Ông Trần Quốc Tuấn (cựu giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai) bị tuyên phạt 7 năm tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngày 27/11, TAND tỉnh Đồng Nai mở phiên tòa xét xử các bị cáo Trần Quốc Tuấn (62 tuổi, cựu giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai) và Võ Khắc Hiển (cựu phó giám đốc kiêm Chánh Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai) về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Theo đó, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Trần Quốc Tuấn 7 năm tù và bị cáo Võ Khắc Hiển 3 năm tù.
HĐXX nhận định, hành vi phạm tội của các bị cáo là nghiêm trọng, xảy ra trong quá trình dài thiếu kiểm tra, giám sát đối với các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn. Khi các quỹ này có dấu hiệu vỡ nợ, các bị cáo đã không kịp thời chấn chỉnh.
Tuy nhiên, 2 bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, có nhiều thành tích trong hoạt động ngân hàng nên được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Theo cáo trạng, bị cáo Tuấn làm Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai từ năm 2014-2017.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bị cáo Tuấn không làm đúng công tác kiểm tra, giám sát; can thiệp kết quả thanh tra của đoàn thanh tra; không thực hiện thanh tra theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; chấp thuận dự kiến bầu Chủ tịch Hội đồng quản trị quỹ tín dụng nhân dân Thanh Bình khi chưa đủ điều kiện.
Bị cáo Hiển là Phó giám đốc, kiêm Chánh Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai từ năm 2014 - 2017.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bị cáo Hiển không làm đúng chức năng, nhiệm vụ trong công tác thanh tra, giám sát; không kiên quyết thanh tra các quỹ tín dụng nhân dân khi có dấu hiệu vi phạm; không thực hiện thanh tra theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; không kiên quyết xử lý vi phạm các quỹ tín dụng theo kết quả thanh tra, giám sát.
Hành vi trên của 2 bị cáo dẫn đến không kịp thời phát hiện vi phạm của các quỹ tín dụng nhân dân, để các quỹ này lập hồ sơ tín dụng giả; nâng khống hạn mức khi khách hàng vay vốn để chiếm đoạt tiền, đem tiền huy động được gửi tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng khác dưới tên các cá nhân dễ chiếm đoạt, để ngoài sổ sách tiền gửi, không đưa vào hạch toán.
Hậu quả là để các quỹ tín dụng nhân dân Thái Bình, Tân Tiến, Quảng Tiến, Dầu Giây, Thanh Bình và Gia Kiệm vỡ nợ, mất khả năng chi trả gây thiệt hại hơn 1.350 tỷ đồng.
Xe ô tô Matiz "đậu" trên mái cổng nhà gây sốt ở Đồng Nai, ông chủ tiết lộ lý do
'Khơi thông' pháp lý phân khu C4, TP. Biên Hòa, Đồng Nai, các công ty bất động sản nào hưởng lợi?