Cuộc ‘tỉ thí’ đặc biệt giữa Tổng thống Biden và ông Trump
Cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên trước tổng tuyển cử Mỹ 2024 giữa Tổng thống Joe Biden và đối thủ Donald Trump sẽ không giống bất kỳ sự kiện nào trong 64 năm tranh luận trên truyền hình giữa các ứng viên tổng thống.
Từ đơn vị chủ trì đến thời điểm tổ chức đặc biệt, cuộc so tài hùng biện Biden - Trump vào ngày 27/6 dự kiến sẽ phá vỡ thông lệ theo nhiều cách khác nhau. Sự kiện có thể sẽ đánh dấu cột mốc quan trọng trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay cũng như chứng minh tầm quan trọng đối với một trong hai ứng viên.
Cuộc đấu giữa đương kim tổng thống và cựu tổng thống
Theo báo The Hill, đây không phải là lần đầu tiên một tổng thống đương nhiệm đối đầu với một cựu tổng thống trong tổng tuyển cử ở Mỹ. Song, cuộc “tỉ thí” sắp tới sẽ chứng kiến hai nhân vật như vậy lần đầu “mặt đối mặt” tại sân khấu tranh luận trực tiếp, được phát sóng trên truyền hình.
Hai ứng viên đã có 2 cuộc tranh luận đáng nhớ cách đây 4 năm. Trong đó, sự kiện đầu tiên trước tổng tuyển cử năm 2020 gây ấn tượng khó quên với nhiều người khi ông Trump liên tục chen ngang và ngắt lời đối thủ Biden cũng như người điều phối chương trình Chris Wallace, khiến cựu tổng thống không được ưu ái trong những tuần cuối cùng của chiến dịch tranh cử.
Tuy nhiên, điều đó không làm ông Trump nản lòng trong cuộc tái đấu “chung kết” vào Nhà Trắng với ông Biden năm nay. Suốt nhiều tháng qua, cựu tổng thống tuyên bố muốn tranh luận với người kế nhiệm bất cứ khi nào có thể. Những người ủng hộ và các cố vấn cho ông Trump coi cuộc tranh luận sắp tới là cơ hội để 2 người từng cầm quyền ở Nhà Trắng so sánh thành tựu, đồng thời công khai quan điểm về các chính sách kinh tế và nhập cư có lợi cho họ.
Sự kiện tranh luận trên truyền hình sớm nhất lịch sử
Theo hãng tin BBC, cuộc đối đầu Biden - Trump trong tuần này sẽ là sự kiện tranh luận trên truyền hình giữa các ứng viên tổng thống sớm nhất trong lịch sử Mỹ, được tổ chức khoảng 3 tháng trước các đợt bỏ phiếu sớm cho tổng tuyển cử vào tháng 11. Kỷ lục trước đó thuộc về cuộc tranh luận diễn ra vào ngày 23/9/1976 giữa Tổng thống Cộng hòa sắp mãn nhiệm Gerald Ford và cựu Thống đốc bang Georgia Jimmy Carter của đảng Dân chủ.
Cuộc tranh luận vào cuối tháng 6 này cũng mang tới một thay đổi lớn trong mùa bầu cử tổng thống ở xứ sở cờ hoa, khi nó khiến các đại hội toàn quốc của 2 chính đảng lớn không còn là sự kiện quan trọng đầu tiên trong lịch hoạt động giai đoạn sát bỏ phiếu.
Cuộc so tài hùng biện sẽ diễn ra hơn 2 tuần trước khi các thành viên đảng Cộng hòa (GOP) của ông Trump tề tựu ở Milwaukee, bang Wisconsin để dự đại hội toàn quốc 4 năm một lần của đảng. Đại hội toàn quốc gần đây nhất của GOP diễn ra trước cuộc tranh luận đầu tiên của các ứng viên khoảng một tháng.
Đối với đảng Dân chủ của ông Biden, sự kiện được tổ chức khi còn khoảng 6 tuần nữa là đến đại hội toàn quốc của đảng. Phe Dân chủ hy vọng, cuộc tranh luận này sẽ thu hút sự chú ý của những cử tri cho đến nay vẫn thờ ơ với tổng tuyển cử, đồng thời khiến họ quan tâm đến sự cạnh tranh giữa các ứng viên sớm hơn.
Sự vắng bóng của ủy ban chuyên trách lưỡng đảng
Theo thông báo, cuộc tranh luận Biden - Trump đầu tiên năm nay sẽ bắt đầu lúc 21h giờ miền đông nước Mỹ ngày 27/6 (8h giờ Việt Nam ngày 28/6) và kéo dài 90 phút ở trường quay tại Atlanta, bang Georgia. Mọi diễn biến cùng 2 lần nghỉ giữa giờ cho hoạt động quảng cáo sẽ được phát sóng trực tiếp trên các nền tảng của CNN.
Đáng chú ý, đây là sự kiện đầu tiên kiểu này kể từ cuối những năm 1980 không phải do Ủy ban lưỡng đảng chuyên trách tranh luận của các ứng viên tổng thống (CPD) chủ trì. Điều này đồng nghĩa CNN là đơn vị tổ chức duy nhất, phụ trách hoàn toàn các hoạt động vào tối 27/6.
Hai trong số những người dẫn chương trình tin tức uy tín nhất của CNN là Jake Tapper và Dana Bash sẽ đảm nhận vai trò đồng điều phối cuộc tranh luận. Và họ sẽ có thêm công cụ để kiểm soát những gì diễn ra so với những người điều phối sự kiện trước đây. Cụ thể, theo các quy tắc mới công bố, cả hai ứng viên sẽ bị tắt micro trừ khi đến lượt họ phát biểu, một khác biệt lớn so với những năm trước. Ngoài ra, các ứng viên sẽ đứng trên sân khấu tranh luận mà không có khán giả theo dõi tại trường quay, điều chưa từng xảy ra kể từ năm 1960.
CNN chỉ giải thích đơn giản rằng các quy tắc mới nhằm "đảm bảo thời gian và một cuộc tranh luận văn minh". Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, những thay đổi có thể nhằm tránh lặp lại tình trạng náo loạn 4 năm trước, khi ông Biden và ông Trump có 2 lần so tài hùng biện trên sân khấu trước bầu cử tổng thống Mỹ 2020. Nhiều khán giả đã chỉ trích những cuộc tranh luận đó là “nảy lửa, lộn xộn và tồi tệ”.
Chiến dịch vận động tranh cử của ông Biden cũng phàn nàn về cách CPD điều hành các cuộc tranh luận năm 2020 là “lỗi thời”, chỉ tập trung vào việc tạo ra "các sự kiện hoành tráng" hơn là "những cuộc tranh luận hay". Họ đồng thời cáo buộc CPD tổ chức tranh luận quá muộn, khi người dân ở một số bang đã đi bỏ phiếu sớm, nên làm giảm tác dụng của sự kiện với cử tri.
Ngoài sự kiện do CNN chủ trì, ông Biden và ông Trump đã đồng ý tham gia cuộc tranh luận thứ 2 trên truyền hình vào ngày 10/9, do hãng thông tấn ABC tổ chức. Các cuộc “đọ sức” này phần lớn sẽ dựa trên những quy tắc cơ bản do chiến dịch tái tranh cử của đương kim tổng thống đặt ra.
Chiến dịch tái tranh cử của cựu Tổng thống Trump đã kêu gọi tổ chức nhiều cuộc tranh luận hơn và có khán giả hiện diện ở trường quay, nhưng đối thủ của ông cho đến nay vẫn từ chối đề xuất này.
Công tác chuẩn bị của hai ứng viên
Cả ông Biden và ông Trump đều tích cực chuẩn bị cho cuộc tỉ thí sắp tới, nhưng với cách thức có vẻ rất khác nhau.
Các nguồn thạo tin tiết lộ, ông Biden đã hội ý với một số cố vấn thân cận nhất, bao gồm cả cựu Chánh văn phòng Nhà Trắng Ron Klain tại Trại David, nơi nghỉ dưỡng dành cho tổng thống ở một vùng núi yên tĩnh thuộc bang Maryland. Trong quá trình chuẩn bị, chính khách Dân chủ này đã nghiên cứu các tập tài liệu, tập dượt hỏi - đáp nhằm khắc họa cuộc tổng tuyển cử năm nay là sự lựa chọn giữa hai bên đối lập.
Đài CBS đưa tin, người đóng vai ông Trump trong các cuộc tập dượt tranh luận của ông Biden là Bob Bauer, cố vấn Nhà Trắng của cựu Tổng thống Barack Obama.
Chiến dịch tranh cử của ông Biden quả quyết đương kim tổng thống sẽ tiếp tục cách tiếp cận mới, "mạnh mẽ hơn" trước ông Trump và buộc đối thủ GOP này phải chịu trách nhiệm về hồ sơ chính trị của mình. Ông Biden cũng dự kiến công kích đối thủ về các rắc rối pháp lý và tính cách cá nhân.
Ngược lại, theo chiến dịch tái tranh cử của ông Trump, cựu lãnh đạo Nhà Trắng đã tham gia vào một loạt "cuộc thảo luận chính sách không chính thức”. Tại những buổi họp này, ông đã trao đổi với các nhà lập pháp GOP, bao gồm ít nhất 2 ứng viên “phó tướng” cho mình là Thượng nghị sĩ bang Florida Marco Rubio và Thượng nghị sĩ bang Ohio JD Vance cũng như các chuyên gia chính sách, cố vấn cấp cao và các đồng minh bên ngoài về một loạt chủ đề, từ phá thai đến tội phạm.
Ông Trump cũng tập trung hơn vào các sự kiện vận động tranh cử. Tại một cuộc mít tinh ở Philadelphia, bang Pennsylvania cuối tuần trước, ông đã hỏi đám đông ủng hộ rằng mình nên tỏ ra “cứng rắn và gây khó chịu” hay “hòa nhã và điềm tĩnh” trước đối thủ trong lúc tranh luận. Ông Trump cũng mô tả đối thủ là "nhà tranh luận tồi nhất mình từng đối mặt", nhưng khẳng định không muốn đánh giá thấp chính khách này.
Ông Trump thậm chí tin bản thân sẽ gặp bất lợi, một phần vì “sẽ bị giới truyền thông đối xử bất công”.
Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024: Ông Trump đã chọn được 'phó tướng'
Ông Trump bị kết tội hình sự, cơn địa chấn với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024?