'Đại bàng' Hàn Quốc Hyosung muốn rót thêm 4 tỷ USD vào Việt Nam
Hyosung là một tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc, hoạt động trong nhiều lĩnh vực như vật liệu công nghiệp, công nghệ thông tin...
Chiều ngày 14/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi tiếp ông Cho Hyun-joon, Chủ tịch Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc), trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của ông. Đây là lần thứ hai trong vòng 3 tháng qua, Thủ tướng gặp gỡ Chủ tịch Tập đoàn Hyosung nhằm thúc đẩy hơn nữa các dự án đầu tư lớn tại Việt Nam.
Theo ông Cho Hyun-joon, tập đoàn dự kiến đầu tư thêm 4 tỷ USD, tạo thêm khoảng 10.000 việc làm mới. "Việc này nhằm đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam", ông nói.
Như vậy, với số vốn 4 tỷ USD dự kiến tăng thêm, tổng số vốn nhà đầu tư này dự định rót vào Việt Nam sẽ được nâng lên 8 tỷ USD trong tương lai.
Về kế hoạch triển khai, trước mắt, Hyosung sẽ mở rộng đầu tư các dự án trong lĩnh vực: trung tâm dữ liệu, sản xuất sản phẩm vật liệu công nghiệp cao, nhà máy nhiên liệu bay sinh học bền vững, sợi carbon.
Hyosung là một tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc, hoạt động trong nhiều lĩnh vực như vật liệu công nghiệp, công nghệ thông tin, hệ thống điện công nghiệp, xây dựng, hóa chất và thương mại, với doanh thu đạt 16 tỷ USD trong năm 2023.
Tại buổi gặp gỡ, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ sự đánh giá cao đối với niềm tin, nỗ lực và quyết tâm của Hyosung trong quá trình triển khai hoạt động tại Việt Nam. Ông cũng ghi nhận những thành tựu của tập đoàn trong các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, thương mại và công nghệ thông tin, đồng thời đánh giá cao các hoạt động trách nhiệm xã hội mà Hyosung đã thực hiện.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp và làm việc với lãnh đạo tập đoàn Hyosung |
Dựa trên mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Hàn Quốc, Thủ tướng mong muốn Tập đoàn Hyosung tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và mở rộng đầu tư, hướng đến những mục tiêu cao hơn trong tương lai.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ luôn đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi để các dự án của Hyosung hoạt động hiệu quả, phát triển bền vững và sinh lợi tại Việt Nam, theo quan điểm "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng cho biết Việt Nam đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, tiến hành cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, phân cấp và phân quyền hợp lý, đồng thời đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng chiến lược theo hướng thông thoáng, quản lý hiệu quả nhằm giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh cho hàng hóa và doanh nghiệp.
>> Tỉnh nhỏ nhất Việt Nam sắp lên TP trực thuộc Trung ương: GRDP quý III đạt 4,5%