Đặc khu lớn nhất Việt Nam sở hữu công trình hàng trăm nghìn tỷ, mục tiêu trở thành đô thị du lịch kinh tế biển tầm cỡ châu lục
Hàng chục năm qua, Phú Quốc đã có sự chuyển mình mạnh mẽ từ một hòn đảo ít người biết đến thành điểm đến du lịch cao cấp sở hữu hệ sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí và du lịch đẳng cấp.
Theo Nghị quyết sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã ở 34 tỉnh, thành, Việt Nam chính thức có 13 đặc khu hành chính. Đặc biệt, tỉnh An Giang có 3 đặc khu và là địa phương có nhiều đặc khu nhất cả nước.
Theo VnExpress, đặc khu Phú Quốc của tỉnh này cũng chính là đặc khu lớn nhất cả nước. Thông tin từ báo Thanh niên cũng cho biết Phú Quốc là địa phương duy nhất chuyển từ thành phố lên đặc khu.

Đặc khu Phú Quốc có diện tích hơn 575km2 và dân số 157.629 người. Nhiều năm qua, nơi đây trở thành điểm đến được du khách quốc tế yêu thích.
Được thiên nhiên ưu đãi với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, bờ biển dài và khí hậu nhiệt đới dễ chịu quanh năm, Phú Quốc được truyền thông quốc tế ví như "Hòn đảo tuyệt vời thứ 2 thế giới", chỉ sau Maldives.


Hàng chục năm qua, Phú Quốc đã có sự chuyển mình mạnh mẽ từ một hòn đảo ít người biết đến thành điểm đến du lịch cao cấp với hệ sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí và du lịch đẳng cấp. Đây cũng là nơi thu hút nhiều nhà đầu tư chiến lược lớn từ trong và ngoài nước.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, du lịch Phú Quốc phát triển mạnh mẽ, thu hút gần 4,5 triệu lượt khách, đạt 61,1% kế hoạch năm, trong đó có gần 900.000 lượt khách quốc tế, tăng 76,7% so với cùng kỳ năm trước. Tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 21.588 tỷ đồng, tăng 92,6% so với năm trước. Đặc khu này đang đẩy mạnh quảng bá là một điểm đến du lịch an toàn và thân thiện.
Đặc biệt, Phú Quốc đang "chạy nước rút" hoàn thiện nhiều công trình phục vụ sự kiện quan trọng APEC 2027 sắp diễn ra tại đây. Trong 21 dự án trọng điểm phục vụ APEC đang được triển khai, có các công trình du lịch và hạ tầng chiến lược.

Một trong những dự án nổi bật là mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, do Tập đoàn Sun Group đầu tư với tổng vốn gần 22.000 tỷ đồng. Dự án này sẽ nâng công suất sân bay lên 20 triệu hành khách/năm vào năm 2027. Sân bay mới sẽ có hai đường băng tiêu chuẩn quốc tế và một nhà ga mang thiết kế lấy cảm hứng từ hình ảnh phượng hoàng, cùng khu vực nhà ga VVIP dành cho nguyên thủ.
Phú Quốc cũng sẽ có một khu tổ hợp đa chức năng phục vụ APEC với sức chứa lên tới 15.000 người, bao gồm một Trung tâm Hội nghị và Triển lãm rộng 10.000m2, khán phòng đa năng linh hoạt và Trung tâm Báo chí Quốc tế có thể phục vụ 3.000 - 4.000 phóng viên.
Ngoài ra, để phát triển bền vững, các công trình dân sinh chất lượng cao cũng đang được đầu tư, trong đó có hai hồ chứa nước lớn nhằm cung cấp nguồn nước ổn định cho toàn khu vực. Chính phủ đã rót tới 70% vốn cho các dự án này.

Tập đoàn Sun Group còn thực hiện những dự án biểu tượng khác để tăng cường sự phát triển của đảo ngọc Phú Quốc như Aspira Tower (Tòa tháp Khát Vọng) cao 220m, nằm tại đảo Hòn Thơm. Với thiết kế độc đáo lấy cảm hứng từ cánh buồm vươn khơi, tòa tháp này được kỳ vọng sẽ là biểu tượng mới của Phú Quốc khi hoàn thành vào năm 2027. Tòa tháp này sẽ là tổ hợp nghỉ dưỡng, giải trí và thương mại xa xỉ với các tiện ích cao cấp như khách sạn 5 sao, sky-bar và bể bơi vô cực.
Ngoài ra còn có nhiều dự án khác, góp phần tạo nên diện mạo mới cho Phú Quốc và thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của đảo ngọc, đưa đặc khu này trở thành một trong những điểm đến du lịch - kinh tế biển đẳng cấp khu vực châu Á trong tương lai gần.
* Tổng hợp