Là ông Bầu mát tay trong làng bóng đá Việt Nam, ông Đỗ Quang Hiển còn được biết đến là một đại gia với hệ sinh thái đa ngành T&T Group cùng với những định chế tài chính nghìn tỷ.
Mới đây thông tin Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank - Mã: LPB) đã ký kết hợp tác toàn diện với Học viện Bóng đá và Câu lạc bộ Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã khiến thông tin về các ông bầu làng bóng được chú ý.
Nhắc tới những ông bầu thành công trong làng bóng đá Việt không thể không kể đến ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) và ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển). Mặc dù một người làm gỗ, một người hướng kinh doanh các mặt hàng điện tử, điện lạnh tưởng chừng chẳng liên quan gì đến nhau, nhưng cuối cùng họ lại gặp nhau ở cách làm bóng đá. Tuy nhiên 2 ông bầu này lại có những vị thế kinh doanh trái ngược.
Bầu Hiển, cách làm bóng đá của ông hoàn toàn khác bầu Đức: Im lặng hơn, ôn hòa hơn, nhưng vẫn đóng góp nhiều cho bóng đá Việt Nam theo cách của riêng mình. Là một người nói ít làm nhiều, ông Đỗ Quang Hiển bắt tay vào làm bóng đá muộn hơn bầu Đức nhưng lại xây dựng được một tầm ảnh hưởng sâu, rộng từ bộ máy quản lý bóng đá đến trực tiếp các đội bóng. Trong khi bầu Đức đang nợ nần chồng chất, Tập đoàn của bầu Hiển lại đang vươn cao bay xa.
Ông Hiển sinh ngày 29/10/1962 tại Hà Nội, nhưng ông lại lớn lên ở Thái Bình. Năm 1980, ông đỗ đại học quốc gia Hà Nội với chuyên ngành vật lý và 4 năm sau, khi ra trường, ông làm cho công ty sửa chữa máy thu hình của Đài phát thanh Hà Nội.
Năm 1993, bầu Hiển bắt đầu lập nghiệp với việc lập Công ty TNHH Công nghệ và Thương mại T&T. Khi đó, công ty hướng đến việc kinh doanh các mặt hàng điện tử, điện lạnh, điện gia dụng, thiết bị văn phòng,… được nhiều hãng điện tử Nhật Bản chọn làm đại lý độc quyền.
Kinh doanh đa dạng với những định chế tài chính nghìn tỷ
Trong suốt 5 năm đầu, công việc kinh doanh của T&T lên như diều gặp gió. Khi T&T ngày càng làm ăn khấm khá, bầu Hiển nhảy vào lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Thông qua T&T, ông Hiển đang là cổ đông lớn nhất tại Ngân hàng SHB. Đây là một trong 5 nhà băng tư nhân lớn nhất Việt Nam.
Sau 30 năm phát triển, hiện vốn điều lệ tập đoàn của nhà chồng Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh đã lên tới 22.000 tỉ đồng, tổng tài sản đạt 45.000 tỉ đồng, 80.000 cán bộ nhân viên trong toàn hệ thống, hoạt động kinh doanh tại thị trường trong nước và quốc tế. T&T Group đã mở chi nhánh, văn phòng đại diện tại Mỹ, Nga, Đức và Úc.
Góp phần tạo nên sự vững mạnh cho hệ sinh thái đa ngành T&T Group không thể không nhắc đến việc tập đoàn này hiện đang sở hữu khoảng 200 công ty thành viên, trực thuộc và liên doanh liên kết, hoạt động trong 7 lĩnh vực kinh doanh cốt lõi mà T&T Group đang theo đuổi: Tài chính & Đầu tư; bất động sản; công thương; nông nghiệp, lâm nghiệp & Thủy sản; hạ tầng giao thông, cảng biển & Logistic; năng lượng và môi trường; Y tế, Giáo dục và Thể thao.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (mã SHB) - một trong 5 nhà băng tư nhân lớn nhất Việt Nam là thành viên thuộc T&T Group.
Theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2023 của SHB, Chủ tịch Đỗ Quang Hiển và 2 thiếu gia là Đỗ Quang Vinh và Đỗ Vinh Quang đang nắm giữ lượng cổ phần đáng kể của nhà băng này. Cụ thể, Chủ tịch Đỗ Quang Hiển đang trực tiếp nắm giữ hơn 84,35 triệu cổ phiếu SHB; Phó chủ tịch Đỗ Quang Vinh nắm giữ 796.375 cổ phiếu và người con thứ Đỗ Vinh Quang - Phó chủ tịch 9X của Tập đoàn T&T Group (T&T Group) trực tiếp nắm giữ gần 91 triệu cổ phiếu SHB, con dâu ông Hiển – hoa hậu Đỗ Mỹ Linh nắm giữ 6.371 cổ phiếu SHB. Tổng cộng, gia đình bầu Hiển đang trực tiếp nắm giữ hơn 176 triệu cổ phiếu SHB với giá thị trường xấp xỉ 1.900 tỷ đồng.
Cùng với đó, CTCP Tập đoàn T&T và CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), những doanh nghiệp liên quan đến bầu Hiển và hai thiếu gia cũng đang là cổ đông của SHB khi lần lượt nắm giữ 306,68 triệu cổ phiếu và 41,41 triệu cổ phiếu. Tính theo giá thị trường, khối tài sản CTCP Tập đoàn T&T đầu tư vào SHB có giá trị gần 3.300 tỷ đồng. Trong khi đó, khoản đầu tư của chứng khoán SHS vào ngân hàng này có giá trị gần 500 tỷ đồng.
Hiện Ngân hàng SHB có vốn điều lệ gần 36.200 tỷ đồng đồng và quy mô tài sản gần 600.000 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2023, SHB thu về gần 6.900 tỷ đồng lãi sau thuế.
Không chỉ chú trọng vào phát triển kinh tế, SHB còn chú trọng vào văn hóa nội bộ khi mới đây, nhân dịp kỉ niệm 30 năm thành lập, nhà băng này đã Tổ chức Chuỗi chương trình kỷ niệm 30 năm thành lập SHB “Từ Tâm vươn Tầm” với nhiều chương trình hoạt động. Ông Đỗ Quang Vin, Phó chủ tịch HĐQT cho biết "Với SHB, con người là yếu tố quan trọng nhất, quyết định đến sự thành công của ngân hàng, đặc biệt, trong giai đoạn SHB đang bứt tốc, chuyển đổi mạnh mẽ và toàn diện, nguồn nhân lực trẻ sẽ là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đưa SHB tiến xa hơn trong tương lai. Do đó, chúng tôi không ngần ngại, đầu tư những sân chơi, không gian phù hợp để cán bộ nhân viên tìm thấy sự gắn kết bền chặt với đồng nghiệp và với SHB. Bên cạnh đó, các chương trình nội bộ, còn là dịp để các cán bộ nhân viên SHB có cơ hội được giải tỏa căng thẳng, từ đó, có thể nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động, cũng như gia tăng chỉ số hạnh phúc. Người lao động hạnh phúc, gắn bó lâu dài với ngân hàng, SHB sẽ phát triển bền vững”.
T&T của bầu Hiển hiện cũng nắm đa số vốn tại 2 định chế tài chính nghìn tỷ là Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) và Tổng công ty Bảo hiểm Sài gòn - Hà Nội (BSH). Bên cạnh đó Tập đoàn này cũng đầu tư vào nhiều doanh nghiệp nổi bật như: CTCP Cảng Quảng Ninh (mã CQN), Tổng công ty lâm nghiệp Việt Nam (mã VIF), Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2, VSF), Tổng công ty rau quả nông sản Vegetexco, Công ty điện cơ Thống Nhất, Công ty thể thao Hà Nội T&T, Bất động sản T&T Homes, Siêu cảng Logitics ICD Vĩnh Phúc,…
Loạt dự án “khủng” trên khắp cả nước
T&T Group nơi doanh nhân trẻ Đỗ Vinh Quang đang làm việc kinh doanh nhiều lĩnh vực. Tập đoàn này được xem như một trong những “sếu đầu đàn” của Việt Nam bởi hầu hết các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế đều thấy bóng dáng của T&T Group.
Cụ thể trong ngành năng lượng, ít ai qua mặt được T&T Group. Ngoài 5 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 345 MWp đã được đưa vào vận hành từ năm 2020 (năm mà các doanh nghiệp Việt Nam và thế giới “điêu đứng” vì đại dịch Covid-19), thì hiện nay T&T Group đang phát triển 5 dự án điện gió trên bờ tại các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Sóc Trăng và Gia Lai với tổng công suất gần 550 MWp.
Trong những năm gần đây, T&T đã bắt tay với hàng loạt tập đoàn hàng đầu thế giới như Orsted (Đan Mạch), Total (Pháp), Hanwha (Hàn Quốc)… để đẩy mạnh đầu tư các dự án năng lượng có quy mô hàng trăm triệu đến cả tỷ USD tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, T&T Group còn đầu tư phát triển Trung tâm điện khí LNG tại Quảng Trị. Đầu năm 2022, giai đoạn 1 của dự án với công suất 1.500 MW, tổng vốn đầu tư khoảng 2,32 tỉ USD đã được khởi công.
Tháng 11/2021, Standard Chartered - định chế tài chính quốc tế hàng đầu có trụ sở chính tại Vương quốc Anh tuyên bố sẽ tài trợ 8 tỉ USD nhằm hỗ trợ các dự án phát triển bền vững của Việt Nam. Trong đó, Standard Chartered cam kết sẽ dành tới 6 tỉ USD (tương đương 75%) để tài trợ cho các dự án xanh của T&T Group.
“Siêu cảng” ICD Vĩnh Phúc có tổng vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD, được kỳ vọng trở thành “cánh tay nối dài” thúc đẩy ngành logistics Việt Nam vươn tầm thế giới |
Trong lĩnh vực logistics, T&T Group hiện đang sở hữu “siêu cảng” có tổng vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD – Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc.
Về bất động sản, T&T đa dạng về loại hình, từ căn hộ, nhà ở thương mại, khu đô thị, khách sạn,… cho đến các dự án công nghiệp hay nông nghiệp như T&T Millennia City quy mô 267 ha tại Long An, dự án Khu công nghiệp Vàm Cống 193 ha tại An Giang, dự án Khu du lịch dịch vụ Gio Hải tại Quảng Trị, dự án Đô thị sân golf Văn Lang Empire 168 ha tại Tam Nông, Phú Thọ…
Rạng ngời tài sắc "nam thanh - nữ tú” SHB trong vòng chung kết SHB Icon
Bầu Hiển tham vọng gì sau thương vụ T&T Group đầu tư vào Vietravel Airlines?
'Bước đi bạc tỷ' của Bầu Hiển: Tập đoàn T&T lấn sân sang thị trường hàng không