"Đặc ân" cho cổ phiếu hãng bay quốc dân

05-11-2021 10:58|Văn Văn

Chỉ ít ngày sau khi ra quyết định đưa vào diện kiểm soát và chỉ giao dịch vào phiên chiều từ ngày 3/11/2021, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) vừa cho phép cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines (HOSE: HVN) được giao dịch toàn thời gian trở lại từ ngày 5/11 nhưng dưới dạng chứng khoán bị kiểm soát.

Sau thông tin trên, cổ phiếu HVN đang tăng nhẹ 1% lên mức 24.350 đồng/cổ phiếu (lúc 10h phiên sáng 5/11).

Trước đó không lâu, Vietnam Airlines nhận được thông báo bị đưa vào diện kiểm soát và chỉ giao dịch vào phiên chiều từ ngày 3/11/2021.

Đầu tháng 4 năm nay, cổ phiếu HVN đã bị đưa vào diện cảnh báo và cắt margin vì theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020 đã kiểm toán, Vietnam Airlines có lỗ lũy kế 9.329 tỷ đồng và lỗ sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 10.927 tỷ đồng.

Tháng 9 vừa qua, Vietnam Airlines đã huy động thêm 7.961 tỷ đồng bằng cách bán hơn 796 triệu cổ phiếu HVN cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp. Dù vậy, hoạt động của ngành hàng không trong quý III thậm chí còn khó khăn hơn các quý trước đó do quy định giãn cách nghiêm ngặt, nguy cơ tiếp tục thua lỗ là rất lớn.

Trong 6 tháng đầu năm, Vietnam Airlines ghi nhận lỗ ròng 8,458 tỷ đồng đồng thời lỗ lũy kế tính tới cuối tháng 6 là 17.808 tỷ đồng - vượt vốn điều lệ thực góp. Do đó, hãng hàng không quốc gia bị chuyển vào diện kiểm soát.

Trước đó, đơn vị kiểm toán Công ty TNHH Deloitte Việt Nam đặt nghi vấn về khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines trong báo cáo soát xét bán niên. Ngoài tình trạng âm vốn chủ sở hữu và lỗ lũy kế, nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines tại ngày 30/6 đã vượt quá tài sản ngắn hạn tới 34,664 tỷ đồng, các khoản phải trả quá hạn lên tới 14.805 tỷ và lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh tiếp tục âm 724 tỷ đồng.

Theo Deloitte, khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ Việt Nam và việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng, các khoản phải trả cho các nhà cung cấp và cho thuê cũng như diễn biến của dịch COVID-19.

Nếu báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán cả năm 2021 của Vietnam Airlines vẫn cho thấy vốn chủ sở hữu là số âm, cổ phiếu HVN sẽ bị hủy niêm yết khỏi HOSE.

Được biết trong năm 2020, Chính phủ đã thông qua gói giải pháp hỗ trợ 12.000 tỷ đồng cho phép điều chỉnh chính sách khấu hao, phân bổ chi phí sửa chữa bảo dưỡng phù hợp với công suất sử dụng tài sản; giảm thuế bảo vệ môi trường, phí cất cánh, điều hành bay, phí bảo lãnh Chính phủ.

Theo đó, hãng hàng không đã ký hợp đồng tín dụng với 3 ngân hàng gồm SeABank, MSB và SHB với tổng số tiền cho vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước.

Để giải quyết khó khăn trong hoạt động kinh doanh, hãng hàng không này cũng đã triển khai nhiều giải pháp tự thân đến từ kế hoạch đàm phán với các nhà cung ứng, các đối tác cho thuê tàu bay, sửa chữa bảo dưỡng… Chi phí cắt giảm mục tiêu đạt trên 10.000 - 10.800 tỷ đồng trong năm nay.  

Thẩm tra tờ trình của Chính phủ về hỗ trợ gia hạn trả nợ khoản vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng cho Vietnam Airlines

Tập đoàn sản xuất máy bay lớn thứ 3 thế giới muốn mở rộng hợp tác với Việt Nam

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/dac-an-cho-co-phieu-hang-bay-quoc-dan-128473.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    "Đặc ân" cho cổ phiếu hãng bay quốc dân
    POWERED BY ONECMS & INTECH