Cứu sống tài xế taxi nhập viện trong tình trạng nguy kịch vì nhồi máu cơ tim cấp
Bệnh nhân vào viện với triệu chứng đau ngực dữ dội sau xương ức, kết quả điện tâm đồ cho thấy dấu hiệu nhồi máu cơ tim cấp.
Ngày 18/12, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang thông báo về ca cứu sống thành công một bệnh nhân nam 42 tuổi, nguy kịch do nhồi máu cơ tim cấp. Sự thành công của ca bệnh đã mở ra hy vọng mới cho những trường hợp tương tự, nhờ vào kỹ thuật Hồi sinh Tim Phổi nhân tạo (ECMO), một công cụ cứu sinh tiên tiến trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu.
Chiều 27/11/2024, Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Đức Giang tiếp nhận bệnh nhân L.H.V, 42 tuổi, làm nghề lái xe taxi, với tiền sử hút thuốc lá nhiều năm. Bệnh nhân vào viện với triệu chứng đau ngực dữ dội sau xương ức, kết quả điện tâm đồ cho thấy dấu hiệu nhồi máu cơ tim cấp.
Ngay sau đó, tình trạng bệnh nhân diễn biến nghiêm trọng, mất ý thức và tím toàn thân. Monitor theo dõi hiển thị tình trạng rung thất tim. Trước tình hình cấp bách, các bác sĩ lập tức thực hiện sốc điện và cấp cứu ngừng tuần hoàn. Sau 5 phút, tim bệnh nhân đập trở lại. Tuy nhiên, bệnh nhân tiếp tục rơi vào trạng thái mất ý thức và xuất hiện rung thất liên tục.
Trước diễn biến nguy hiểm, đội ngũ bác sĩ đã hội chẩn khẩn cấp và quyết định sử dụng kỹ thuật ECMO-VA (Hồi sinh Tim Phổi nhân tạo). Trong khi ép tim và sốc điện liên tục, các bác sĩ tiến hành đặt đường dẫn vào mạch máu lớn để khởi động ECMO. Sau 90 phút thực hiện ép tim và chạy ECMO, bệnh nhân được chụp mạch vành, can thiệp lấy huyết khối và đặt hai stent vào động mạch vành phải – nguyên nhân gây ngừng tuần hoàn.
Sau khi can thiệp mạch vành, chức năng tim bệnh nhân chưa hồi phục hoàn toàn và xuất hiện nhiều cơn rối loạn nhịp tim. Bệnh nhân được duy trì chạy ECMO, đồng thời lọc máu liên tục để xử lý tình trạng toan chuyển hóa nặng và suy đa tạng. Mỗi ngày, các bác sĩ theo dõi sát sao lượng dịch và thuốc đưa vào cơ thể để đảm bảo cân đối với lượng nước tiểu thải ra.
Trong suốt thời gian điều trị, bệnh nhân được truyền tổng cộng 14 đơn vị hồng cầu khối, 6 đơn vị huyết tương tươi và 4 đơn vị tiểu cầu. Đây là lượng chế phẩm máu lớn đối với một bệnh nhân hồi sức thông thường, nhưng đã được cung ứng kịp thời nhờ sự phối hợp chặt chẽ với Khoa Huyết học của bệnh viện.
Theo TS. Trần Thị Oanh, Phó Giám đốc và Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc của Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, sau 72 giờ chạy ECMO, chức năng tim của bệnh nhân hồi phục gần như hoàn toàn, huyết động ổn định. Bệnh nhân được rút ECMO và ống nội khí quản sau đó 3 ngày, trong tình trạng tỉnh táo hoàn toàn. Sau 2 tuần hồi sức nội khoa tích cực, bệnh nhân được xuất viện vào ngày 16/12, với sức khỏe ổn định.
Nhồi máu cơ tim cấp, đặc biệt khi diễn biến đến ngừng tuần hoàn, là một biến chứng cực kỳ nguy hiểm, đòi hỏi sự can thiệp y tế nhanh chóng và chính xác. Trường hợp của bệnh nhân L.H.V là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của các kỹ thuật hồi sức cấp cứu hiện đại, như ECMO-VA kết hợp với can thiệp tim mạch và lọc máu liên tục. Đây cũng là lời nhắc nhở về vai trò quan trọng của việc phòng ngừa, nhận biết sớm các triệu chứng và kịp thời đến cơ sở y tế để được điều trị.
>> Chìm tàu Hoa Lư 02 ở vùng biển Bình Định, 14 người được cứu sống
Hơn 60 y bác sĩ cúi đầu tri ân chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 6 người khác
Người đàn ông chết não hiến tạng cứu sống 4 bệnh nhân nguy kịch