Cung đường Hữu nghị dài 185km do Trung Quốc hỗ trợ làm tặng Việt Nam, từng bị đánh phá ác liệt nay trở thành tuyến đường huyết mạch

04-04-2024 15:13|Hải Yến

Suốt nhiều thập kỷ trôi qua, con đường này vẫn gánh trên mình trọng trách là tuyến giao thông đường bộ cấp quốc gia.

Quốc lộ 70 còn gọi là đường Hữu Nghị 7, do Trung Quốc hỗ trợ làm tặng Việt Nam vào đầu những năm 60 của thế kỷ trước (có sự phối hợp của một số lực lượng được giao làm nhiệm vụ mở đường tại Việt Nam). Đường dài 185km chạy bên bờ tả ngạn sông Hồng từ ngã ba thị trấn Đoan Hùng (Phú Thọ) đến ngã ba Bản Phiệt (Lào Cai) nối Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ với nhau.

Tuy nhiên, ít ai biết được để con đường ngày càng rộng mở, thuận tiện hơn, từ năm 1966-1975 đã có hàng nghìn thanh niên của Lào Cai, của các tỉnh miền xuôi xung phong tham gia làm đường. Con đường khi ấy đã trở thành niềm tin, là khát vọng của các thế hệ thanh niên xung phong thời đại Hồ Chí Minh.

Quốc lộ 70

Quốc lộ 70

Xuôi theo quốc lộ 70, phóng viên báo Lào Cai đã có chuyến thăm trụ sở Hội Cựu thanh niên xung phong huyện Bảo Thắng, gặp gỡ và trò chuyện cùng bà Nông Thị Mủn, nguyên Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong huyện Bảo Thắng và bà Nguyễn Thị Thắm, Phó Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong huyện Bảo Thắng. Dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng câu chuyện về những ngày xưa cũ, những người lính già vẫn còn nhớ như in.

Để đảm bảo các tuyến đường được thông suốt, ngày 10/5/1966, Tỉnh ủy Lào Cai ban hành Chỉ thị 97 tổ chức đội thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước tập trung ở tỉnh. Nhiệm vụ của đội là đảm bảo giao thông vận tải, giải phóng cầu đường, bến phà khi có chiến tranh, lúc bình thường là đơn vị công nhân hoạt động trên các tuyến đường theo tính chất công trường. Thực hiện Chỉ thị, Huyện đoàn Bảo Thắng và Thị đoàn Lào Cai tích cực mở các cuộc tuyên truyền về cơ sở.

Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lào Cai tập II (1954 - 1975) ghi lại, tháng 7/1965, khi chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ lan rộng đến Lào Cai, tuyến đường sắt Hà Nội - Yên Bái - Lào Cai và nhiều tuyến đường huyết mạch của tỉnh, trong đó có Quốc lộ 70 bị đánh phá ác liệt, cầu cống bị tàn phá, giao thông trắc trở.

Bà Mủn chia sẻ, tại các buổi sinh hoạt đoàn, đội, nhóm hợp tác xã, cùng với câu chuyện lên đường vào Nam giải phóng đất nước, thì việc nhập ngũ vào đội quân thanh niên xung phong luôn là chủ đề “nóng”.

Bà Nông Thị Mủn (trái ảnh) và bà Nguyễn Thị Thắm ôn lại kỷ niệm những ngày là thanh niên xung phong làm đường giao thông

Bà Nông Thị Mủn (trái ảnh) và bà Nguyễn Thị Thắm ôn lại kỷ niệm những ngày là thanh niên xung phong làm đường giao thông

Được giác ngộ lý tưởng nên dù không đủ tiêu chuẩn cân nặng (quy định tuyển nữ thanh niên xung phong từ 40kg trở lên, trong khi bà chỉ nặng 36kg), nhưng đầu năm 1966, khi ấy mới 18 tuổi, bà Mủn vẫn viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Ngày 19/5/1966, đúng sinh nhật của lãnh tụ Hồ Chủ tịch kính yêu, cùng với 299 chiến sĩ khác, cô gái Tày xã Tả Phời (khi ấy thuộc huyện Bảo Thắng) khoác trên mình màu xanh áo lính trong danh sách của Tổng đội TNXP N99 - P25 tỉnh Lào Cai. Đây là nhiệm kỳ đầu tiên của thanh niên xung phong Lào Cai, kéo dài 3 năm, từ tháng 5/1966 đến tháng 8/1969.

Sau 1 tháng huấn luyện, bà cùng đồng đội được giao nhiệm vụ mở đường, nâng cấp các tuyến đường trọng yếu của tỉnh như đường Bản Xèo đi Mường Hum (Bát Xát), đường Sa Pa đi Lai Châu, Quốc lộ 70… Ngày ấy, Quốc lộ 70 đã có, nhưng là đường cấp phối nhỏ hẹp, lỗ chỗ ổ gà, có đoạn trơ đất đá. Cùng với các tiểu đội khác, tiểu đội của bà được giao nhiệm vụ nổ mìn phá đá để rải nhựa trên Quốc lộ 70 đoạn thuộc Nông trường Đản Khao, huyện Mường Khương (nay là km15, xã Bản Cầm, huyện Bảo Thắng).

Bà Mủn nói: "Làm nhiệm vụ nổ mìn rất khó khăn và nguy hiểm. Chúng tôi được tập huấn kỹ lưỡng mọi khâu và tuyệt đối không được để xảy ra sai sót. Khó nhất là việc người làm phải dựa vào kinh nghiệm quan sát thớ đá để đục đá có độ sâu 30-40cm rồi nhồi mìn. Phải xác định vị trí nhồi mìn phù hợp để tảng đá nổ tung. Thường thì một tảng đá sẽ phải tiêu tốn 2 kíp nhồi mìn".

Qua thời gian thực hiện nhiệm vụ, bà Mủn nghĩ ra cách lợi dụng 2 tảng đá gần nhau sẽ đặt mìn ở khu vực tiếp giáp của 2 tảng đá và ở đầu mỗi tảng đá. Thực hiện như vậy vẫn đảm bảo sức công phá, mà lại giảm 1/4 lượng mìn thường dùng để phá 2 tảng đá khác nhau. Sau này sáng kiến của bà Mủn được khen ở cấp tiểu đội, rồi tổng đội.

Mỗi ngày một thanh niên xung phong như bà Mủn phải vừa đập vừa xếp 2 khối đá. Nghĩ đến “núi” công việc một ngày của những cựu thanh niên xung phong hơn 60 năm trước, tôi rùng mình và thầm thán phục. Bà Mủn cười tươi: Cũng chẳng hiểu sức đâu mà làm hăng đến vậy, cứ như được trời phật phù hộ cho sức khỏe vậy. Tiểu đội có 15 người, ai cũng ra sức khai thác thật nhiều đá để rải mặt Quốc lộ 70, để việc đi lại của người dân, của các chuyến hàng lương thực, nhu yếu phẩm, vũ khí từ miền xuôi lên Lào Cai được thuận tiện hơn.

Chung tinh thần thanh niên xung phong ấy, trong 10 năm (tháng 5/1966 - 6/1975), đã có hơn 1.000 người tham gia 3 nhiệm kỳ thanh niên xung phong của Lào Cai. Nhiệm kỳ 1 từ tháng 5/1966 - 8/1969; nhiệm kỳ 2 từ tháng 8/1969 - 6/1972 và nhiệm kỳ 3 từ tháng 6/1972 - 6/1975. Đây đều là những chàng trai, cô gái tuổi 18 - 20 nghe theo tiếng gọi của Đảng, mong muốn được đóng góp công sức vào công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

Bà Nguyễn Thị Thắm kể cho cháu nghe về Quốc lộ 70 mà mình đã từng tham gia mở rộng

Bà Nguyễn Thị Thắm kể cho cháu nghe về Quốc lộ 70 mà mình đã từng tham gia mở rộng

Bà Nguyễn Thị Thắm nhớ lại: "Khi ấy, Quốc lộ 70 rộng chừng 3 m, có đoạn thắt cổ chai chưa đến 3 m. Nền đường yếu, thường xuyên bị lún sụt. Với nhiệm vụ được phân công là rải đá dăm trên mặt đường, đội của tôi phải phát quang đường, mở rộng đường, cán phẳng mặt đường và trải nhựa bằng đá dăm.

Công việc làm đường cực nhọc, ngày mát còn đỡ, chứ những ngày nóng bức quả thực rất vất vả. Cả ngày “bán mặt cho đường”, những ngày hè tháng 5, tháng 6 nắng như đổ lửa, trời không một gợn mây, đội của bà phải đốt đuốc làm từ sớm để tránh ánh nắng trưa hè. Những lúc nắng quá, mỗi người còn chặt cây cắm sát bên mình như chiếc ô để tạo bóng râm".

Vì là tuyến đường huyết mạch nên lực lượng thanh niên xung phong được phân bổ làm đường tại Quốc lộ 70 rất đông. Không chỉ có thanh niên xung phong của tỉnh Lào Cai, mà còn có thanh niên xung phong ở các tỉnh miền xuôi tham gia. Ông Nguyễn Trọng Dương, Chủ tịch Hội đồng hương Hải Phòng tỉnh Lào Cai cho biết: Năm 1964, Hải Phòng đã cử hàng trăm thanh niên xung phong cùng các tỉnh bạn thành lập Đoàn thanh niên xung phong D64 - C13. Đoàn có nhiệm vụ mở đường chiến lược Quốc lộ 70 đoạn từ Phố Ràng (Bảo Yên) lên Bắc Ngầm (Bảo Thắng)…

Những chuyến hàng vẫn ngược xuôi trên tuyến quốc lộ này cho đến ngày nay

Những chuyến hàng vẫn ngược xuôi trên tuyến quốc lộ này cho đến ngày nay

Cuộc sống ngày càng đổi thay, phát triển, đã có những tuyến đường mới nối các tỉnh bên tả ngạn sông Hồng. Nhưng trong suốt chiều dài hơn nửa thế kỷ qua, Quốc lộ 70 vẫn gánh trên mình trọng trách là tuyến giao thông đường bộ cấp quốc gia đảm bảo việc giao thông, giao thương của một vùng Tây Bắc. Đó mãi là biểu tượng cho những khát vọng dựng xây quê hương, đất nước của lớp lớp thế hệ thanh niên xung phong thời đại Hồ Chí Minh.

*Theo Báo Lào Cai

>> Những điều ít biết về con đường ‘không bao giờ già’ giữa lòng Thủ đô, do chính Bác Hồ đặt tên

Con đường giữa cánh đồng vàng ruộm ở Vũng Tàu gây sốt vì đẹp như phim hoạt hình

Con đường ngắn nhất Sài Gòn: Dài chỉ khoảng 50m, ngắn hơn cả tuyến phố ngắn nhất Thủ đô, được đặt tên theo ‘ông tổ’ ngành dệt gấm

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/cung-duong-huu-nghi-dai-185km-do-trung-quoc-ho-tro-lam-tang-viet-nam-tung-bi-danh-pha-ac-liet-nay-tro-thanh-tuyen-duong-huyet-mach-d119563.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Cung đường Hữu nghị dài 185km do Trung Quốc hỗ trợ làm tặng Việt Nam, từng bị đánh phá ác liệt nay trở thành tuyến đường huyết mạch
    POWERED BY ONECMS & INTECH