Một nội dung đáng chú ý tại ĐHCĐ Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) năm 2024 là thông tin xác nhận về việc Ngân hàng đã bán đấu giá thành công KCN Phong Phú liên quan khoản nợ xấu "lưu cữu" từ thời ông Trầm Bê và Ngân hàng Phương Nam.
Đây là khoản nợ phát sinh từ việc cho vay của Ngân hàng TMCP Phương Nam giai đoạn 2011 – 2012, với tài sản đảm bảo là toàn bộ lợi ích phát sinh từ quyền sử dụng đất Dự án Khu công nghiệp Phong Phú (tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh). Đến năm 2015, Ngân hàng TMCP Phương Nam sáp nhập vào Sacombank thì khoản nợ này trở thành nợ xấu mà Sacombank phải xử lý.
Trong ĐHCĐ thường niên 2024, lãnh đạo Sacombank cho biết đã đấu giá thành công khoản nợ được đảm bảo bằng quyền tài sản tại dự án khu công nghiệp Phong Phú, đã thu hồi được 20% tổng giá trị bán đầu giá thành công. Bên đấu giá sẽ thanh toán theo tiến độ hoàn thành hồ sơ pháp lý dự án, dự kiến 40% tổng số tiền sẽ được thanh toán tiếp trong năm 2024 và 40% còn lại sẽ thanh nốt trong năm 2025.
Trước đó, trong Báo cáo về Triển vọng kết quả kinh doanh năm 2024 tăng trưởng mạnh nhờ kết quả tái cấu trúc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, STB) từ CTCK Agribank (Agriseco), Agriseco cho rằng kết quả kinh doanh năm 2023 của Sacombank tăng trưởng tốt nhờ hoàn thành trích lập dự phòng.
Sacombank đã xác nhận đấu giá thành công KCN Phong Phú với giá trị trên 7.900 tỷ đồng và đang chờ nhận tiền thanh toán. Agriseco đánh giá điều này sẽ giúp Sacombank gia tăng tài sản sinh lời, tạo dư địa tăng trưởng cao trong giai đoạn tới.
>> Một ngân hàng được dự báo lãi trước thuế tăng mạnh 76%, giá cổ phiếu kỳ vọng tăng 42% |
"Khối u nhọt" nhiều năm của Sacombank
Dự án khu công nghiệp Phong Phú nằm trên địa bàn xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP. HCM, nằm liền kề khu đô thị Phú Mỹ Hưng, cách giao lộ Nguyễn Văn Linh - Quốc lộ 1A 3,7km, cách giao lộ Nguyễn Văn Linh - Quốc lộ 50 là 3km.
Dự án có quy mô 148ha, tổng vốn đầu tư 1.057 tỷ đồng. Theo phê duyệt, chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Phong Phú (PPIP).
PPIP được thành lập từ tháng 6/2001, cơ cấu cổ đông bao gồm: CTCP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCCI) sở hữu 70% vốn điều lệ; CTCP Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) sở hữu 25% và công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) sở hữu 5%.
Ở thời điểm tháng 3/2011, Công ty TNHH Bất động sản Hoa Lâm đã xin nhận chuyển nhượng 25% vốn của Sadeco để trở thành cổ đông lớn tại Khu công nghiệp Phong Phú. Sau đó, Công ty TNHH Bất động sản Hoa Lâm đã đổi tên thành Công ty TNHH Bất động sản Hoa Phát.
Trụ sở Công ty CP KCN Phong Phú (PPIP). Ảnh: Ngọc Dương/Báo Thanh Niên |
Vào tháng 3/2019, UBND TP. HCM đã giao Chánh Thanh tra thành phố tiến hành thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong việc thực hiện Dự án Khu công nghiệp Phong Phú do CTCP Khu công nghiệp Phong Phú làm chủ đầu tư.
Đến ngày 21/8/2019, Thanh tra thành phố đã có Kết luận thanh tra về việc chấp hành quy định pháp luật trong việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Phong Phú.
Báo Thanh Niên dẫn kết luận thanh tra cho biết, Sadeco là CTCP có vốn Nhà nước chi phối 74,8%, nhưng thẩm định giá vốn, không tổ chức đấu giá mà chỉ định bán 25% vốn cổ phần cho Công ty TNHH bất động sản Hoa Lâm, làm thất thoát vốn Nhà nước hơn 19,6 tỷ đồng.
Ngoài ra, Chủ đầu tư Dự án khu công nghiệp Phong Phú chưa thực hiện xong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, chưa ký hợp đồng thuê đất, chưa được cấp giấy chứng nhận, nhưng đã tự định đoạt dùng đất đem thế chấp vay ngân hàng để phục vụ cho mục đích riêng, không thể hiện trên sổ sách kế toán và báo cáo tài chính của đơn vị, là vi phạm pháp luật.
Đáng chú ý, Thanh tra cũng chỉ ra sai phạm của PPIP qua việc giao dịch, thế chấp giá trị bồi thường đất tại dự án với Ngân hàng TMCP Phương Nam nay là Sacombank.
Cụ thể, năm 2012, PPIP sử dụng 26 hồ sơ đền bù vào năm 2005, giá trị đền bù chỉ hơn 22 tỷ đồng cho diện tích hơn 110.000 m2 tại xã Phong Phú làm giá trị tài sản thế chấp, nhưng đã được Ngân hàng Phương Nam thẩm định giá bất động sản với số tiền lên đến hơn 550 tỷ đồng.
Tiếp đó, Ngân hàng Phương Nam ký 2 hợp đồng tín dụng giải ngân cho PPIP hơn 293 tỷ đồng. Trong năm 2012 và năm 2013, PPIP còn dùng 398 hồ sơ đền bù làm tài sản thế chấp, bảo đảm cho 7 doanh nghiệp, 9 cá nhân không phải là cổ đông của PPIP để ký các hợp đồng tín dụng vay ở Ngân hàng Phương Nam hàng ngàn tỷ đồng.
Tất cả 18 hợp đồng thế chấp đều do ông Nguyễn Ngọc Quang (Tổng giám đốc PPIP) ký. Theo kết luận thanh tra, tới tháng 4/2018, PPIP chưa trả nợ gốc và lãi vay, tổng dư nợ 18 hợp đồng trên lên đến hơn 10.269 tỷ đồng.
>> Top 10 ngân hàng có quy mô tổng tài sản lớn nhất năm 2023
Ai đã tham gia "giải cứu" khoản nợ xấu?
Những năm qua, Sacombank đã nhiều lần phát mại tài sản này với giá khởi điểm đấu giá giảm dần. Tính đến ngày 31/12/2021, tổng dư nợ của các khoản nợ quá hạn liên quan KCN Phong Phú là 16.196 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc là hơn 5.134 tỷ đồng, lãi tồn đọng hơn 11.061 tỷ đồng.
Trong biễn biến có liên quan gần nhất, CTCP Khu công nghiệp Phong Phú vào tháng 10/2023 đã có Tổng Giám đốc/Người đại diện theo pháp luật mới là ông Trần Tấn Hồng Cương (SN 1964), thay thế ông Nguyễn Ngọc Quang (SN 1956).
Ông Trần Tấn Hồng Cương từng xuất hiện trước truyền thông trong vai trò Phó Tổng Giám đốc Kita Group, thay mặt Tập đoàn thực hiện hoạt động thiện nguyện vào năm 2022. Ông Cương cũng là một trong 6 chủ nợ (thuộc nhóm Kita) tham gia vào đợt phát hành cổ phiếu hoán đổi nợ của CTCP Ô tô Giải Phóng (Mã: GGG) trong cùng năm.
Dự án Stella 927 của KITA Group (Ảnh: website công ty) |
Được thành lập từ năm 2014, KITA Group là cái tên nổi lên rất nhanh vài năm trở lại trong mảng bất động sản thương mại. Hiện KITA Group là tập đoàn phát triển đa ngành, trong đó Bất động sản là ngành kinh tế mũi nhọn. Tập đoàn có trụ sở chính tại TP. HCM, các chi nhánh tại Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ và văn phòng đại diện tại Quảng Châu, Trung Quốc.
Các dự án của Tập đoàn trải dài từ Bắc vào Nam với tổng diện tích đất lên đến cả nghìn ha tại các vị trí đắc địa ở Hà Nội, TP. HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng và các thành phố lớn khác. Một số dự án tiêu biểu như Stella Mega City Cần Thơ, Stella Residence, KITA Capital, Stella Quốc Oai, Stella Hải Dương, Stella Ocean Park…
Ở lĩnh vực khu công nghiệp, hồi tháng 3/2022, KITA Invest (pháp nhân thuộc nhóm KITA Group) gửi đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa về việc được tài trợ kinh phí thực hiện khảo sát, lập đồ án lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 Khu công nghiệp Lưu Bình tại 3 xã Quảng Lưu, Quảng Bình, Quảng Lộc, huyện Quảng Xương.
Trong năm 2023, Kita Group đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác cùng Công ty TNHH Tập đoàn đường sắt Trung Quốc 25 (thuộc Tập đoàn xây dựng đường sắt Trung Quốc) để cùng nghiên cứu phát triển các dự án xây dựng công trình hạ tầng đô thị tại Hà Nội với trị giá 10 tỷ USD. Thời gian đầu, hai bên hợp tác nghiên cứu phát triển dự án sản phẩm nhà ở tại Hà Nội với giá trị khoảng 350 triệu USD.
Ngoài ra, Kita Group còn tham gia phát triển dự khách sạn 5 sao North One Hotel & Apartments trị giá 200 triệu USD tại Darwin, Autralia, dự kiến khai trương vào năm 2025.
>> Lãnh đạo Sacombank giải thích lý do đặt mục tiêu lợi nhuận khiêm tốn
Khối nợ của Bamboo Airways phình to, Sacombank có góp phần 'bơm' thêm vốn?
Lãnh đạo Sacombank giải thích lý do đặt mục tiêu lợi nhuận khiêm tốn