Xã hội

Cuộc gọi từ Nam Sudan với chiến sĩ ‘mũ nồi xanh’ hai lần tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc

Minh Phát 22/12/2024 08:00

“Lá lành đùm lá rách vẫn là một nét đẹp văn hoá muôn đời của nhân dân Việt Nam. Truyền thống tốt đẹp ấy đã được mỗi người lính chúng tôi thực hiện khi tới châu Phi”.


thumb-face-min.png

Với trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã sớm tích cực tham gia giải quyết các vấn đề an ninh đang nổi lên, góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới. Trong đó, có hoạt động của Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc của Việt Nam được triển khai từ năm 2014. Tính đến tháng 10/2024, Việt Nam đã cử hơn 1.100 quân nhân tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.

Trong hành trình hơn 10 năm tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, Việt Nam không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ mà còn lan tỏa đến bạn bè quốc tế hình ảnh người chiến sĩ “mũ nồi xanh” Việt Nam trách nhiệm, thân thiện, nhân văn và yêu chuộng hòa bình, để lại dấu ấn tốt đẹp. Một trong số đó là câu chuyện về hành trình “gieo hạt hòa bình” của Thượng úy Nguyễn Sỹ Công mà chúng tôi có cơ hội được trò chuyện gần đây.

Giữa tháng 12, khi hàng triệu người đang rục rịch đón những khoảnh khắc sum vầy cận kề năm mới, tôi nhận được cuộc gọi của Thượng úy Nguyễn Sỹ Công vào lúc 2 giờ sáng (giờ Việt Nam), tức khoảng 21 giờ tối ở Bentiu, bang Unity, Nam Sudan - nơi anh và tổ công tác của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 6 đang thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (UNMISS). Câu chuyện của chúng tôi liên tục bị gián đoạn vì kết nối mạng không ổn định. Dẫu vậy, anh vẫn rất vui vẻ kể về công việc, nhiệm vụ và những kỷ niệm đặc biệt tại châu Phi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng Việt Nam giao phó.

tit-1-web.png

Thượng úy Nguyễn Sỹ Công sinh năm 1995 tại huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Vốn sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống Cách mạng nên ngay từ khi còn nhỏ, anh đã ấp ủ ước mơ được khoác lên mình bộ quân phục xanh màu áo lính. Để dần hiện thực hóa ước mơ ấy, Thượng úy Công đã lựa chọn đi theo ngành y và sau đó về công tác tại Bệnh viện Quân y 103.

Anh chia sẻ: “Khi còn là học viên ngồi trên ghế giảng đường, tôi đã được chứng kiến các thế hệ đàn anh, đàn chị, những bậc tiền bối lên đường nhận nhiệm vụ tại Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Khi ấy, tôi thực sự cảm thấy vô cùng ngưỡng mộ. Cũng chính từ đây, ước mơ về chiếc mũ nồi xanh bắt đầu nhen nhóm và trở thành động lực để bản thân tôi nỗ lực hơn mỗi ngày”.

Để có thể tham gia vào Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, Thượng úy Nguyễn Sỹ Công cùng đồng đội phải trải qua quá trình đào tạo và huấn luyện khắt khe nhằm đáp ứng những tiêu chuẩn chung của tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh. Anh kể lại: “Tôi cùng các đồng đội đã phải trải qua quá trình học tập, ôn luyện tiếng Anh, những kỳ huấn luyện, sát hạch bài bản, nghiêm khắc để có đầy đủ năng lực cũng như kiến thức chuyên môn sẵn sàng mọi thứ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ”.

q1-min.png

Bên cạnh đó, các chiến sĩ tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình còn phải đảm bảo những tiêu chí chung gồm sức khỏe, bản lĩnh, ý chí, nghị lực và nắm vững các kiến thức về quân sự, kỹ năng ngoại giao quân sự, đối ngoại quốc phòng, kiến thức về Liên Hợp Quốc cùng các kỹ năng lái xe số sàn, sinh tồn, sử dụng các thiết bị thông tin liên lạc, khả năng hoạt động độc lập trong môi trường tác chiến đa quốc gia, đa văn hóa. Đồng thời, phải thể hiện được phẩm chất đạo đức của một sứ giả thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Không chỉ vậy, từ những kiến thức được học, những y bác sĩ, quân nhân làm nhiệm vụ y tế còn phải trải qua kỳ huấn luyện khắc nghiệt từ các chuyên gia nước ngoài bao gồm quy định của Liên Hợp Quốc về quyền con người, cách cấp cứu bệnh nhân trong các trường hợp xảy ra thảm họa, Luật quốc tế, Luật giao tranh...

Tháng 4/2022, Thượng úy Nguyễn Sỹ Công lần đầu nhận nhiệm vụ, cùng đồng đội lên đường đến Nam Sudan trong đội hình Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Tại đây, đồng chí Công tham gia công tác khám chữa bệnh tại khoa Khám bệnh, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 tại căn cứ quân sự Juba Compound (TP Bentiu). Hai năm sau, anh một lần nữa lên đường làm nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 6.

“Tôi vẫn nhớ như in cảm giác khi mình là người được lựa chọn cho chuyến công tác đến Nam Sudan năm đó. Từ cảm xúc vỡ òa xen lẫn chút hồi hộp và hơn hết chính là sự tự hào khi được Đảng, Nhà nước, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng lãnh đạo chỉ huy tin tưởng, giao cho trọng trách đặc biệt” - anh Công bộc bạch.

q3-min.png
tit-2-web.png

Là quốc gia non trẻ bậc nhất thế giới, kinh tế ở Nam Sudan còn nghèo nàn, lạc hậu. Tình hình chiến sự tại đây vô cùng phức tạp khi vừa xảy ra các cuộc nội chiến giữa các phe phái trong nước, vừa có chiến tranh với những quốc gia láng giềng. Vì vậy, khó khăn là điều gần như không thể tránh khỏi đối với chàng Thượng úy quê Nghệ An nói riêng và những quân nhân Việt Nam công tác tại Nam Sudan nói chung.

Anh Nguyễn Sỹ Công kể lại: “Sự khác biệt về khí hậu là một trong những khó khăn đầu tiên mà tôi cùng các đồng đội phải vượt qua trong thời gian đầu đến Nam Sudan. Do vị trí địa lý gần với sa mạc Sahara nên thời tiết tại đây quanh năm nắng nóng. Nhất là vào mùa khô, có những thời điểm ghi nhận mức nhiệt độ kỷ lục lên tới gần 64 độ C.

Không những vậy, hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng, các dịch vụ chăm sóc y tế chưa phát triển làm cho dịch bệnh và việc thiếu thuốc men trở thành ‘chuyện bình thường’ tại quốc gia châu Phi này. Ngoài ra, mức độ phủ sóng internet tại Nam Sudan còn thấp khiến cho việc thông tin liên lạc của các chiến sĩ tại đây gặp nhiều khó khăn.

Đặc biệt, Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc là một môi trường làm việc đa văn hóa, đa dân tộc, đa tôn giáo, đòi hỏi mỗi người người quân nhân của Quân đội nhân dân Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ tại đây phải có sự tìm hiểu và thích nghi nhằm đáp ứng tốt từ yêu cầu công việc đến lối sống thường nhật”.

q2-min.png

Dẫu điều kiện công tác còn bộn bề thiếu thốn nhưng nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các nước và tổ chức quốc tế cùng tinh thần đoàn kết, quyết tâm một lòng của những người đồng chí, đồng đội đang công tác tại Phái bộ và nhất là sự cổ vũ tinh thần từ gia đình, hậu phương, Thượng úy Nguyễn Sỹ Công đã thích nghi với cuộc sống nơi đây. Nguồn động lực to lớn ấy đã giúp anh Công không chỉ hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn mà còn xây đắp trong trái tim người lính Việt Nam tình yêu đặc biệt dành cho đất nước và con người vùng đất này.

Tự hào về những công việc mà anh cùng các đồng đội của mình đã làm để giúp đỡ bà con trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại Nam Sudan, anh kể: “Truyền thống ‘lá lành đùm lá rách’ vẫn là một nét đẹp văn hóa muôn đời của nhân dân Việt Nam. Và, truyền thống tốt đẹp ấy đã được mỗi người lính chúng tôi thực hiện khi tới châu Phi.

Ngoài những lúc làm việc, tôi dành thời gian hỗ trợ người dân địa phương ở Nam Sudan trong việc trồng trọt, canh tác, chia sẻ cách chế biến thực phẩm và đặc biệt là dạy các em thiếu nhi tiếng Anh cùng một số kỹ năng sống cần thiết. Những khoảnh khắc giản dị ấy không chỉ giúp kết nối tôi với người dân mà còn mang lại niềm vui khi thấy mọi người biết thêm điều gì đó mới mẻ và có thể áp dụng vào cuộc sống hàng ngày.

img_6446.jpeg
Thượng úy Nguyễn Sỹ Công (giữa)

Mỗi lần trở về từ Việt Nam, tôi luôn chuẩn bị những món quà ý nghĩa để tặng cho bà con. Đôi khi đó là những bộ quần áo cũ vẫn còn dùng tốt, đôi lúc là những gói hạt giống được tôi lựa chọn kỹ lưỡng từ quê hương. Những món quà tuy giản dị, nhưng chứa đựng trong đó tình cảm sâu sắc và niềm hy vọng về một cuộc sống ấm no, đủ đầy hơn cho những con người nơi đây.

Cách quan tâm ân cần từ những điều đơn giản thường nhật đã lay động được trái tim của người dân địa phương, phát huy đúng tinh thần quân dân truyền thống của quân đội ta - ‘đi dân nhớ, ở dân thương’. Đây còn là cách mà tôi và đồng đội của mình lan tỏa giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế”.

q4-min.png

Khi được hỏi về mong muốn với vai trò là một quân nhân đang tham gia gìn giữ hòa bình tại Liên Hợp Quốc, anh không ngần ngại trả lời: “Đó chính là hòa bình!”.

“Để có thể góp phần dựng xây hòa bình tại Nam Sudan, bản thân tôi sẽ cống hiến hết sức mình, lan tỏa những giá trị tốt đẹp nhất cho sự nghiệp gìn giữ hòa bình tại đây cũng như trên toàn thế giới. Với vai trò là một người quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam, mang danh xưng là người Bộ đội Cụ Hồ, tôi sẽ không ngừng nỗ lực để có thể truyền tải những hình ảnh tốt đẹp nhất của con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế”, Thượng úy Nguyễn Sỹ Công nói.

>> Chàng phi công điều khiển Su-30MK2, thả đạn nhiễu mãn nhãn tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024

80 năm Quân đội Nhân dân Việt Nam: Truyền thống hào hùng, sự nghiệp vẻ vang

Tổng Bí thư: Quân đội tinh - gọn - mạnh, phát triển nghệ thuật quân sự đặc sắc

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/cuoc-goi-tu-nam-sudan-voi-chien-si-mu-noi-xanh-hai-lan-tham-gia-gin-giu-hoa-binh-lien-hop-quoc-132902.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Cuộc gọi từ Nam Sudan với chiến sĩ ‘mũ nồi xanh’ hai lần tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc
    POWERED BY ONECMS & INTECH