Vụ Vạn Thịnh Phát, 5 triệu USD xếp đầy 3 thùng xốp hối lộ cục trưởng Ngân hàng Nhà nước.
Theo kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB cùng các đơn vị có liên quan, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã đề nghị VKSND tối cao truy tố 86 bị can.
Trong đó, bị can Đỗ Thị Nhàn – cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Ngân hàng Nhà nước bị đề nghị truy tố về tội “Nhận hối lộ”.
Kết quả điều tra xác định, cựu Cục trưởng Đỗ Thị Nhàn với tư cách là Trưởng đoàn thanh tra đã nhận hối lộ 5,2 triệu USD để bao che, bưng bít cho các sai phạm của bà Trương Mỹ Lan và Ngân hàng SCB. Việc báo cáo không trung thực của bị can này khiến Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ không có đủ thông tin, tài liệu để chỉ đạo xử lý các sai phạm của Ngân hàng SCB, ngăn chặn hành vi phạm tội của bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng SCB.
Hành vi làm trái công vụ, trái quy định pháp luật thanh tra của bị can Đỗ Thị Nhàn để giúp đỡ Trương Mỹ Lan, tạo điều kiện cho Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB thực hiện những hành vi sai phạm nối tiếp sai phạm.
Cụ thể, năm 2017, Văn phòng Chính phủ yêu cầu NHNN thanh tra SCB và phải "chuẩn bị nguồn lực đề phòng tình huống xấu xảy ra".
Bị can Nguyễn Văn Hưng khi đó là Phó Chánh thanh tra NHNN đã ký quyết định lập đoàn thanh tra Ngân hàng SCB, giao bị can Đỗ Thị Nhàn làm trưởng đoàn.
Bị can Đỗ Thị Nhàn |
Năm 2018, đoàn thanh tra xác định SCB "sai phạm tất cả các nội dung thanh tra", có nguy cơ mất vốn và cần phân loại nợ xấu (nợ trong các nhóm 3, 4, 5), trích lập dự phòng với các khoản vay với 5 dự án và 20 nhóm khách hàng.
SCB ý kiến lại, nếu phân loại nợ xấu thì "lợi nhuận ngân hàng âm rất lớn, khả năng phá sản là rất cao". Nhà băng đề nghị đoàn thanh tra "tạo điều kiện" cho xử lý khối nợ xấu.
Các bị can thuộc NHNN sau đó giúp "tẩy trắng" Ngân hàng SCB bằng cách bỏ ngoài số liệu số nợ xấu tại các dự án Mũi Đèn Đỏ, Dự án 6A và dự án Royal Gaden. Các chỉ tiêu tài chính cũng được làm đẹp, như nợ xấu từ 91 nghìn tỷ đồng được giảm xuống 53 nghìn tỷ đồng; vốn chủ sở hữu âm 19 nghìn tỷ đồng được chuyển thành dương 2.700 tỷ đồng; lỗ lũy kế từ âm 31 nghìn tỷ đồng xuống còn âm 10 nghìn tỷ đồng…
Kết luận xác định, nhóm bị can Hưng, Nhàn đáng lẽ phải báo cáo trung thực, đề xuất đưa SCB vào diện "kiểm soát đặc biệt" nhưng lại "làm mờ sai phạm", báo cáo không trung thực và đề xuất Chính phủ "tạo điều kiện cho SCB thực hiện thành công tái cơ cấu vốn".
Trong thời gian thanh tra tại SCB, bị can Đỗ Thị Nhàn đã nhận hối lộ tổng cộng 5,2 triệu USD của Trương Mỹ Lan. Lần đầu vào tháng 3/2018, người của SCB ra Hà Nội, tặng nữ Cục trưởng một túi quả Cherry kèm một túi đựng 200.000USD.
Giai đoạn cuối năm 2018, Đỗ Thị Nhàn nhận 3 thùng xốp do Trương Mỹ Lan gửi, cảm ơn "tạo điều kiện trong quá trình thanh tra" gồm 1 thùng đựng 1 triệu USD và 2 thùng đựng 2 triệu USD.
Số tiền này, Nhàn cất giấu trong phòng ngủ riêng nhà mình, sau đó mang 2,6 triệu USD đi gửi nhà họ hàng.
Sau khi vụ án được khởi tố, bị can Nhàn có liên hệ người của Ngân hàng SCB để trả lại tiền nhưng không ai đến nhận. Phía điều tra cho rằng, bà Nhàn đã phạm tội "Nhận hối lộ", còn Trương Mỹ Lan phạm tội "Đưa hối lộ".
>> Xem dòng sự kiện vụ Vạn Thịnh Phát
>> Profile 3 cựu Chủ tịch SCB bị truy tố trong vụ Vạn Thịnh Phát
Vụ Vạn Thịnh Phát: Cựu Cục trưởng thanh tra xin giảm nhẹ để về trị bệnh
Vụ Vạn Thịnh Phát: Một công ty Hàn Quốc muốn đầu tư vào các dự án bị kê biên của bà Trương Mỹ Lan