Hứa rót 1,34 tỷ USD từ 6 năm trước, các dự án tại Quảng Nam của ông lớn Hàn Quốc vẫn 'án binh bất động'
Quảng Nam kỳ vọng sẽ sớm tháo gỡ các khó khăn, thúc đẩy tiến độ đầu tư của tập đoàn Hàn Quốc này và tăng cường thu hút các dự án đầu tư trong thời gian tới.
Công ty TNHH Hyosung Quảng Nam vừa gửi văn bản kiến nghị đến UBND tỉnh Quảng Nam, yêu cầu tháo gỡ các khó khăn trong quá trình triển khai các dự án đầu tư của Tập đoàn Hyosung tại địa phương này.
Từ tháng 10/2018, Tập đoàn Hyosung đã ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) với UBND tỉnh Quảng Nam về việc đầu tư các dự án trị giá 1,34 tỷ USD trên diện tích 100ha. Sau khi được cấp giấy phép kinh doanh vào tháng 9/2018, công ty bắt đầu xây dựng nhà máy từ tháng 1/2019 và hiện đã hoạt động ổn định. Tập đoàn đã đầu tư 245 triệu USD vào sản xuất vải mành và túi khí trên diện tích 18ha, tạo việc làm cho khoảng 1.000 công nhân.
Tháng 4/2022, công ty được cấp giấy chứng nhận điều chỉnh dự án lần thứ 4, mở rộng nhà máy thêm 21ha, nâng tổng vốn đầu tư lên 410 triệu USD, và tổng diện tích nhà máy lên 34,67ha. Dự kiến, giai đoạn 3 của dự án sẽ được khởi công vào tháng 8/2022, lắp máy vào tháng 2/2023 và vận hành chính thức vào quý IV/2024.
Hiện tại, một số vấn đề đang cản trở tiến độ đầu tư của Hyosung, bao gồm sự chậm trễ trong việc báo cáo bổ sung ngành nghề thu hút đầu tư, giao đất và xây dựng giá thuê đất cụ thể tại Khu công nghiệp (KCN) Tam Thăng mở rộng. Công tác bồi thường cũng gặp nhiều khó khăn liên quan đến xử lý đất công ích (5%) và chính sách bồi thường đối với đất và tài sản của người dân canh tác nhưng không đủ điều kiện bồi thường.
Những vấn đề này đã khiến việc ký hợp đồng thuê đất và hoàn thiện các thủ tục pháp lý khác bị trì hoãn, ảnh hưởng lớn đến tiến độ đầu tư của Hyosung tại Quảng Nam.
Bên cạnh việc mở rộng dự án Nhà máy sản xuất vải mành, Hyosung cũng dự định đầu tư vào Nhà máy sản xuất nội thất với diện tích 8-10ha và tổng vốn đầu tư 110 triệu USD. Dự kiến, công ty sẽ hoàn tất các thủ tục đầu tư, xây dựng và môi trường vào quý I/2025, và khởi công xây dựng vào quý II/2025.
>> Nguyên nhân chủ đầu tư xin Quảng Nam 'xoá sổ' dự án khu phố chợ hơn 65 tỷ đồng
Để giải quyết các vướng mắc và thúc đẩy đầu tư, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Thái Bình đã chỉ đạo Ban Quản lý các Khu kinh tế và KCN tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế tỉnh, và Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng KCN Chu Lai (CIZIDCO) khẩn trương thực hiện các chỉ đạo của UBND tỉnh tại Thông báo số 208/TB-UBND ngày 2/7/2024.
Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu rà soát các kiến nghị của Hyosung để phối hợp giải quyết các vướng mắc theo thẩm quyền hoặc báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo giải quyết. Đối với dự án Nhà máy sản xuất nội thất, tỉnh Quảng Nam yêu cầu CIZIDCO bổ sung quy hoạch ngành nghề và cập nhật các ngành nghề đầu tư để trình cấp thẩm quyền.
Về vấn đề bồi thường giải phóng mặt bằng, CIZIDCO và UBND huyện Thăng Bình được giao nhiệm vụ giải quyết các vấn đề liên quan để đảm bảo tiến độ dự án. Sở Tài nguyên và Môi trường được yêu cầu phối hợp với Ban Quản lý các Khu kinh tế và KCN tỉnh để xác định và phê duyệt giá đất cụ thể tại KCN Tam Thăng mở rộng, làm cơ sở cho việc giao và cho thuê đất.
Với những chỉ đạo và giải pháp này, tỉnh Quảng Nam kỳ vọng sẽ sớm tháo gỡ các khó khăn, thúc đẩy tiến độ đầu tư của Tập đoàn Hyosung và tăng cường thu hút các dự án đầu tư trong thời gian tới.
Hyosung là một trong những tập đoàn đa quốc gia hàng đầu của Hàn Quốc, với doanh thu hàng năm trên toàn thế giới đạt hơn 8,7 tỷ USD. Tập đoàn hiện duy trì mạng lưới hơn 73 công ty con và văn phòng chi nhánh quốc tế trên toàn cầu.
Tập đoàn này đang hoạt động trong 7 nhóm gồm: Dệt may, vật liệu công nghiệp, hóa chất, hệ thống điện và công nghiệp, xây dựng, thương mại và thông tin truyền thông.
>> Quảng Nam mạnh tay chi gần 900 tỷ đồng đầu tư hạ tầng một khu công nghiệp
Bắc Ninh tiếp tục chiếm 'ngôi vương' về thu hút FDI, đón điều đặc biệt chưa từng có
Tập đoàn Thành Công 'chốt' thời gian vận hành nhà máy ô tô công suất lớn đầu tiên tại Quảng Ninh