 tỷ đồng- Ảnh 2.
Đèo Hải Vân được ca tụng là cung đường đèo ven biển đẹp nhất Việt Nam và là một trong những cung đường ven biển đẹp nhất thế giới. Ảnh: Internet

Tuy nhiên, vẻ đẹp thơ mộng ấy trong nhiều thập niên cũng đi kèm với sự hiểm trở - những khúc cua tay áo gắt, những con dốc thót tim từng là nỗi ám ảnh của lái xe trên tuyến Bắc - Nam. Chính vì vậy, công trình hầm đường bộ Hải Vân được khởi công như một bước ngoặt lịch sử để “giải phóng” cung đèo này.

Nằm sâu trong lòng dãy núi Hải Vân hùng vĩ, hầm đường bộ Hải Vân không chỉ là niềm tự hào của kỹ thuật Việt Nam mà còn là biểu tượng của khát vọng chinh phục thiên nhiên. Từ năm 2005 đến nay, đây vẫn là hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á và từng được xếp vào top 30 hầm lớn nhất thế giới vào thời điểm khánh thành.

Công trình đồ sộ này có tổng chiều dài hơn 12km, được thiết kế với tuổi thọ vĩnh cửu - một kỳ tích chưa từng có trên dải đất hình chữ S. Sau 1.600 ngày đêm vất vả trên công trường, hầm đường bộ Hải Vân chính thức khánh thành, mở ra một kỷ nguyên mới cho giao thông miền Trung. Dự án được Chính phủ khởi động từ năm 1996 và chính thức phê duyệt vào năm 1998, với tổng vốn đầu tư hơn 250 triệu USD - chủ yếu từ nguồn vay của Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) và vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước.

Cung đường đèo ven biển đẹp nhất Việt Nam, sở hữu hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á, chi phí đầu tư xây dựng hơn 3.000 tỷ đồng- Ảnh 3.
Hầm Hải Vân. Ảnh: Internet

Ngày 27/8/2000, phát lệnh khởi công, hầm Hải Vân được chia làm hai mũi thi công. Phía Nam (Đà Nẵng) do liên danh Dong Ah (Hàn Quốc) và Tổng Công ty Sông Đà đảm nhiệm; phía Bắc (Thừa Thiên Huế) do Hazama (Nhật Bản) liên kết với Cienco 6 thi công. Hầm chính dài gần 6,3km, rộng 11,9m, cao 7,5m với hai làn xe (mỗi làn 3,75m). Ngoài ra còn có lối đi bảo trì rộng 1 m và 18 điểm mở rộng để xe dừng khẩn cấp.

Tổng mức đầu tư hơn 127 triệu USD (tương đương hơn 3.000 tỷ đồng thời điểm đó), hầm Hải Vân đã xóa bỏ hiểm họa đèo núi cho tuyến Quốc lộ 1A huyết mạch Bắc - Nam. Mỗi ngày, khoảng 6.500 lượt xe lưu thông qua đây; những dịp cao điểm Lễ, Tết, con số này có thể tăng gấp đôi. Nếu như trước kia phải mất gần 1 tiếng đồng hồ vật lộn với đèo Hải Vân, thì nay hành trình rút ngắn chỉ còn 10-15 phút thông suốt trong lòng hầm.

Cung đường đèo ven biển đẹp nhất Việt Nam, sở hữu hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á, chi phí đầu tư xây dựng hơn 3.000 tỷ đồng- Ảnh 4.
Bên trong hầm Hải Vân. Ảnh: Internet

Không chỉ là tuyến đường an toàn hơn, hầm Hải Vân còn thổi luồng sinh khí mới cho kinh tế Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế, đồng thời tăng cường liên kết khu vực Đông - Tây, kết nối miền Trung, Tây Nguyên Việt Nam với các quốc gia Đông Nam Á — một bước tiến quan trọng cho hội nhập quốc tế.

Để đón đầu nhu cầu ngày càng cao, tháng 4/2016, Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt cho CTCP Đèo Cả triển khai dự án hầm Hải Vân 2, dài 6,292m, rộng 9,7m với hai làn xe. Hầm này chạy song song với Hải Vân 1 và chính thức đi vào hoạt động ngày 11/1/2021, tiếp tục khẳng định vị thế “vua hầm xuyên núi” của Việt Nam trong khu vực.

Hạ tầng giao thông qua đèo Hải Vân sau khi hoàn thiện đã mang đến những tác động tích cực sâu rộng cho kinh tế - xã hội địa phương. Tuyến kết nối Bắc – Nam được khai thông mạnh mẽ, lưu lượng hàng hóa và hành khách giữa Đà Nẵng – Huế được thúc đẩy, đồng thời tiềm năng phát triển bất động sản vùng ven cũng bùng nổ. Khu vực quanh chân đèo, đặc biệt tại Lăng Cô, Nam Ô và vịnh Đà Nẵng, đang nổi lên các dự án du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, đô thị sinh thái và khu công nghiệp logistics nhờ sự thuận tiện kết nối. Không những vậy, tuyến đường sắt xuyên đèo dài 19,8km đang được đề xuất nâng cấp, hứa hẹn gia tăng khả năng vận chuyển hàng hóa và hành khách an toàn hơn nữa.

Cung đường đèo ven biển đẹp nhất Việt Nam, sở hữu hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á, chi phí đầu tư xây dựng hơn 3.000 tỷ đồng- Ảnh 5.
Hạ tầng giao thông qua đèo Hải Vân sau khi hoàn thiện đã mang đến những tác động tích cực sâu rộng cho kinh tế - xã hội địa phương. Ảnh: Internet

Từ một cung đèo hiểm trở, đèo Hải Vân hôm nay đã và đang khẳng định vị thế như một “con rồng thức giấc” giữa miền Trung. Sự giao hòa tuyệt mỹ của thiên nhiên cùng với bước tiến thần tốc của hạ tầng chính là nền tảng vững chắc để khu vực này trở thành điểm sáng thu hút nhà đầu tư bất động sản, thúc đẩy phát triển du lịch và kinh tế địa phương trong những năm tới.

> > Sau sáp nhập, thành phố giàu nhất Việt Nam sẽ có 3 đơn vị hành chính cấp xã vượt mốc 200.000 người

Sau sáp nhập, thành phố giàu nhất Việt Nam sẽ có 3 đơn vị hành chính cấp xã vượt mốc 200.000 người

Người dân có bị thu hồi sổ đỏ khi sáp nhập tỉnh không?

Theo reatimes.vn
https://reatimes.vn/cung-duong-deo-ven-bien-dep-nhat-viet-nam-so-huu-ham-duong-bo-dai-nhat-dong-nam-a-chi-phi-dau-tu-xay-dung-hon-3000-ty-dong-202250506121606037.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Cung đường đèo ven biển đẹp nhất Việt Nam, sở hữu hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á, chi phí đầu tư xây dựng hơn 3.000 tỷ đồng
    POWERED BY ONECMS & INTECH