Doanh nghiệp của Bầu Đức vừa ghi nhận doanh thu nghìn tỷ đồng trong hai tháng đầu năm và kỳ vọng sầu riêng sẽ mang lại nguồn tiền lớn trong nửa cuối năm nay.
CTCP Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG) của ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) vừa báo cáo tình hình kinh doanh 2 tháng đầu năm 2024 với doanh thu thuần đạt 1.043 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ năm ngoái.
>> Bầu Thuỵ - Bầu Đức bắt tay: Người lên như diều, người khó chồng chất
Cụ thể, HAG ghi nhận sản lượng tiêu thụ ngành cây ăn trái 74.459 tấn và ngành chăn nuôi 40.288 con heo thịt. Trong đó, ngành cây ăn trái mang về 630 tỷ đồng, chăn nuôi 201 tỷ đồng và ngành phụ trợ 212 tỷ đồng.
HAG thông tin, do công ty mở rộng diện tích khai thác nên sản lượng chuối xuất bán cao hơn, đem lại doanh thu vượt 55% so với cùng kỳ năm 2023.
Đối với ngành chăn nuôi, do giá tiêu thụ trên thị trường năm 2023 duy trì ở mức thấp, công ty hạn chế không tăng đàn, dẫn đến doanh thu 2 tháng đầu năm không đạt kỳ vọng.
HAG dự báo, doanh thu có thể tăng đột biến vào quý III và quý IV khi doanh nghiệp chính thức khai thác một phần diện tích sầu riêng. Cụ thể, sầu riêng trồng tại Việt Nam (thu vụ chính) sẽ có doanh thu vào tháng 8-9 và tại Lào (thu trái vụ) sẽ có doanh thu vào tháng 10 và 12.
Mới đây, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) đã đồng ý tài trợ 5.000 tỷ đồng để HAG đầu tư mạnh vào mảng nông nghiệp xanh. Số tiền này sẽ được LPBank giải ngân theo các giai đoạn khác nhau.
HAG cho biết, với nguồn vốn tín dụng từ LPBank, tập đoàn sẽ đặt mục tiêu tăng diện tích sầu riêng lên 2.000ha và chuối lên 9.000ha trong năm 2024.
Đến năm 2025, diện tích sầu riêng và chuối sẽ lần lượt đạt 3.000ha và 10.000ha. Dự kiến đến năm 2026, tổng diện tích vùng trồng chuối, sầu riêng và các loại cây có giá trị kinh tế của tập đoàn tại Việt Nam, Lào, Campuchia sẽ đạt 25.000ha.
ĐHĐCĐ thường niên 2024 của HAG dự kiến tổ chức trong tháng 4/2024.
Kết phiên giao dịch ngày 7/3, cổ phiếu HAG đạt 12.950 đồng/cp.
Tin doanh nghiệp
Thị trường chứng khoán còn một số sự kiện quan trọng khác của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn.
* AGG: Năm 2023, Tập đoàn BĐS An Gia ghi nhận doanh thu đạt gần 3.900 tỷ đồng, vượt 30% và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ ghi nhận 175 tỷ đồng, vượt 75% kế hoạch năm.
* AAT: CTCP Tập đoàn Tiên Sơn Thanh Hóa ghi nhận doanh thu năm 2023 đạt hơn 599 tỷ đồng, giảm 38% so với năm trước; lãi ròng hơn 17 tỷ đồng, giảm 81%. Năm 2024, AAT đặt mục tiêu lãi sau thuế 65 tỷ đồng, gấp hơn 3,8 lần năm trước.
* FTS: CTCP Chứng khoán FPT đặt mục tiêu doanh thu và lãi trước thuế năm 2024 lần lượt ở mức 845 tỷ đồng và 420 tỷ đồng, giảm gần 8% và 18% so với thực hiện năm trước.
* SHC: Sau khi chào bán bất thành toàn bộ 437.400 cổ phiếu SHC của CTCP Hàng hải Sài Gòn, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận gia hạn thời gian chào bán đến ngày 11/4.
* ASM: PYN Elite, cổ đông lớn của CTCP Tập đoàn Sao Mai, tiếp tục mua 2,3 triệu cổ phiếu trong ngày 29/2, nâng sở hữu lên hơn 25,8 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 7,68%).
* SMC: CTCP Đầu tư Thương mại SMC đã bán toàn bộ hơn 13 triệu cổ phiếu NKG của CTCP Thép Nam Kim từ ngày 5/2-4/3, thu về 314 tỷ đồng.
* VGC: Tổng công ty Viglacera ghi nhận kết quả sản xuất kinh doanh 2 tháng đầu năm với lãi trước thuế hợp nhất ước đạt 170 tỷ đồng, bằng 14% kế hoạch năm và vượt 128% so với cùng kỳ.
* STK: CTCP Sợi Thế Kỷ thông báo chào bán 1,04 triệu cổ phiếu quỹ (tương đương 1,11% số cổ phiếu đang lưu hành) theo chương trình lựa chọn cho cán bộ công nhân viên (ESOP) với giá 20.000 đồng/cp.
VN-Index
Kết phiên giao dịch ngày 7/3, VN-Index tăng 5,73 điểm (+0,45%) lên 1.268,46 điểm, HNX-Index tăng 1,91 điểm (+0,81%) lên 237,37 điểm, UpCOM-Index tăng 0,37 điểm (+0,4%), lên 91,61 điểm.
Theo Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), lực cầu gia nhập trở lại với hiệu ứng tích cực lan tỏa tương đối trên hầu hết nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, thể hiện tâm lý hưng phấn của nhà đầu tư. Sự sôi động của dòng tiền tiếp tục cho thấy, sức mua mạnh mẽ sẵn sàng gia nhập thị trường trở lại sau các nhịp điều chỉnh.
Nhà đầu tư được khuyến nghị tránh mua đuổi trong các nhịp tăng nóng, chỉ kê lệnh giải ngân một phần tỷ trọng gối đầu cho các vị thế đang nắm giữ khi chỉ số hoặc các mã mục tiêu quay xuống các vùng hỗ trợ gần.
Còn theo Chứng khoán Yuanta Việt Nam, nhóm cổ phiếu ngân hàng có dấu hiệu chững lại. Dòng tiền dịch chuyển ở các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn khác như nhóm sản xuất thực phẩm, chứng khoán.
Trong khi đó, rủi ro ngắn hạn ở nhóm cổ phiếu Midcaps vẫn ở mức thấp cho thấy thị trường vẫn có dư địa tăng trưởng trong ngắn hạn. Xu hướng ngắn hạn của thị trường vẫn duy trì ở mức tăng.
Chứng khoán Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục và mua mới.