Đại gia bất động sản sau thời đình đám: Thua lỗ, bị đình chỉ giao dịch
Nhiều đại gia bất động sản đình đám một thời, nay gặp khó khăn. Không chỉ thua lỗ, ngập trong nợ nần, không ít cổ phiếu hot cũng bị đình chỉ giao dịch.
Loạt cổ phiếu hot bị đình chỉ giao dịch
Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa ra loạt quyết định đưa các cổ phiếu nổi đình đám một thời và cũng tăng giá mạnh gần đây vào diện đình chỉ giao dịch do vi phạm các quy định về công bố thông tin.
Các mã được HOSE đưa vào danh sách "đen" đợt này gồm: Bất động sản Hải Phát (HPX) của Chủ tịch Đỗ Quý Hải, Apax Holdings của ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) và Louis Capital (TGG) từng của Đỗ Thành Nhân
Hiện, các doanh nghiệp này đều ở trong diện hạn chế và tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin, chưa nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023.
Đây là điều không ngạc nhiên đối với những người theo dõi sát hoạt động của các doanh nghiệp nói trên nhưng khá bất ngờ đối với các nhà đầu tư mua bán cổ phiếu dựa theo những con sóng lên xuống của các mã nóng trên thị trường chứng khoán.
Trong thời gian gần đây, nhiều cổ phiếu trong lĩnh vực bất động sản và tài chính (trong đó có công ty chứng khoán) tăng khá mạnh trở lại trong bối cảnh Chính phủ đã và đang nỗ lực đưa ra nhiều chính sách tác động đến kênh dẫn vốn, pháp lý và cân đối cung cầu để hỗ trợ thị trường.
Nhiều nút thắt đang được tháo gỡ quyết liệt và việc lãi suất giảm được cho là sẽ giúp rã đông thị trường bất động sản. Sự sôi động của thị trường chứng khoán, trong khi đó, giúp nhóm cổ phiếu tài chính tăng mạnh.
Chỉ trong vòng khoảng tháng rưỡi qua, cổ phiếu Hải Phát Invest (HPX) tăng vọt, gần gấp đôi, từ mức khoảng 4.000 đồng/cp lên 7.310 đồng/cp trong phiên ngày 8/9.
Cổ phiếu Apax Holdings IBC cũng tăng từ mức 1.750 đồng/cp hồi giữa tháng 7 lên 2.520 đồng/cp hôm 8/9. Hôm 5/9, IBC thậm chí ghi nhận một phiên tăng trần thêm 7%.
Cổ phiếu TGG của CTCP The Golden Group (trước là Louis Capital) đứng giá ở mốc tham chiếu 3.380 đồng/cp.
Hải Phát Invest được biết đến là một đại gia bất động sản miền Bắc, nổi lên trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều doanh nghiệp bất động sản khác, HPX rơi vào tình trạng mất thanh khoản khi thị trường địa ốc trấm lắng kéo dài và thị trường trái phiếu khủng hoảng sau sự kiện Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát.
Giống như gia đình Chủ tịch Bùi Thành Nhơn của Novaland, Chủ tịch HPX Đỗ Quý Hải đã bán giải chấp hàng chục triệu cổ phiếu HPX trong một thời gian dài, giảm tỷ lệ từ trên 40% (khoảng hơn 120 triệu cổ phiếu) xuống còn hơn 14% như hiện tại. Cổ phiếu HPX giảm từ mức trên 26.000 đồng/cp hồi cuối tháng 10/2022 có lúc xuống còn khoảng 4.000 đồng/cp.
Cơ cấu cổ đông tại Hải Phát cũng thay đổi lớn. Chỉ riêng hôm 30/11/2022, hơn 54% số lượng cổ phiếu đang lưu hành của HPX được sang tay, đổi chủ.
Apax Holdings của Shark Thủy cũng suy sụp khi từ mảng giáo dục lấn sân sang bất động sản. Trong cả năm qua, doanh nghiệp của Shark Thủy tái cấu trúc doanh nghiệp, dùng cả bằng bất động sản và các sản đồ gia dụng để gán nợ cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, giá cổ phiếu IBC vẫn về dưới mức “trà đá”, giảm hơn 10 lần trong vòng hơn một năm.
The Golden Group (TGG) cũng đã đổi tên và bổ nhiệm chủ tịch mới. Dù vậy, giá cổ phiếu vẫn ở mức rất thấp, chưa bằng mớ rau quê.
Một cú sốc nặng, doanh nghiệp lao đao
Trước đó, giới đầu tư chứng kiến nhiều cổ phiếu bị định chỉ giao dịch và đây đều là các doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn, thường gắn liền với những biến cố của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp.
Hồi đầu tháng 3/2023, cổ phiếu KLF của CTCP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS bị Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) chuyển sang diện bị đình chỉ giao dịch. Nguyên nhân do KLF chậm nộp BCTC soát xét bán niên 2022 quá 6 tháng so với thời hạn quy định.
Trên thực tế, KLF cũng giống như nhiều cổ phiếu “họ FLC” bị rơi vào tình trạng khủng hoảng sau khi lãnh đạo doanh nghiệp bị bắt.
Kể từ khi ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch FLC cùng các đồng phạm vướng lao lý, vì có liên quan đến thao túng giá chứng khoán thì các cổ phiếu trong hệ sinh thái “họ FLC”, gồm FLC, GAB, ROS, BOS, AMD, HAI, KLF… lao đao. Phần lớn các cổ phiếu “họ FLC” đã bị hủy niêm yết (AMD, GAB, FLC, ROS, HAI) và đình chỉ hoặc hạn chế giao dịch.
Với Hải Phát Invest, cú sốc về thanh khoản khi thị trường bất động sản đóng băng và thị trường trái phiếu doanh nghiệp khủng hoảng đã khiến doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn kéo dài. Sau nhiều lần trì hoãn nộp Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, ngày 5/9, Hải Phát đã công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 với nhiều thay đổi đáng chú ý. HPX đã chuyển từ lãi hơn 140 tỷ đồng sang lỗ hơn 60 tỷ đồng sau kiểm toán năm 2022.
Với các doanh nghiệp "họ Louis", tình hình cũng khá bi đát sau biến cố của ông Đỗ Thành Nhân và nhóm Louis Holdings. VKC Holdings (VKC) hồi đầu tháng 10/2022 đã tuyên bố mất khả năng thanh toán lô trái phiếu 200 tỷ đồng. Toàn bộ các thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát, ban tổng giám đốc của doanh nghiệp đã từ nhiệm trước thềm đại hội đồng cổ đông thường niên hôm 20/7/2022.
Sau khi Đỗ Thành Nhân bị bắt, các doanh nghiệp “họ Louis” hầu hết ghi nhận kết quả kinh doanh yếu kém, cổ phiếu lao dốc, trái ngược với cú dậy sóng của nhóm này vào nửa cuối năm 2021. Hoạt động mua bán sáp nhập đã biến nhiều doanh nghiệp trong hệ sinh thái Louis có các báo cáo tài chính rất đẹp.
Trên thị trường chứng khoán, trong nhiều năm qua, ghi nhận không ít trường hợp doanh nghiệp từng là ông lớn trong lĩnh vực bất động sản và tài chính gặp khó do không cân đối được dòng tiền và các khoản nợ.
Nếu như 10 năm trước đây, Hoàng Anh Gia Lai (HAG) của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) hay Quốc Cường Gia Lai (QCG), Sacomreal (SCR) gặp khó cho đến nay vẫn chưa hồi phục hoàn toàn thì gần đây, Novaland (NVL) của ông Bùi Thành Nhơn; Hải Phát Invest (HPX) của ông Đỗ Quý Hải… cũng rơi vào tình cảnh gánh nặng nợ nhiều.
Thời gian qua, Novaland có dấu hiệu hồi phục nhưng gánh nợ còn rất lớn. Theo HNX, trong nửa đầu năm 2023 Novaland có 9 mã trái phiếu đến ngày thanh toán tiền gốc với tổng giá trị gần 5.200 tỷ đồng.
Không chỉ trong lĩnh vực bất động sản, nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực xây dựng, tài chính, năng lượng… cũng khủng hoảng dòng tiền. Xây dựng Hòa Bình (HBC) do ông Lê Viết Hải làm Chủ tịch gần đây báo lợi nhuận giảm hơn 800 tỷ đồng sau kiểm toán, từ lãi thành lỗ lớn.