Cường quốc châu Á đưa AI vào ứng phó nhanh với siêu động đất
Hệ thống này góp phần giúp người dân có thể ứng phó với những cơn động đất khó lường.
Từ tháng 3 năm nay, Thủ đô Tokyo (Nhật Bản) đã chính thức triển khai hệ thống AI giám sát toàn thành phố. Hệ thống này được trang bị bốn camera đặt tại các vị trí chiến lược như tòa nhà chính quyền, các cây cầu gần Vịnh Tokyo. Chúng có nhiệm vụ phát hiện và cảnh báo kịp thời các sự cố như hỏa hoạn hay sập nhà trong thời gian thực, đặc biệt trong trường hợp xảy ra động đất lớn. Điều này giúp đẩy nhanh quá trình ứng phó với các tình huống khẩn cấp.
Trong vòng một năm tới, hệ thống sẽ được nâng cấp với việc bổ sung thêm hai camera mới tại tháp truyền hình Tokyo Skytree. Nhờ đó, phạm vi giám sát của hệ thống sẽ được mở rộng đáng kể, bao phủ gần như toàn bộ các phường của Tokyo và một số khu vực phía Tây thành phố.
Tuần qua, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản đã đưa ra cảnh báo nghiêm trọng về nguy cơ xảy ra siêu động đất tại rãnh Nankai. Nhật Bản là quốc gia nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương - khu vực có hoạt động địa chất mạnh mẽ nhất thế giới nên thường xuyên phải đối mặt với động đất. Tại đây, các mảng kiến tạo không ngừng va chạm và dịch chuyển, gây ra những trận động đất lớn nhỏ liên tục. Vào ngày 8/8, một trận động đất đã xảy ra ở tỉnh Miyazaki, Nhật Bản, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và gây hư hại nghiêm trọng cho nhiều ngôi nhà.
Hệ thống AI được sử dụng để ứng phó với siêu động đất hoạt động như một "bộ não điện tử", liên tục phân tích hình ảnh từ các camera để phát hiện sớm các dấu hiệu hỏa hoạn, sập nhà. Không chỉ dừng lại ở đó, AI còn có khả năng đánh giá chính xác mức độ nghiêm trọng, phạm vi ảnh hưởng của sự cố để cung cấp thông tin chi tiết cho các cơ quan chức năng nhằm đưa ra những biện pháp ứng cứu kịp thời, hiệu quả nhất. Việc ứng dụng AI vào công tác ứng phó với siêu động đất không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cho người dân mà còn khẳng định bước tiến mới trong lĩnh vực phát triển công nghệ của Nhật Bản.