Tài chính Ngân hàng

Cuộc đua tín dụng 2025: Ngân hàng yếu vốn sẽ bị bỏ lại phía sau?

Trường Thanh 14/04/2025 18:48

Ngân hàng nào sẽ được “mở cửa” tăng trưởng tín dụng trong thời đại không còn room? Khi NHNN dần rút lui khỏi cơ chế phân bổ hành chính, hệ số CAR đang nổi lên như “tấm hộ chiếu quyền lực” quyết định ai được quyền dẫn đầu, ai phải nhường chỗ.

Năm 2025, thị trường tín dụng Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn hậu phân bổ room. Trong mô hình điều hành mới, tín dụng không còn được cấp phát như một hạn ngạch hành chính, mà trở thành một ngưỡng “được phép mở rộng” có điều kiện, tùy thuộc vào năng lực vốn, chất lượng quản trị rủi ro và năng lực công nghệ của từng ngân hàng.

Đây là bước ngoặt chính sách quan trọng, đánh dấu xu hướng thị trường hóa sâu sắc hơn trong phân bổ tín dụng. Trong bối cảnh đó, hệ số an toàn vốn (Capital Adequacy Ratio – CAR) nổi lên như yếu tố then chốt giúp ngân hàng không chỉ trụ vững mà còn tăng tốc bứt phá.

CAR cao mở khóa tín dụng

Theo báo cáo “Tổng quan ngành ngân hàng 2024” của Công ty Cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBank Securities), “các ngân hàng có hệ số an toàn vốn cao sẽ ở vị thế thuận lợi nhất khi NHNN từng bước chuyển sang một giai đoạn mới – không còn áp dụng hạn mức tăng trưởng tín dụng”. Trong cơ chế này, hạn mức tín dụng đầu năm chỉ mang tính định hướng. Để có thể tăng trưởng vượt trội, ngân hàng cần chứng minh năng lực tài chính thực chất, trong đó CAR là chỉ tiêu cốt lõi.

Tại thời điểm cuối năm 2024, nhóm ngân hàng quốc doanh gồm BIDV, Vietcombank và VietinBank có CAR bình quân là 10,3%. Trong khi đó, nhóm ngân hàng tư nhân lớn như MBB, TCB và VPBank đạt CAR trung bình 13,6%, cao hơn đáng kể. Nhóm ngân hàng trung bình như VIB, HDBank và TPBank duy trì ở mức xấp xỉ 13%. Đây là sự chênh lệch có ý nghĩa, đặc biệt trong bối cảnh Basel III yêu cầu CAR tối thiểu 10,5% nếu bao gồm buffer vốn, còn Basel II yêu cầu 8%.

Cuộc đua tín dụng 2025: Ngân hàng yếu vốn sẽ bị bỏ lại phía sau?
Chênh lệch tăng trưởng tín dụng giữa các nhóm ngân hàng dần thu hẹp khi NHNN đổi cách phân bổ room. Nguồn: VPBank Securities.

Bên cạnh đó, VPBankS lưu ý rằng “NHNN đã thiết lập một danh mục đặc biệt dành cho các ngân hàng tham gia chuyển giao bắt buộc các ngân hàng ‘0 đồng’ – cụ thể là VPB, HDB, MBB và VCB – được tận dụng mức TTTD vượt trội”. Chính sách này vừa là ưu đãi chiến lược vừa là phép thử nội lực tài chính, tạo nên sự phân tầng trong hệ thống theo tiêu chí vốn và cam kết cải tổ.

Dự phòng vững, lá chắn trước IFRS 9

Tín dụng mở rộng đi kèm với rủi ro, và chỉ những ngân hàng có khả năng hấp thụ rủi ro tốt mới đủ sức tăng trưởng bền vững. Trong bối cảnh chuẩn mực kế toán quốc tế IFRS 9 chính thức áp dụng, khả năng trích lập dự phòng ngược chu kỳ đang trở thành một thước đo mới của năng lực quản trị rủi ro.

Theo VPBankS, “VCB và BID là hai ngân hàng có mức trích lập dự phòng tốt nhất, với lịch sử chủ động trích lập ngược chu kỳ”. Cụ thể, Vietcombank có tỷ lệ dự phòng 2,15%, VietinBank là 2,13%, và BIDV là 1,89% – đều vượt mức trung bình hệ thống là 1,8%.

Cuộc đua tín dụng 2025: Ngân hàng yếu vốn sẽ bị bỏ lại phía sau?
VPB và TCB dẫn đầu tăng trưởng tín dụng nhưng VCB, BID mới là “tường thành” dự phòng. Nguồn: VPBank Securities.

Khảo sát của NHNN vào tháng 7/2024 cho thấy “6 trong số 8 ngân hàng được khảo sát báo cáo rằng trích lập dự phòng theo IFRS tăng từ 23% đến 100% so với VAS”. Điều này đặt ra sức ép đáng kể lên những ngân hàng chưa có bộ đệm dự phòng vững chắc. VPBankS đề xuất cách tiếp cận hợp lý là “xếp hạng các ngân hàng trọng điểm dựa trên tỷ lệ tổng dự phòng so với tổng dư nợ gộp, và làm nổi bật các ngân hàng có tỷ lệ cao cũng như có lịch sử trích lập dự phòng ngược chu kỳ”.

Từ đó, có thể thấy những ngân hàng quốc doanh và nhóm tư nhân dẫn đầu như VPBank (1,80%), TCB (1,28%) và MBB (1,49%) đang nổi lên như các đơn vị có năng lực chống chịu tốt nhất. Việc duy trì bộ đệm dự phòng cao không chỉ giúp bảo toàn CAR khi trích lập tăng mà còn nâng cao mức độ tin cậy tài chính trong mắt nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Công nghệ là đòn bẩy phân phối tín dụng

Bên cạnh vốn và rủi ro, năng lực công nghệ ngày càng trở thành yếu tố quyết định để các ngân hàng tăng tốc mở rộng tín dụng và gia tăng giá trị trên mỗi khách hàng. Theo VPBankS, “cả TCB và VPB đều ở vị thế thuận lợi nhất khi NHNN gỡ bỏ room tín dụng”, nhờ năng lực đầu tư công nghệ quy mô lớn ở tầng back-end. VPBank nổi bật với hệ sinh thái CAKE – ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam tự phát triển hệ thống quản lý thẻ. MBB cũng tạo dấu ấn mạnh khi triển khai thành công hệ thống core banking Temenos T24 TAFJ R23 (phiên bản Java) từ tháng 6/2024.

Cuộc đua tín dụng 2025: Ngân hàng yếu vốn sẽ bị bỏ lại phía sau?
TCB bứt phá nhờ chiến lược đầu tư công nghệ vượt trội, dẫn đầu toàn ngành. Nguồn: VPBank Securities.

Trung bình mỗi năm, TCB và VPBank đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng cho công nghệ trong giai đoạn 2023–2025. Hiệu quả đầu tư được thể hiện rõ qua chỉ số ARPAC: VPBank dẫn đầu với 136 USD/năm, TCB đạt 117 USD, VIB đạt 115 USD, vượt xa MBB với chỉ 55 USD. Điều này phản ánh khả năng khai thác sâu giá trị khách hàng thông qua mô hình ngân hàng số toàn diện và trải nghiệm người dùng vượt trội.

Không chỉ vậy, chiến lược “ngân hàng gắn kết” (engagement banking) – tích hợp toàn bộ dịch vụ tài chính trên một nền tảng duy nhất – đang giúp các ngân hàng đầu ngành vừa giữ chân khách hàng, vừa tối ưu chi phí, đặc biệt trong bối cảnh biên lãi ròng (NIM) chịu áp lực do chi phí vốn tăng. Từ đây, công nghệ không chỉ là yếu tố hỗ trợ, mà đang trở thành trụ cột chính để mở rộng tín dụng chất lượng cao.

Tín dụng phân tầng, cuộc chơi chọn lọc

Tín dụng 2025 không còn là cuộc đua đại trà. Đây là sân chơi nơi chỉ những ngân hàng hội tụ đủ ba yếu tố: CAR vượt chuẩn, bộ đệm dự phòng chủ động và công nghệ đột phá mới có thể “lên chiếu trên”. Theo VPBankS, “chiến lược đầu tư tối ưu nên tập trung vào những ngân hàng có năng lực triển khai đổi mới công nghệ tốt nhất”, thay vì chỉ nhìn vào tốc độ tăng trưởng tín dụng.

Nhóm ngân hàng gồm VPB, TCB, VCB, BID và MBB đang nổi lên là những đơn vị có khả năng định hình lại trật tự tín dụng trong giai đoạn tới. Tính đến cuối năm 2024, 11 ngân hàng trọng điểm này chiếm 54% tổng tài sản hệ thống và 32% vốn hóa thị trường chứng khoán. Tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 612 tỷ USD, tương đương 128% GDP – cho thấy vai trò dẫn dắt ngày càng rõ rệt của các ngân hàng đầu ngành.

Tóm lại, chính sách tín dụng mới không chỉ mở ra cơ hội, mà còn đặt ra yêu cầu cao hơn về năng lực thực chất. Hệ số CAR, khả năng trích lập ngược chu kỳ và hiệu quả công nghệ không chỉ là công cụ điều hành, mà đã trở thành chỉ số phân tầng hệ thống. Tín dụng 2025, vì thế, sẽ là cuộc chơi chọn lọc – và phần thưởng chỉ thuộc về những ngân hàng đủ mạnh để vượt lên bằng nội lực.

>> Ngành ngân hàng bước vào ‘cuộc đua’ Basel III: Vì sao tăng vốn lại cấp bách đến vậy?

Ngân hàng nào có cơ hội nhận room tín dụng cao nhất năm 2025?

Lộ trình bỏ room tín dụng: Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát thị trường bằng cách nào?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/cuoc-dua-tin-dung-2025-ngan-hang-yeu-von-se-bi-bo-lai-phia-sau-286657.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Cuộc đua tín dụng 2025: Ngân hàng yếu vốn sẽ bị bỏ lại phía sau?
    POWERED BY ONECMS & INTECH